- Trao đổi với VietNamNet, Hiệu phó Trường ĐH Khoa học tự nhiên HN Nguyễn Hữu Dư cho rằng quy định tuyển thẳng những thí sinh đã tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo là hết sức vô lí.
Mùa tuyển sinh năm nay, theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, TS được tuyển thẳng theo diện này phải tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), theo quy định của Chính phủ được ưu tiên tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, những thí sinh này phải học bổ sung kiến thức một năm học trước khi vào học chính thức.
Hiệu phó Nguyễn Hữu Dư cho rằng: "Đây là quy định khá vô lí và cần phải xem lại. Đành rằng các em ở vùng các huyện nghèo nhưng nơi nào không có người giàu người nghèo?"
Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH 2013 (Ảnh: Văn Chung) |
PGS.TS Đinh Thị Mai, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn cho biết, năm 2012 trường này nhận được hơn 10 hồ sơ diện tuyển thẳng theo Nghị quyết 30a.
Khi vào thực học, chỉ có 8 thí sinh đến học. ĐH Công đoàn đã gửi các sinh viên đi học dự bị tại Trường Dự bị Dân tộc Trung ương Phú Thọ. Đến giờ nhà trường vẫn chưa nhận được kết quả học tập của các học sinh này.
Hiệu phó Trường ĐH Ngoại thương HN Bùi Ngọc Sơn cho biết năm 2013 trường có khoảng 10 hồ sơ xét tuyển dạng này. Tuy nhiên ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo HV Ngân hàng cho rằng:
"Chủ trương để các em học dự bị 1 năm trước khi vào học chính thức là tốt nhưng ít khả thi. Việc các TS lựa chọn những trường top cao vô hình chung gây khó khăn cho chính các em. Bản thân các em cũng nên cân nhắc giữa năng lực và ngôi trường yêu thích. Nếu không có thể phản tác dụng, không theo học được".
Đây là năm đầu tiên Trường ĐH Điện lực thực hiện tuyển thẳng những TS diện các huyện nghèo. Ông Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: "Qua tìm hiểu, các trường đại học tốp đầu thường không tuyển quá 1-2% TS diện này trên tổng chỉ tiêu nhà trường. Họ làm như vậy vì đã tính đến chuyện giữ thương hiệu tốt bấy lâu. Với riêng trường chúng tôi, năm nay tổng số TS trường tuyển sẽ không quá 50 em, khoảng gần 3% tổng chỉ tiêu tuyển sinh".
Không như Trường ĐH Công đoàn, ông Hiền cho biết: "Chúng tôi sẽ mở 1 lớp dạy dự bị cho các em ngay tại trường. GV khối các ngành kỹ thuật của trường không khó để dạy các môn cơ bản như Toán, Lý, Hoá.
Tuy nhiên cái khó là dạy các em như thế nào khi đầu vào các TS này thường thấp. Sau 1 năm nếu các em học chất lượng chưa đạt trường cũng chưa tính đến phương án khả dĩ". Trong trường trên, ông Hiền nghĩ đến phương án vẫn giữ số học sinh này nhưng các em kém sẽ không được chọn ngành có đầu vào cao của trường.
Ngại tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia Dù không thực muốn nhưng theo quy định của Bộ GD- ĐT năm 2013, Trường ĐH Y Hà Nội phải nhận hơn 80 hồ sơ TS đạt giải HSG QG từ giải Ba, Nhì, Nhất. Trước năm 2012, trường chỉ tuyển thẳng học sinh đạt giải Nhất kỳ thi HSG quốc gia. Hiệu trưởng Nguyễn Đức Hinh cho rằng: "Các em này muốn vào trường phải thi ĐH và chỉ được nhận nếu đạt từ điểm sàn trở lên". Thực tế có TS đạt giải Nhì, Ba nhưng vẫn không vượt qua điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Ghi nhận của PV, tại nhiều trường như Trường ĐH Công nghiệp HN, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường ĐH Công đoàn, Trường ĐH Thương Mại HN,...lượng hồ sơ HSG QG nộp hồ sơ tuyển thẳng vào gần như không có. Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp HN Trần Đức Quý: "Các em thường chọn các trường top cao hoặc đại học thiên về nghiên cứu nhiều hơn. Khối các trường kĩ thuật gần như rất ít hồ sơ dạng này". |
- Phong Đăng