-Kết thúc môn Ngữ văn vào lớp 10 ở TP.HCM sáng nay, cô giáo Võ Thị Miên cho rằng đề thi hay nhất từ trước đến nay, việc phân chia câu hỏi và điểm số đòi hỏi thí sinh phải nhạy bén. Nhiều học sinh cảm nhận đề hay nhưng có phần đánh đố.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có hơn 40.390 học sinh tham dự, trong đó có hơn 33.700 học sinh dự thi vào lớp 10 thường và hơn 6.600 học sinh vào lớp 10 chuyên.

{keywords}

Tại hội đồng thi THCS Đống Đa - Bình Thạnh, thí sinh Nguyễn Quỳnh Trang cho rằng, đề hơi dài và đánh đố học sinh.

Cùng quan điểm, thí sinh Nguyễn Thu Thúy bày tỏ, đề tương đối dài, câu hỏi về hình minh họa ngôn ngữ teen, ngôn ngữ chat là ý kiến hay nhưng chỉ được tối đa 1 điểm. Trong khi đây là vấn đề cần được đề cập và đang nóng hiện nay. “Đề thi là bài học cho các bạn trẻ hiện nay, khi sử dụng vô tội vạ những ngôn ngữ không phù hợp quên mất rằng chỉ nên dùng với đối tượng nào, phù hợp với tiêu chuẩn nào.”

Cùng hội đồng thi nhưng thí sinh Nguyễn Hải Hoàn cho rằng, đề hơi lạ, ngoài hai câu hỏi câu 1 và câu 4 là chương trình trong sách giáo khoa, thì câu 3 bắt buộc học sinh phải vận dụng được tư duy, hiểu biết kiến thức xã hội. Dù vậy việc viết bài văn ngắn trình bày suy nghĩ của em được gợi ra từ câu chuyện ước mơ đi về phía biển qua trích đoạn “Mùa hè này, những học trò nghèo của làng chài bãi ngang xã Phổ Châu, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, ngày nào cũng xuống biển bắt cua, so, ốc.. để kiếm vài ngàn ít ỏi nuôi ước mơ đến trường.

Theo Hoàn, đề thi này đã lay động tính đồng cảm sâu sắc sâu sắc của các bạn trẻ, qua đó cũng thấy được đức tính hiếu học, chịu thương chịu khó của con người Việt Nam. Đặc biệt là tấm lòng của người cha mẹ luôn hi sinh cho con cái, đề bài cũng là bài học cho những bạn trẻ có điều kiện kinh tế đầy đủ nhưng vẫn chểnh mảng trong học hành. Em nghĩ chắc được 6,5 đến 7 điểm thôi…

Tại hội đồng thi THPT Trần Đại Nghĩa, thí sinh Nguyễn Lan Hương cho rằng đề Văn tương đối khó và có tính phân loại cao. Em học nghiêng về khối A nên rất lúng túng, nhất là phần câu hỏi 5 điểm về trình bày cảm nhận tình cảm của con người Việt Nam đối với đất nước qua hai khổ thơ:

“Không có kính, rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim"

(trích Tiểu đội xa không kính- Phạm Tiến Duật)

"Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ.

Tất cả như hối hả.

Tất cả như xôn xao...(Trích Mùa xuân nho nho – Thanh Hải)”.

Đây là lần đầu tiên em thấy đề ra kết hợp hai đoạn thơ của hai bài thơ như thế này. Em mất một khoảng thời gian để suy nghĩ không biết làm đoạn này xong rồi mới làm đoạn khác hay cùng lúc trình bày về cả hai đoạn, em nghĩ chỉ được khoảng 6 điểm.

{keywords}
Đề thi môn Văn

Nhận xét về đề văn, một giáo viên quận Bình Thạnh cho rằng: Đề văn thi vào lớp 10 tại TP.HCM tương đối hay và thể hiện rõ tính phân loại cao, đòi hỏi học sinh phải biết tư duy và tinh ý nắm vững vấn đề, đề tương đối dài, với đề này nếu học sinh không biết nhận định vấn đề, ôn kĩ, căn chỉnh thời gian làm bài phù hợp dễ đạt điểm trung bình.

Còn cô giáo Võ Thị Miên, quận Thủ Đức cho rằng : Đây là văn lớp 10 hay nhất từ trước đến nay, việc phân chia câu hỏi và điểm số đòi hỏi thí sinh phải hiểu, nhạy bén mới nắm được vấn đề. “Đề văn đã đề cập đến nhiều giá trị sống trong xã hội: Tình cha con, tình cảm gia đình, văn hóa ứng xử, tình yêu quê hương, đất nước, và tình đồng loại…”.

"Đặc biệt câu hỏi 1 điểm số 2, đây là lần đầu tiên đề thi tuyển sinh lớp 10 có hình vẽ. Câu 3 về nghị luận xã hội là dạng đề mở tạo điều kiện cho thí sinh thể hiện quan điểm và khả năng phân tích, tổng hợp của mình. Câu số 4 khá lạ, nhưng là cơ hội cho bộc lộ sự sáng tạo và cảm thụ của riêng mình...." - cô Miên nhận xét.

  • Lê Huyền