- Điều đặc biệt ở những sĩ tử đã lên chức phụ huynh này là dường như lòng quyết tâm của họ còn cao hơn cả những người trẻ mới mười tám, đôi mươi. Số lần họ dự thi đại học không dừng lại ở con số 1, 2.

63 tuổi 5 lần đi thi, bị chê “dở hơi”

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Minh, 63 tuổi 5 lần đi thi đại học

Ở cái tuổi 63 – cái tuổi mà ai cũng chỉ muốn sum vầy với con cháu thì ông Nguyễn Văn Minh (Quảng Trị) vẫn nhất quyết trốn vợ con đi thi đại học. Năm 2013 là năm thứ 5 ông lặn lội, khăn gói đi thi.

Được biết trước đây, ông Minh từng tốt nghiệp ngành Sư phạm tiểu học tại ĐH Sư phạm Huế và từng đi dạy ở các huyện miền núi Thừa Thiên Huế. Năm 2008, ông thi vào ngành Kiến trúc, ĐH Khoa học Huế. Năm 2010, ông đăng ký ngành Vật lý, cũng thuộc ĐH Khoa học Huế nhưng vì đau răng nên ông đành bỏ thi. Năm 2011, 2012 ông tiếp tục thi vào ngành này nhưng vẫn không đỗ.

4 năm ôn thi khối A không đỗ, năm nay ông chuyển sang thi khối D, ngành tiếng Pháp, ĐH Ngoại ngữ Huế. Ông Minh cho biết, để tiết kiệm tiền đi thi mỗi ngày ông bỏ ra 500 – 1.000 đồng, ngày nào nhiều thì 2.000 đồng bỏ vào lợn đất.

Tham dự kỳ thi đại học năm nay, ông mang theo 300.000 đồng và 5 chiếc bánh mỳ để tiết kiệm tiền ăn. Buổi tối, tiện chỗ nào ông ngủ chỗ đó. Có lẽ năm nay ông là thí sinh lớn tuổi nhất thi vào ĐH Huế.

Ông nói: “Vợ con phản đối kịch liệt, một vài người hàng xóm còn nói tôi là thằng dở hơi. Nhưng thực ra, tôi quyết tâm thi đỗ vì mê cái sự học thôi”.

Người đàn ông ham học này cho biết, năm nay ông làm bài môn Văn cũng tạm ổn. Nếu không đỗ, năm sau ông sẽ vào Đà Nẵng dự thi.

Con cháu đề huề vẫn ứng thí

{keywords}

Bà Nguyễn Thị Phong, 57 tuổi từng tham dự kỳ thi đại học năm 2012

Cũng như ông Minh, bà Nguyễn Thị Phong (57 tuổi), quê Nghệ An cũng từng khiến nhiều người ở điểm thi vào trường ĐH Khoa học – xã hội & nhân văn TP.HCM trầm trồ thán phục. Năm 2012, bà Phong đăng ký thi đại học với mục đích “thử sức mình”.

Bà Phong hiện đã có con cháu đề huề. Con trai bà hiện đang là giám đốc một trung tâm đào tạo. Kinh tế gia đình ổn định, lại nhàn rỗi và được con cái ủng hộ, bà đăng ký thi đại học để thực hiện ước mơ đèn sách.

Người phụ nữ đã lên chức bà nội này cho biết, trước đây bà từng trúng tuyển vào ĐH Thuỷ Lợi nhưng do nhận được giấy báo trúng tuyển quá muộn nên không được nhập học. Bà cũng sinh ra trong một gia đình hiếu học. Ông nội là thầy đồ dạy chữ Nho, bố bà là y sĩ làm việc trong quân đội.

Chia sẻ về quá trình ôn thi, bà nói, hầu hết là tự ôn ở nhà và cũng gặp nhiều khó khăn khi tuổi đã cao, đầu óc cũng chậm chạp. “Thực ra tôi không muốn đề cập gì nhiều đâu, nhỡ đến khi mình không thi đỗ đại học người ta lại cười cho. Tôi đã nghỉ hưu được hai năm nay, ở nhà cũng nhàn nhã nên tôi nảy sinh ý định tham gia thi tuyển ĐH thôi”.

Trước đây, bà Phong từng làm công nhân cho một nông trường ở Nghệ An. Trong quá trình công tác, bà chịu khó học hỏi rồi được phân công làm kế toán của nông trường.

4 năm trượt vẫn hừng hực quyết tâm

Mùa thi năm nay, một người đàn ông 38 tuổi đạp xe đến trường thi cũng là một thí sinh rất đặc biệt.

{keywords}

Người đàn ông 38 tuổi 4 lần đi thi đại học

Anh là Đoàn Hưng, hiện đang sinh sống ở quận 10, TP.HCM. 7h sáng anh đạp xe phi thẳng vào cổng trường thi thì bị các sinh viên tình nguyện chặn xe lại. Họ tưởng anh mang bánh mỳ tới cho con đang thi bên trong, nhưng khi xem giấy báo dự thi mới tin anh chính là sĩ tử.

Anh Hưng chia sẻ đây là lần thứ tư anh đi thi đại học. Năm nay anh thi vào ngành Hoá, ĐH Sư phạm TP.HCM. Năm 2010, anh Hưng thi ĐH Y dược TP.HCM. Đến năm 2011, anh tiếp tục thi ĐH Khoa học tự nhiên, năm đó anh chỉ được 6 điểm. Năm sau nữa, anh vẫn tiếp tục thi nhưng đến ngày thi anh bận việc gia đình nên bỏ thi. Như vậy là sau 3 năm, giấc mơ giảng đường của anh vẫn chưa thành sự thật.

Tuy nhiên, người đàn ông này kiên quyết nếu không đỗ, năm sau sẽ tiếp tục nộp hồ sơ thi. Hiện tại, anh Hưng sống một mình và làm đủ nghề để sinh sống. Nói về quá trình ôn thi, anh cho biết ban ngày vẫn đi làm, tối về tự ôn bài, chứ không có tiền để ôn ở các lò luyện. “Được bước vào giảng đường đại học là ước mơ lớn nhất đời tôi. Nick cụt tay, cụt chân nhưng không bỏ cuộc, học và thành đạt. Tại sao mình có tay có chân mình lại không học được?” – anh tâm sự.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)