- Quy định về việc mang thiết bị không có chức năng truyền, phát thông tin vào phòng thi của ngành giáo dục được thực hiện 3 lần trong một năm cho thấy cuộc đấu tranh quyết liệt giữa những luồng tư duy, giữa lý thuyết và thực tiễn.

“Phút 89”

Vụ việc Đồi Ngô năm 2012 đã khiến ngành Giáo dục đối diện với một thực trạng đau đầu: Có quy chế thi, nhưng khi sự vụ xảy ra lại không có điều khoản nào để xử lý.

Thực tế diễn ra như vậy, nếu cứ ngồi một chỗ để tranh luận ngược xuôi thì chuyện mãi lùng nhùng. Khi đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định phải có biện pháp quản lý, phải chủ động nắm lấy tình thế để có hướng xử lý phù hợp.

{keywords}
(Ảnh minh họa, Ảnh: Văn Chung)

Chuyện ngỡ đơn giản nhưng phải suy đi tính lại việc có thực hiện hay không quyết định việc mang thiết bị vào phòng thi như vậy.

Có người kể: Quá trình đưa quy chế đưa thiết bị vào phòng thi nung nấu mất một năm trời. Khởi điểm, Bộ trưởng Luận trao đổi với một vài người trong và ngoài ngành giáo dục suy nghĩ của mình, đề nghị giữ kín câu chuyện. Chỉ trong phạm vi nhỏ thôi, nhưng ý kiến cũng muôn vẻ: Có đồng tình, có trái chiều, có băn khoăn, lo lắng… Nhưng đều chốt lại một điều: Nếu đưa nội dung trên vào văn bản theo điều kiện bình thường thì sẽ bị phản đối.

Mỗi nhà quản lý thực hiện chức năng của mình theo phong cách riêng, để nhắm tới thước đo chung là hiệu quả công việc và mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Những người đứng đầu cần sự quyết đoán, xông pha vào nơi khó khăn, gay cấn và lôi cuốn nhiều người cùng làm theo. Nhưng làm chính khách không chỉ đòi hỏi khả năng dám làm, mà còn phải biết cách tiến thoái phù hợp.

Trước ngày thi tuyển sinh đại học một tuần, áp dụng điều khoản trong quy chế ban hành văn bản, cho phép trong trường hợp khẩn cấp được ban hành và sử dụng ngay, Bộ GD&ĐT đã bổ sung nội dung mới vào Quy chế thi ĐH, CĐ 2012. Quy định về việc cho phép thí sinh mang thiết bị không có chế độ truyền phát tín hiệu vào phòng thi đã ra đời đầy kịch tính.

Sóng gió

Không nằm ngoài dự liệu, sóng gió nổi lên ngay từ trong ngành giáo dục.

Những ngày đầu thực hiện quy định, chính các trường ĐH đưa ra ý kiến nhiều nhất. Trong Hội nghị tổng kết ĐH, CĐ năm 2012 và cả năm 2013, đa số hiệu trưởng đều cho rằng quy định trên là vẽ rắn thêm chân, là vẽ đường cho hươu chạy, làm khó cho cán bộ coi thi. Việc kiểm tra thiết bị thí sinh đưa vào phòng thi đã phức tạp, lại thêm tâm lý có tai mắt đang theo dõi mình, kiểu như người nhà mà không tin tưởng nhau, nên phải giao thêm cả học trò giám sát.

{keywords}

Thiết bị quay cóp tinh vi được Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy phát hiện và lưu ý giám thị trong kỳ thi đại học đợt 1. (Ảnh: Văn Chung)

Một người ý kiến, nhiều người ý kiến, cả hội trường rộng của ĐH Bách khoa Hà Nội lúc đó đều như cùng sôi lên băn khoăn tính khả thi, hiệu quả của quy định mới, đề nghị Bộ trưởng cân nhắc kỹ hơn. Không khí chuẩn bị kỳ thi cử ĐH vốn đã nóng với nào là giao chỉ tiêu cho các trường, kỷ luật các cơ sở vi phạm, giao quyền tự chủ đến đâu… nay lại thêm quy định mới trong quy chế thi, giống như lửa đổ thêm dầu vậy.

Giữa trường náo nhiệt phản hồi đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chốt một câu: "Giáo dục phải có sự thích ứng với môi trường khoa học công nghệ phát triển".

Ông khẳng định việc mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi hoàn toàn không phải là sáng kiến của Bộ GD-ĐT, mà xuất phát từ thực tiễn.

Những năm trước, Bộ GD-ĐT đã có quy định học sinh không được mang những vật dụng này vào phòng thi, tuy nhiên thực tiễn đã nói lên tất cả, khi sự việc Đồi Ngô làm dư luận đặt nhiều câu hỏi.

Từ đó, Bộ trưởng khẳng định: Ban hành quy định này không phải là chuyện "vẽ đường cho hươu chạy" mà là công việc phải làm, phải bắt đầu thích ứng với môi trường khoa học công nghệ phát triển. Đây chính là lúc để ngành giáo dục chủ động thực hiện trước khi rơi vào thế bị động.

Lời giải

Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012 diễn ra suôn sẻ. Tiếp sau đó là việc áp dụng quy định mới tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013. Ngay trước kỳ thi, báo chí cũng tranh cãi rất nhiều. Thầy cô giáo phổ thông cũng lo lắng băn khoăn không ít.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 kết thúc. Clip quay lại sự mất trật tự ở một phòng thi Hội đồng Trường THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) xuất hiện. Ngay sau đó, việc xử lý đã tiến hành nhanh gọn.

Kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, trước ngày thi, vẫn còn những lo lắng về việc kiểm tra thiết bị. Nhưng 1 năm kinh nghiệm của giám thị, 1 năm triển khai quy định mới đã cho thấy, ý chí của tập thể cùng sự giám sát vô hình - sự răn đe cần thiết với số ít cá nhân nào đó còn có ý định thiếu nghiêm túc - đã cộng hưởng thành hiệu quả thiết thực.

  • Song Ngọc