- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống trao đổi với VietNamNet xung quanh clip thí sinh quay cóp trong giờ thi tốt nghiệp.

{keywords}

Ai sai đến đâu, xử lý đến đó

- Dư luận đánh giá việc xử lý clip tiêu cực của Sở GD-ĐT là nhanh và nghiêm - quá trình xử lí có gặp áp lực gì không thưa ông?

Thực ra, dư luận cũng còn có người nói muốn xử lí sớm hơn, nhưng việc xem xét kỉ luật chỉ một cá nhân cũng đều phải đúng quy trình, huống chi cả một nhóm GV liên quan thế này, nên chúng tôi càng phải làm chặt chẽ, không thể nóng vội.

Phải xác minh tư liệu, kiểm tra hiện trường, mời các cá nhân liên quan lên, cho làm tường trình, đối chất chứng cứ, rồi cho làm kiểm điểm theo nhiệm vụ được phân công, phải cho họ “tâm phục khẩu phục” và đề nghị mức kiểm điểm cũng phải căn cứ mức độ sai phạm và quy định của quy chế rồi mới quyết định được. Kỷ luật cũng phải có tác dụng giáo dục, uốn nắn để sửa chữa sau này, chứ không chỉ kỉ luật cho xong là xong.

- Ông đã nghe thắc mắc, quy chế thi áp dụng cho cả thí sinh và những người làm công tác coi thi. Vậy lí do gì tiêu cực xảy ra ở một hội đồng thi cụ thể lại chỉ quy kết trách nhiệm cho người lớn?

Đúng như thế, vì người lớn không nghiêm dẫn đến kỷ luật lỏng lẻo, học sinh mất trật tự, trao đổi thông tin với nhau như vậy. Học sinh cũng có khuyết điểm là đã không tự giác, không trung thực. Nhưng tôi nói lỗi trước hết là do người lớn là như vậy.

Còn về học sinh thì chúng tôi cũng đã hết sức lưu ý trong quá trình chấm hội đồng thi này, nếu thấy có bất thường đối thì sẽ có xử lý ngay.

- Lỗi ở người lớn như ông nhìn nhận là nằm ở khâu nào dẫn đến việc "ngang nhiên" để thí sinh quay cóp, trao đổi bài thi trong một kỳ thi quan trọng như vậy?

Kì thi này, chúng tôi có hơn 3200 phòng thi tại 154 hội đồng coi. Với hơn 8000 giám thị và thanh tra. Mỗi phòng có 2 giám thị chính, ngoài hành lang có thêm giám thị 3.

Ngoài ra cứ 7 phòng thi liền nhau có 1 thanh tra giám sát để cắm chốt, mỗi hội đồng có Chủ tịch, 2 phó chủ tịch, 2 thư kí, bên cạnh đó còn có 20 đoàn thanh tra lưu động của Sở xuống đột xuất các hội đồng theo địa bàn được phân công và 5 đoàn chỉ đạo của lãnh đạo sở đi nữa, đó là chưa kể đoàn thanh tra đột xuất của bộ, lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh vòng ngoài....

Như thế, ở mỗi khâu, khâu nào có tồn tại thì những đồng chí thực hiện nhiệm vụ trực tiếp ở đó phải chịu trách nhiệm trước hết, sau đó là những người có liên quan sẽ có trách nhiệm theo nhiệm vụ được phân công. Ai sai đến đâu, xử lý đến đó.

- Có khi nào ông thừa nhận - "người lớn" ở đây là những người làm sách giáo khoa, viết chương trình quá nặng - dẫn đến giáo viên và nhà trường cũng là "nạn nhân" khi không đủ thời gian truyền tải kiến thức cho học trò mới dẫn đến hiện tượng như hội đồng thi THPT Quang Trung? Thậm chí có ý kiến cho rằng tình trạng quay cóp còn xảy ra ở nhiều hội đồng khác...

Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy, nếu ai mắc khuyết điểm mà cũng đổ thừa cho những nguyên nhân như vậy thì là đáng trách vì chưa thấy hết trách nhiệm của mình. Các đoàn thanh kiểm tra đột xuất của chúng tôi đều cho thấy hầu hết các đồng chí giám thị đã thực hiện nghiêm chức trách của mình, và nhờ đó các hội đồng thi trật tự nghiêm túc.

Không bỏ thi tốt nghiệp

- Ở góc độ quản lí ông có tâm trạng thế nào khi một địa phương cụ thể có tiêu cực thi cử nhưng kết quả tốt nghiệp vẫn cao?

Đề thi vừa sức học sinh, bám sát chương trình sách giáo khoa THPT, tập trung vào kiến thức 12 nên khả năng học sinh làm được bài với điểm trên trung bình, tỉ lệ tốt nghiệp cao là chuyện có thể hiểu được.

- Theo ông có cần thiết phải duy trì kỳ thi tốt nghiệp? Nếu duy trì thì cần thay đổi khâu nào để kết quả phản ánh đúng thực chất việc dạy và học?

Cá nhân tôi cho rằng, một dây chuyền sản xuất hiện đại chẳng hạn, dù đã vận hành suôn sẻ, dù đã thường xuyên cho ra 100% những sản phẩm tốt, nhưng trước khi xuất xưởng người ta vẫn cần thiết phải có khâu kiểm tra chất lượng cuối cùng trước khi xuất xưởng để từ đó đánh giá lại toàn bộ quy trình sản xuất của họ xem như thế nào.

Kì thi tốt nghiệp cũng là một khâu kiểm tra về chất lượng trong việc học của trò, việc dạy của thầy, thế nên vẫn cần phải có. Vấn đề là phải có cách tổ chức ở mọi khâu làm sao cho khoa học, không hình thức hay quá nặng nề, tốn kém và không được tiêu cực thôi.

- Nhiều giáo viên chấm thi ở Hà Nội nhận xét, bài thi của thí sinh năm nay tốt hơn năm trước - ông có nghĩ tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ cao?

Tôi không được nghe ý kiến của tất cả GV, và hôm nay cũng chưa có tổng hợp kết quả chấm, nhưng chúng ta đều hy vọng các em sẽ vượt qua được kì thi này với tỷ lệ cao.

- Theo ông, clip tiêu cực ở Hội đồng thi THPT Quang Trung có phải là cá biệt? Hình thức xử lí sự việc như vậy đã thực sự đúng người đúng lỗi, đủ sức răn đe những hành động tương tự có thể xảy ra?

Báo cáo xử lý của chúng tôi đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT đánh giá là khẩn trương và nghiêm túc. Tôi nghĩ rằng sẽ là một bài học kinh nghiệm sâu sắc cho mỗi đơn vị và cá nhân trong toàn ngành. Nhân đây cũng xin cảm ơn VietNamNet và các phương tiện thông tin đại chúng khác đã quan tâm theo dõi và phản ánh với chúng tôi để kịp thời xử lý các sai phạm.

  • Kiều Oanh (thực hiện)