- Việc tăng đột biến 11.000 trẻ bậc tiểu học tại Hà Nội trong mùa tuyển sinh 2013-2014 là áp lực lớn cho nhiều trường. Song đây cũng là điều kiện để các trường nhỏ, vị trí giao thông chưa thuận lợi có thêm nguồn tuyển, cải thiện cơ sở vật chất.

Ngộp thở

Những ngày này, chị Nguyễn Thị Hoa, phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân) như ngồi trên đống lửa. Mặc dù con có hộ khẩu đúng tuyến nhưng chị khá lo khi nghe nhiều phụ huynh bàn tán năm nay trẻ trong diện đúng tuyến cũng chưa chắc đã có chỗ học. Vợ chồng chị đã tính tới việc thay nhau xếp hàng qua đêm để giành suất học cho con.

 

{keywords}

Phụ huynh tới Trường TH Nhân Chính (quận Thanh Xuân) xem lịch tuyển sinh vào lớp 1 cho cháu. (Ảnh: Văn Chung)

Nỗi lo lượng trẻ sinh năm “heo vàng” (2007) tăng đột biến vào lớp 1 năm nay tại Hà Nội thể hiện rõ qua tổng chỉ tiêu/tổng số trẻ được điều tra trên các địa bàn.

Quận Thanh Xuân có 8/11 trường tiểu học công lập quá tải ngay ở số trẻ diện KT1/tổng chỉ tiêu của trường. Tại phường Thanh Xuân Bắc năm nay có 579 trẻ đến tuổi đi học nhưng chỉ tiêu tiếp nhận của Trường Đặng Trần Côn A chỉ là 400 HS.

Tại phường Phương Liệt có 397 trẻ vào lớp 1 trong khi chỉ tiêu của trường tiểu học Phương Liệt là 300. Phường Thanh Xuân Trung có số lượng trẻ gấp hơn 2 lần số chỉ tiêu của trường Thanh Xuân Trung (432 trẻ/chỉ tiêu 225). Đặc biệt, phường Nhân Chính, chỉ tiêu của Trường TH Nhân Chính là 180/512 trẻ.  

Tại quận Đống Đa, 17/19 trường đều quá tải, ví dụ Trường TH La Thành, chỉ tiêu 90/247 trẻ trên địa bàn; Trường TH Tô Vĩnh Diện là 250 chỉ tiêu/ 521 trẻ; Trường TH Quang Trung, 180 chỉ tiêu /388 trẻ. Tính chung, tổng số trẻ vào lớp 1 toàn quận là 6431, nhiều hơn tổng số chỉ tiêu giao cho các trường tới… hơn 1400 em.

Theo phương án tuyển sinh được công bố, tại quận Đống Đa, Trường TH Thịnh Quang, Trường TH Cát Linh tuyển 300 HS cho 6 lớp 1, mỗi lớp 50 trẻ.

 Tại quận Ba Đình, Trường TH Nguyễn Tri Phương, TH Phan Chu Trinh sĩ số trung bình 55 HS/lớp; Trường TH Kim Đồng sĩ số 56 HS/lớp, cá biệt Trường TH Hoàng Hoa Thám sĩ số lên tới 60 HS/lớp. Tại quận Cầu Giấy, 100 % số trường đều có sĩ số từ 50 đến 55 HS/lớp …

Trường phấn khởi

Hiệu trưởng Trường TH La Thành (quận Đống Đa) Vũ Tuyết Mai chia sẻ: “Con số 90 chỉ tiêu/247 trẻ chưa phản ánh đúng tình hình của trường. Vì nằm sâu trong ngõ, không tiện đường đi lại ở giữa nhiều trường TH lớn hơn trên cùng địa bàn nên năm nào trường cũng khó khăn trong tuyển trẻ vào lớp 1”.

{keywords}

“Heo vàng” vào lớp 1 tăng là nỗi lo của nhiều nơi song cũng tạo điều kiện cho một số trường khó tuyển sinh. (Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung)

Năm nay do “heo vàng” tăng đột biến, trường được tuyển trẻ đúng tuyến và trái tuyến. Trường dự kiến tuyển 3 lớp với từ 30 đến 35 HS/lớp nhưng thực tế có thể tiếp nhận từ 130 HS đến 150 HS. Nếu tuyển được nhiều, lãnh đạo UBND quận sẽ có khen thưởng kịp thời”.

