- Mùa tuyển sinh cao đẳng 2013 chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lượng hồ sơ và thí sinh đến dự thi tại nhiều trường. Trong tình cảnh đó, một số trường vẫn tự tin với vị thế của riêng mình qua lượng hồ sơ và thí sinh dự thi đông, dự kiến điểm chuẩn cao.

{keywords}
Thí sinh dự thi vào Trường CĐ Sư phạm TƯ sáng 15/7. Ảnh: Văn Chung

Giao chỉ tiêu tuyển sinh đến từng giảng viên

Hiệu phó Trường CĐ Cộng đồng Hà Nội Nguyễn Phúc Đức cho biết: sáng 15/7 trường có 664 TS đến dự thi trên tổng số 1324 hồ sơ, chiếm tỉ lệ 50,15%. So với năm 2012 các con số trên có sự sụt giảm mạnh. Năm ngoái trường có 2564 TS đến dự thi trên tổng số 4068 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường, đạt tỉ lệ 65%.

Với tổng chỉ tiêu năm 2013 là 1400, số TS đến dự thi thấp buộc trường phải tính đến phương án tuyển nguyện vọng bổ sung.

Trước tình thế khó khăn, ông Đức cho biết: "Trường huy động tất cả lực lượng cán bộ, giảng viên tham gia tuyên truyền vận động người thân, bạn bè, các mối quan hệ để có thể tuyển đủ chỉ tiêu". Mỗi cán bộ, giảng viện thậm chí còn được giao chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể.

Trường CĐ Xây dựng công trình đô thị (Gia Lâm, Hà Nội) năm nay số thí sinh đăng ký dự thi giảm mạnh, từ 8.000 (năm 2012) xuống chỉ còn 1.582.

Tương tự, hiệu phó Trường CĐ Điện tử-Điện lạnh Hà Nội Phạm Tiến Dũng cho biết tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 1300 (750 chỉ tiêu CĐ), số hồ sơ đăng ký vào trường năm 2013 là 1923, giảm hơn 30% so với năm 2012. Sáng 15/7 chỉ có 984 TS đến dự thi, tỉ lệ đạt chỉ khoảng 51%, giảm hơn 10% so với năm ngoái.

Trước tình cảnh trên, trường trông cậy nhiều vào việc tuyển bổ sung ở các nguyện vọng 2, 3 với khoảng 50% tổng chỉ tiêu. Năm nay, Trường CĐ Điện tử- Điện lạnh dự kiến sẽ tuyển khoảng 40% TS tỉnh ngoài.

Theo lãnh đạo 2 trường này, nguyên nhân khiến lượng hồ sơ đăng ký dự thi và TS đến thi giảm một phần quan trọng xuất phát từ việc siết chặt chất lượng đào tạo liên thông từ TCCN lên cao đẳng và từ cao đẳng lên đại học của Bộ GD-ĐT.

Hiệu phó Phạm Tiến Dũng cũng cho rằng: "Nhiều TS được định hướng, lượng sức mình nên không cho thi mà theo học nghề để sau vài tháng đã có thể kiếm được việc làm thay vì thi cao đẳng hoặc đại học. Lí do lớn hơn có lẽ xuất phát từ quan niệm sính bằng ĐH của không chỉ nhiều gia đình, thí sinh mà các cơ quan NN khiến các em nản lòng khi chọn học cao đẳng khi đường vòng lên ĐH giờ quá khó khăn".

"Lí do các em không chọn chúng tôi vì chất lượng kém chắc chắn không phải. Tôi có thể khẳng định ở trường mình rất hiếm tiêu cực, gian lận thi cử. Nhiều ngành SV học xong ra trường dễ xin việc, thậm chí chưa ra đã có đơn vị đến nhận như Điện-Điện tử, tin học, Nhiệt lạnh.

Hai trường này cũng đã lên phương án, vạch lộ trình để nâng cấp thành trường đại học trong thời gian từ nay đến 2015 và muộn nhất là 2020.

"Sống khỏe"

Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm TƯ Đặng Lộc Thọ cho biết: Năm 2013, trường có 6844 hồ sơ đăng ký dự thi, tăng nhẹ so với năm 2012. Tổng số TS đến làm thủ tục dự thi của trường khá cao, ở mức 71,3%. Đặc biệt, ngành mầm non số thí sinh đăng ký dự thi khá đông chiếm tới 4536 hồ sơ, tỉ lệ chọi khoảng 1/12-15.

Có được kết quả như vậy, theo phân tích của ông Thọ: "Do đặc thù ngành mầm non và một số ngành khác của trường ra trường dễ xin việc, thu nhập tốt. Ngành mầm non của trường chúng tôi vốn có truyền thống đào tạo cộng với chủ trương phổ cập trẻ 5 tuổi của Nhà nước, chế độ tuyển dụng giáo viên có nhiều ưu đãi nên dễ hiểu vì sao nhiều em chọn thi vào đây".

Lường trước khó khăn có thể gặp phải, từ 4 năm nay trường đã tiến hành phát tờ rơi ở tất cả các trường THPT, GDTX rồi các phòng và sở GD-ĐT các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra Hà Nội nhằm quảng bá hình ảnh nhà trường tới thí sinh và phụ huynh. "Kinh nghiệm của chúng tôi là phần giới thiệu cần bỏ bớt yếu tố đặc thù, chuyên môn nghiệp vụ mà hướng vào vị trí, công việc các em có thể nhận được sau khi ra trường. Dù hình ảnh chỉ là đen trắng như những người quan tâm họ hiểu mình cần một công việc tốt sau khi ra trường" - ông Thọ cho hay.

Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Tuấn phấn khởi cho biết năm nay lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào trường vẫn ở mức ổn định khoảng hơn 11.000. Sáng 15/7 đã có 8.030 TS đến trường dự thi, đạt tỉ lệ 73%. Với tổng chỉ tiêu 1.200, tỉ lệ chọi vào trường này tính trên số TS đến dự thi đã ở mức 1 chọi 7.

Những ngành như Toán, Lí, tiểu học, mầm non điểm đầu vào năm nào của trường cũng từ 24 đến 26 điểm, có năm cao nhất đạt 27 điểm.

Năm qua, hệ đào tạo chất lượng cao dành cho TS thi đỗ đầu vào có điểm từ 24 trở lên, trình độ tiếng Anh loại B được TP. Hà Nội đầu tư đến 6 tỷ đồng mua trang thiết bị, soạn riêng giáo trình bằng tiếng Anh, mua sách bằng tiếng Anh cho SV.

Với việc Hà Nội được mở rộng, chính sách tuyển giáo viên của thành phố có nhiều thuận lợi nên hiệu trưởng Nguyễn Văn Tuấn cho biết trường không lo lắng về số lượng cũng như chất lượng đầu vào của SV. Hiện trường cũng đã có 14% cán bộ giảng viên đạt trình độ GS,TS; 85% có bằng Thạc sĩ. Theo ông Tuấn: "So với yêu cầu của một trường đại học, tỉ lệ này cũng có thể ở mức trung bình khá và là nỗ lực lớn trong nhiều năm xây dựng của trường".

Thi cao đẳng diễn ra vào các ngày 15 và 16/7

Số trường tổ chức thi: 135.

Số điểm thi: 327.

Số phòng thi: 9.512.

Số thí sinh đăng kí  dự thi: 341.612.

Số thí sinh đến dự  thi: 229.105, đạt tỷ lệ 67,07%.

Số cán bộ tham gia công tác tuyển sinh: 27.740 người.

  • Văn Chung