Xem lại khối lượng các môn học
Tôi học THPT tại Trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) từ năm 1985-1988. Vào thời gian đó, trường chỉ học buổi sáng 6 tiết và buổi chiều được nghỉ từ thứ hai tới thứ bảy.
Hiện tại các bạn học sinh THPT ngày nay học tập với số lượng giờ học rất nhiều.
Nếu so sánh thì có lẽ toàn bộ các trường THPT hiện tại đều có số lượng thời gian học hơn hẳn hệ thống chuyên cách đây gần 30 năm. Học nhiều giờ hơn, khối lượng nhiều hơn nhưng kết quả học tập có đạt như mong muốn lại là một ẩn số.
Ảnh: Văn Chung |
Có lẽ để đảm bảo một kỳ thi thật sự nghiêm túc, cần thiết phải xem lại khối lượng của các môn học trong hệ thống giáo dục và đào tạo.
Khối lượng hợp lý và giảm tải sẽ dễ dàng tạo điều kiện cho thầy cô và các bạn học sinh giảng dạy và học tập hiệu quả trong toàn bộ các năm học.
Quan trọng nhất ở đây không phải giáo trình chứa nhiều kiến thức bao nhiêu mà là học sinh thực học và thực hiểu bao nhiêu trong biển kiến thức mênh mông đó. Kiến thức quá nhiều dẫn tới học cái gì cũng biết nhưng biết lơ mơ còn nguy hiểm hơn gấp bội.
Lý do thứ hai của áp lực thi đó chính là kết quả kỳ thi được sử dụng như tiêu chí đánh giá hiệu quả của bản thân cá nhân thầy và cô, của nhà trường và ngành giáo dục trong một địa phương nói chung.
Trong thế kỷ 21, kết quả học tập của học sinh chỉ là một phần quan trọng do khối lượng tri thức và kiến thức của loài người tăng lên nhanh chóng theo thời gian.
Nền giáo dục hiện đại cần phải tập trung đào tạo cho các em học sinh năng lực tư duy, năng lực tự học tự phát triển, khả năng nghiên cứu, tư duy hệ thống, các khát vọng học tập.
Dựa trên những điều đó, tự bản thân mỗi cá nhân sẽ tự học và tự phát triển suốt đời. Chương trình và nội dung giáo dục có nhiều bao nhiêu cũng không thể nào đủ và đáp ứng hết mọi nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày.
Thay đổi cách đánh giá
Tiêu chí đánh giá toàn bộ hệ thống giáo dục cần thay đổi mới có thể chấm dứt một cách hệ thống những áp lục trong kỳ thi cuối năm và cuối cấp.
Một khi chỉ tiêu học sinh đỗ được sử dụng như là chỉ tiêu chính yếu đánh giá hiệu quả giáo dục, chắc chắn các thầy cô, nhà trường , quản lý giáo dục, cha mẹ và xã hội sẽ cố gắng đạt chỉ tiêu đó bằng mọi giá. Kết quả thi phụ thuộc rất nhiều cả quá trình dạy và học tại trường THPT.
Đề thi tốt nghiệp THPT sử dụng chung trên toàn quốc nhưng liệu các yếu tố đầu vào trong cả quá trình dạy và học có đồng nhất trên 64 tỉnh thành hay không.
Trình độ giáo viên, cơ sở vật chất, trình độ học sinh, cam kết của gia đình và xã hội tại địa phương....
Có quá nhiều vấn đề để chúng ta suy nghĩ để đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo. Giáo dục là một dịch vụ vì vậy không nên áp dụng KCS – kỳ thi cuối cấp để đánh giá toàn bộ hiệu quả của một qui trình 12 năm. Nếu như không đảm bảo Học ra Học, Dạy ra Dạy thì chắc chắn Thi sẽ không thể ra Thi vào cuối cấp.
Lý do thứ tư tạo ra áp lực kỳ thi rất nặng nề trong xã hội đó chính là hệ thống phân luồng cho nghề nghiệp đối với các bạn học sinh. Có thể nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 THPT là chiếc vé tối thiểu để đảm bảo các bạn học sinh học tiếp nghề.
Xã hội và bản thân chúng ta không thừa nhận và tạo những cơ hội nghề nghiệp tốt cho các bạn học sinh học hết lớp 9 hoặc chưa tốt nghiệp THPT.
Trong tư duy và tiềm thức của phụ huynh, việc vào được ĐH và tối thiểu có bằng tốt nghiệp THPT là thước đo của sự thành người thế hệ trẻ. Các bạn học sinh không đạt mức đó sẽ bị xã hội nhìn nhận và đánh giá như những cá nhân không giá trị.
Chừng nào chúng ta chưa phân luồng, tạo ra, thực hiện và ghi nhận những nghề nghiệp cho các bạn học sinh không thi đỗ THPT, tính đối kháng và phải đạt bằng được tấm bằng THPT sẽ vẫn là điểm nóng cho gia đình và xã hội.
Lý do cuối cùng của vấn đề đó chính là sự ỷ lại và dồn trách nhiệm giáo dục và đào tạo tới hệ thống giáo dục của phụ huynh và học sinh.
Để thi ra thi
Xã hội Việt Nam dường như đặt quá nhiều yêu cầu và trọng trách lên vai người thầy và nhà trường. Điều này cũng phù hợp khi hệ thống giáo dục của chúng ta sử dụng tiêu chí thi cử là tiêu chí chính xuyên suốt trong hệ thống giáo dục.
Các bậc cha mẹ đơn giản chỉ nhận thức học là thi chứ không phải học là giáo dục nhân cách.
Các phụ huynh và xã hội chưa nhận thức bản thân mình và gia đình phải là một yếu tố quan trọng tác động tới các em học sinh. Hầu như các em học sinh giỏi và kết quả tốt đều có sự góp mặt tích cực của gia đình trong toàn bộ quá trình học tập. Các em học sinh có trưởng thành về nhân cách toàn diện hay không chính là kết quả của gia đình và nhà trường trong giáo dục.
Có lẽ không thừa khi nhắc lại khẩu hiệu “trường ra trường , lớp ra ớp, thầy ra thầy, trò ra trò”. Chỉ khi nào chúng ta thực sự có “chương trình ra chương trình, học ra học, dậy ra dậy” thì kỳ thi cuối cùng mới có thể trở thành Thi ra thi.
- Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh (GĐ Viện Quản lý Việt Nam, Sáng lập)