Phát tán video giễu cợt, đả kích sinh viên châu Á sau thảm họa động đất, một sinh viên Mỹ ở Trường ĐH California, Los Angeles đã bị chỉ trích kịch liệt.

Alexandra Wallace, sinh viên ngành Khoa học chính trị năm 3 của trường này đã ghi lại đoạn video dài 3 phút trong phòng riêng của mình với những lời cường điệu, bắt chước sinh viên châu Á sử dụng điện thoại trong thư viện trường.

Trong video của mình, Wallace phàn nàn về một số sinh viên châu Á sử dụng điện thoại trong thư viện để gọi điện cho người thân sau thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản.

Alexandra Wallace nhại giọng tiếng Anh châu Á của bạn.

Có đoạn, cô còn nhại lại giọng nói của các bạn sinh viên châu Á.

“Trường California, Los Angeles nhận sinh viên châu Á hàng năm, chuyện đó cũng chẳng sao cả, nhưng vấn đề nếu bạn đến đây để học thì bạn hãy nói giọng Mỹ” - Wallace nói trong video.

Khi đoạn video này được đưa lên YouTube, nó được được hàng triệu người chú ý. Và cũng lập tức, Wallace trở thành chủ đề của những lời chỉ trích, lên án.

Đoạn video cũng châm ngòi cho một tranh luận về sư thiếu khoan dung tôn giáo và tự do ngôn luận trên khắp đất nước.

Một số sinh viên tranh luận trên Facebook, tỏ ra rất giận giữ với thái độ vô cảm, thiếu khoan dung của Alexandra Wallace, và yêu cầu đuổi học cô. Nhiều người xem đây là biểu hiện của sự căm ghét và phân biệt chủng tộc.

Robert Hernandez, GS chuyên ngành báo chí Internet của ĐH Nam California cho rằng câu chuyện của Wallace chính là một cảnh báo đối với người dùng Internet. Bởi một số chuyện sẽ không còn là vấn đề cá nhân như người ta tưởng.

Cô Wallace đã xóa video của mình trên Youtube và gửi lời xin lỗi lên báo sinh viên của trường.

Tuy nhiên, một số người vẫn tiếp tục đưa đoạn video này và những lời chỉ trích kịch liệt vẫn tiếp diễn. Wallace còn bị đe dọa qua điện thoại và e-mail.

Thứ 2 vừa rồi, hiệu trưởng trường U.C.L.A. Gene Block đã đưa ra lời phát biểu, cho rằng hành động của Wallace là thiếu suy nghĩ và làm tổn thương người khác. Lãnh đạo trường đang xem xét hình thức kỉ luật đối với Wallace.

“Khi ngồi trước máy tính, người ta thường dễ dàng nặc danh đưa ra bình luận và đe dọa ai đó, và rồi họ cư xử theo cách mà chính họ đang lên án” giáo sư Hernandez nói.

Lưu Ly (Theo New York Times)