- Vũ Thị Thu Hoài, quê xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Do ảnh hưởng chất độc màu da cam, đôi chân em teo nhỏ không đi lại được. Đợt thi ĐH em được bố cõng đến trường thi Học viện Bưu chính Viễn thông. Ở đây, em được các sinh viên tình nguyện nhiệt tình giúp đỡ, cõng đến phòng thi rồi lại cõng về ký túc xá.
Hoài và bố ở khu ký túc xá HV Bưu chính viễn thông trước ngày thi đại học. (Ảnh: Mai Phạm) |
Bác Vũ Văn Phiên, bố của Hoài tâm sự: "Tôi đi bộ đội 6 năm, từ năm 1973 đến năm 1979 ở chiến trường Quảng Trị- Thừa Thiên và bị nhiễm chất độc da cam. Gia đình bác có 4 người con. Hoài là con út và chỉ mình cháu bị dị tật ở cả hai chân, không đi lại được". Suốt 12 năm con đến trường là từng đó tháng ngày bác Phiên cùng con đến trường. Hoài còn bé thì Bác cõng. Con lớn thì đưa đi bằng xe đạp, trường cấp ba xa hơn thì đi bằng xe máy.
“Sáng tôi đưa con vào tận lớp rồi về, trưa lại ra đón. Mỗi ngày bốn lượt đi về. Đợt cuối năm lớp 12, Hoài học thêm thì mỗi ngày bố đi về 8 lượt” - bác Phiên chia sẻ. Đôi chân teo nhỏ nhưng Hoài vẫn có thể tự lo mọi sinh hoạt hàng ngày bằng cách di chuyển nhờ hai tay.
Kinh tế gia đình bác Phiên phụ thuộc vào 8 sào ruộng trồng lúa. Vì thất lạc giấy tờ nên bác Phiên chưa được hưởng chế độ chính sách. Hiện bácchỉ có khoản hỗ trợ cho Hoài được 1,1 triệu mỗi tháng. Lo đưa đón con đến trường nên khó khăn càng thêm khó khăn.
Thương bố, Hoài càng cố gắng học tập với kết quả nhiều năm đạt khá, giỏi. Từng thích kinh tế nhưng nghe học ngành này phải đi nhiều nên Hoài quyết định chọn ngành công nghệ thông tin vì "phù hợp với điều kiện bản thân". Em mơ ước sẽ trở thành một lập trình viên.
Các SV tình nguyện giúp bác Phiên cõng Hoài đến phòng thi rồi về kí túc xá. (Ảnh: Mai Phạm) |
Nhiều lần nhìn con người cha già ứa nước mắt vì xót xa. Bác Phiên tâm sự: "Từ khi Hoài còn học cấp II, gia đình khuyên em nên dừng học văn hóa để chuyển sang học một nghề gì đó phù hợp rồi ở nhà với bố mẹ. Nhưng em vẫn khát khao đến trường".
Bác Phiên cười gượng: "Con đỗ ĐH cũng mừng nhưng bác không thể bỏ công việc ở nhà để lên Hà Nội ở hẳn cùng con. Nhưng nó bảo chỉ cần bố lên ở với con nửa tháng, sau đó con sẽ sắp xếp được. Thấy con quyết tâm nên tôi cũng cố cho cháu đi thi. Hi vọng sau con có việc làm để tự lo được cho bản thân".
Hoài chỉ nhỏ nhẹ nhỏ nhưng đầy cương quyết: “Không có bố, em sẽ nhờ các bạn trong cùng phòng ký túc xá. Hoặc giả không ai giúp em có thể đi bằng tay đến giảng đường cũng được”. Hoài cho biết năm nay em cũng chỉ đăng ký vào HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông và: "Nếu không đỗ em sẽ về nhà tính học một nghề gì đó hoặc nuôi ước mơ vào đại học vào năm sau"
Tại Hội đồng thi HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông còn có một thí sinh khuyết tật khác là em Phạm Văn Hoàng, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Hoàng bị khuyết tật co cơ bẩm sinh nên em nói năng, đi lại, vận động đều khó khăn. Hoàng cho biết năm 2012, em thi vào khoa Công nghệ thông tin của trường nhưng bị thiếu mất một điểm. Không đỗ đại học, em đăng ký vào học hệ cao đẳng của trường. Nên năm nay em sẽ cố gắng hơn để được học hệ đại học chính quy.
- Văn Chung