- Sáng 12/7, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Bùi Anh Tuấn đã có trao đổi với
VietNamNet xung quanh thông báo dừng xem xét mở ngành đào tạo mới khối ngành khoa học giáo
dục và đào tạo giáo viên ở các trình độ CĐ, ĐH gửi các trường từ 10/7.
- Thưa ông, có ý kiến cho rằng, thông báo dừng xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên ở các trình độ CĐ, ĐH là đột ngột. Ý kiến của ông như thế nào về đặt vấn đề đó?
Trước tiên phải khẳng định không đột ngột. Đây là công việc của cơ quan quản lí nhà nước nhằm cảnh báo các cơ sở giáo dục muốn mở ngành phải có sự chuẩn bị đầu tư về đội ngũ và cơ sở vật chất.... tập trung nâng cao chất lượng.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Bùi Anh Tuấn: "Trong thời gian rà soát quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ mà lại tiếp tục cho mở thì sau này điều chỉnh quy hoạch là rất khó..." |
Mặt khác, triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm đến năm 2020, Bộ GD-ĐT chủ trương rà soát, thống kê và quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước.
Để thực hiện nhiệm vụ đặt ra, trong thời gian trước mắt, bộ sẽ tạm dừng xem xét những hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới thuộc khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên ở các trình độ CĐ, ĐH.
Thời gian thực hiện sẽ bắt đầu từ khi thông báo được gửi xuống các trường.
- Khi thông báo được phát xuống các trường chắc hẳn bộ cũng có dự báo về mức độ dôi dư của nhân lực của khối ngành tạm ngưng này?
Một điều phải khẳng định là thông báo này chỉ là tạm ngưng xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành, còn việc đào tạo hiện nay của các trường không có thay đổi. Thực tế, nhân lực ngành Sư phạm đang có dôi dư, có nơi thừa nơi thiếu. Thậm chí có địa phương thông báo tuyển giáo viên mà có đến hàng trăm hồ sơ đăng ký. Cho nên việc dôi dư là có.
Công văn do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga ký gửi các cơ sở giáo dục ĐH ngày 10/7. |
Vậy nên bộ mới tiến hành rà soát, quy hoạch lại toàn bộ hệ thống các trường/ ngành có đào tạo sư phạm trên cả nước. Và trong thời gian rà soát quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ mà lại tiếp tục cho mở thì sau này điều chỉnh quy hoạch là rất khó.
- Nói như vậy thì trong quá trình quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ thì với những trường đào tạo sư phạm "trái tay" bộ sẽ có sắp xếp lại?
Việc rà soát, quy hoạch bộ đang tiến hành. Vụ Giáo dục ĐH là một đơn vị tham gia. Căn cứ kết quả rà soát, quy hoạch mới biết được năng lực đào tạo và nhu cầu nhân lực từng khối ngành cụ thể. Nhu cầu không đi vào số lượng mà tập trung vào chất lượng.
Trên cơ sở kết quả rà soát, quy hoạch mạng lưới và những điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo, quy hoạch phát triển nhân lực sư phạm ở từng địa phương và của các vùng, miền ở từng giai đoạn, bộ sẽ ban hành những chính sách cụ thể để cân đối giữa cung và cầu nhân lực sư phạm, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
- Hiện bộ có nhận được nhiều hồ sơ mở hai khối ngành sư phạm và khoa học giáo dục không thưa ông?
Năm vừa rồi bộ cũng nhận được nhiều hồ sơ mở ngành ở nhiều khối ngành khác nhau, trong đó có hai khối ngành này. Tuy nhiên cũng có nhiều hồ sơ gác lại không xem xét. Cụ thể thì tôi không nhớ.
Sinh viên sư phạm khó tìm việc Ông Nguyễn Khắc Bình, chuyên viên Vụ Giáo dục ĐH: Căn cứ vào quy hoạch các trường ĐH sư phạm trong cả nước để xác định lại việc đào tạo nguồn nhân lực sư phạm cho các địa phương. Thực tế có nơi thì nhiều trường đào tạo sư phạm, nhưng cũng có những vùng chưa cân đối. Các tỉnh đều có trường CĐ sư phạm, trừ Đắk Nông chưa có. Chính vì vậy Bộ GD-ĐT đa rà soát, hệ thống lại các trường đào tạo nguồn về sư phạm cho toàn quốc. Mặt khác cũng có thực trạng những năm gần đây nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực sư phạm gần như bão hòa. Tức là nhu cầu sử dụng ít - cầu không có nhưng cung vẫn đào tạo. Hiện, các em tốt nghiệp sư phạm ra tìm việc rất khó. Phân tích sâu thì thấy 1 sản phẩm được đào tạo thành giáo viên thì được sử dụng 30 năm trong ngành. Trong khi tăng dân số và tăng trường học ở các địa phương thì ít. Nhân lực các ngành khác thì có sự linh hoạt hơn, ví như ngành Kế toán - ra trường có thể nhảy ngành khác...Nên ở các ngành khác sự dao động của lực lượng lao động đào tạo ra là thường xuyên. Nên nguồn nhân lực của các ngành khác nó có nhu cầu vì sự thay đổi của người lao động. Còn ngành Sư phạm ra trường không làm sư phạm thì không làm được ngành khác. Cụ thể, tốt nghiệp sư phạm lý thì phải dạy Lý 30 năm - chứ không thể dạy Lý mà nhảy sang văn được... Cho nên nghề sư phạm tốt nghiệp ra chôn chân người lao động rất dài là một nguyên nhân dẫn đến nhiều sinh viên ra trường chưa xin được việc. |
- Kiều Oanh