Nhận thấy tình trạng quá tải vì lượng heo vàng tăng đột biến, từ đầu năm học trước Trường TH La Thành đã lên kế hoạch thu hút tuyển sinh cho năm 2013-2014. Bắt đầu bằng sự kiện tổ chức 50 năm thành lập trường, lãnh đạo trường thông qua chính quyền đã thông báo tới toàn thể nhân dân và phụ huynh tới dự để chứng kiến sự trưởng thành của nhà trường.

Website của trường cũng được chăm sóc chu đáo, cập nhật thông tin dạy và học liên tục. Công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục được phổ biến trên hệ thống loa phát thanh phường hàng ngày.

Lãnh đạo UBND quận Đống Đa cũng đồng ý đầu tư nâng cấp dự án nhà vệ sinh, phòng chức năng cho nhà trường. Liên quan đến khó khăn trong giao thông đi lại, hiệu trưởng Vũ Tuyết Mai cho biết: “Trường sẽ mở thêm 1 cổng trường để phụ huynh dễ dàng đón đưa con, tránh tình trạng tắc đường cục bộ”.

Tương tự, Hiệu phó Trường TH Tô Vĩnh Diện (quận Đống Đa) Đào Bích Hà cho biết: “Trường có 250 chỉ tiêu, số trẻ điều tra là 521 nhưng số trẻ vẫn còn hộ khẩu ở đây nhưng không sinh sống trên địa bàn khá nhiều.

Lượng trẻ “ảo” lớn là thực tế nhiều năm trường đã gặp phải. Do đó 5 lớp với khoảng 50 HS/lớp hoàn toàn nằm trong tính toán của trường. Chúng tôi không gặp khó khăn gì vì lượng “heo vàng” tăng đột biến.

Giải pháp “chữa cháy”

Phương án nhằm giảm áp lực của ngành GD-ĐT thủ đô đưa ra trong thời điểm hiện tại là phân luồng tuyển sinh ở một số khu vực. Trẻ sẽ được điều chuyển nhập học vào một số trường khác thuộc các địa bàn lân cận để “gánh” thêm sĩ số cho các trường đông.

Ở quận Thanh Xuân, một số trường như TH  Đặng Trần Côn B, phường Thanh Xuân Nam sẽ tuyển sinh thêm một số HS của phường Hạ Đình; xã Tân Triều…; TH Nguyễn Trãi tuyển HS thuộc phường Khương Mai.

Tương tự, tại quận Đống Đa, để giảm sức nóng cho trường tiểu học điểm Nam Thành Công (phường Láng Hạ) có 2 khu dân cư sẽ được điều chuyển nhập học tại Trường TH Thái Thịnh (phường Thịnh Quang).

Trường TH Quang Trung cũng được giảm “nhiệt” bằng phương án cho HS ở 15 tổ chuyển sang nhập học tại Trường TH Bế Văn Đàn, Trường TH Khương Thượng và Trường TH Tam Khương. Trên 20 tổ của phường Trung Tự cũng phải chuyển HS sang học tại Trường TH Khương Thượng để giảm tải cho Trường TH Trung Tự.

Tại quận Cầu Giấy, một số trường tiểu học cũng phải phân tuyến HS sang học các phường lân cận Yên Hòa, Trung Hòa, Mai Dịch...

Trong khi đó, ở một số trường như TH Khương Thượng (quận Đống Đa) hay Trường TH Phương Liệt (quận Thanh Xuân) đã có phương án “chữa cháy”.

Hiệu trưởng Trường TH Khương Thượng Nguyễn Thị Xuân Lan cho biết: “Với việc tăng chỉ tiêu tuyển thêm gần 20 trẻ so với năm 2012, trường được tuyển 6 lớp với 270 trẻ dù khối lớp 5 chuẩn bị ra trường chỉ có 5 lớp.

Theo quy định cứ bao nhiêu lớp 5 ra thì bấy nhiêu lớp 1 được tuyển vào. Trường cũng được phép ngăn 100m2 nhà ăn để biến thành lớp học nhằm giảm sĩ số mỗi lớp xuống còn 55 HS”.

Tương tự, Hiệu trưởng Trường TH Phương Liệt Nguyễn Thị Tuyết Mai đã có phương án chuyển phòng thể chất và “hy sinh” phòng hội đồng của giáo viên để chuyển thành phòng học cho HS. Nhờ vậy, dù số trẻ tăng đột biến nhưng trường vẫn sẽ tiếp nhận hết 100% trẻ có hộ khẩu ở phường Phương Liệt.

Như vậy, chủ trương “ba giảm” (giảm số HS trái tuyến; giảm số HS trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn) của lãnh đạo ngành GD-ĐT và TP Hà Nội cho năm học 2013-2014 vẫn chỉ là…mong muốn.

  • Văn Chung