- Ngay sau khi bài thi đại học điểm 0 gây chấn động dư luận Trung Quốc được đăng tải, nhiều độc giả Việt Nam đã dùng những từ “có cánh” để bày tỏ sự ngưỡng mộ và đánh giá cao bài viết này.

Bài thi đại học điểm 0 chấn động dư luận

{keywords}
Sĩ tử Trung Quốc. Ảnh minh họa

Từ lâu trong các kỳ thi đại học ở Trung Quốc đã tồn tại khái niệm “bài luận điểm 0”. Đây là những bài luận bàn về vấn đề mà đề bài đưa ra nhưng bằng thái độ thẳng thắn, trung thực, không né tránh của bản thân người viết, tuy nhiên những bài luận này không được chấm một điểm nào.

Ngược lại với số điểm nhận được, những bài viết kiểu này luôn được dư luận quan tâm và ủng hộ vì sự dũng cảm, bản lĩnh của người viết.

Mới đây, một bài luận điểm 0 trả lời cho đề bài “Sự công bằng kiểu Trung Quốc” đã khiến các độc giả Việt Nam phải xôn xao và nể phục.

Hầu hết các độc giả cho rằng thực tế mà tác giả đề cập trong bài luận rất giống với tình hình ở Việt Nam. “Tôi đánh giá cao bài viết của em thí sinh này. Không chỉ ở Trung Quốc hay Việt Nam mà ở đâu cũng có những hiện tượng như thế. Nhưng đáng chú ý nhất là một tháng lương không đủ 1/2 m2 đất. Việt Nam thì sao?” – bạn đọc Thu Trang bình luận.

“Ngay cả khi chưa vào đại học mà các em này đã thể hiện mình có hiểu biết, cá tính và bản lĩnh của một quân tử! Thật đáng nể!”

Độc giả Bình An nhận xét: “Tuyệt vời! Bài văn của một người có DŨNG, đã dám đánh đổi cả kỳ thi, tương lai (theo thông thường) của mình để nói lên một tiếng nói trung thực, đau đớn của một thế hệ đối với thực trạng đất nước”.

Phản đối việc cho bài luận này điểm 0, anh Vũ Văn Thắng đặt câu hỏi: “Đề bài: “Sự công bằng kiểu Trung Quốc”, một kiểu đề mở rất hay, học sinh được viết theo khả năng, trình độ và quan điểm của mình. Nhưng tại sao lại lại cho lại cho em học sinh này điểm 0, em đã trình bày theo quan điểm của mình mà, có lạc đề đâu?”

“Giám khảo cho điểm 0 nghĩ gì khi dư luận thì gây thành bão để ủng bộ bài văn đó nhỉ....? Đề văn đề cập tới tính công bằng xã hội mà cho điểm 0 thì thế nào gọi là công bằng nhỉ?” – anh Nguyễn Thành Trung cùng chung quan điểm phản đối điểm 0.

Không chỉ ủng hộ, thậm chí đông đảo độc giả nhất trí cho bài luận điểm 10. “Quá đúng với thực trạng của Trung Quốc bây giờ và cũng quá đúng với Việt Nam! Quá hay, rất dũng cảm. Tôi cho điểm 100/100,10/10,1000/1000” – bạn đọc Trương Văn Đô nhận định.

“Một người dũng cảm , có chí khí khi dám nói lên sự thật. Tôi cho 10+” – một bạn đọc khác viết. “Vì sao cho em ấy điểm 0? Xét về mọi mặt, cả khiến thức xã hội lẫn khiến thức ngôn ngữ em ấy cũng phải đạt điểm 9 (trên 10) ấy chứ!” là ý kiến của bạn đọc Mai Mai.

“Kiểu viết rất hay và đầy bản lĩnh. Không chỉ đúng cho Trung Quốc mà còn quá đúng ở Việt Nam. Thế hệ trẻ phải như vậy! Tôi cho điểm 10”.

“Bài văn quá hay. Đây mới đúng là một sỹ tử có dũng khí, dám đánh đổi cả tương lai của mình để phản ánh cái thối của xã hội. Nếu ở VN có những bài văn nay thì phải cho điểm 10 mới xứng đáng”.

Độc giả Nguyễn Thanh Đức thì nêu ý kiến “giá như ở Việt Nam ta cũng cho làm bài luận tự do trình bày quan điểm, chính kiến như thế này mà không cần chấm điểm”. “Thực trạng VN có lẽ cũng không khác biệt nhiều so với xã hội TQ như bài luận của thí sinh 0 điểm kia. Và thí sinh VN cũng có thể không ít em có cách nhìn nhận về xã hội VN như vậy. Nên mở rộng tự do tư tưởng cho các thí sinh, sẽ có lợi nhiều cho công cuộc giáo dục đào tạo và cho cơ quan làm chính sách của nhà nước” – anh Đức phân tích.

Tuy nhiên, trong khi đó vẫn có những độc giả phản đối kiểu bài viết như thế này và cho rằng không thể lấy lý do “ủng hộ tự do” ra để thể hiện sự thiếu tôn trọng người khác. Anh Nguyễn Việt Dũng viết: “Tôi không ủng hộ những bài thi kiểu này. Dù là thách giám khảo cho điểm 0, hay dùng ngôn ngữ không phải chính thống trong bài thi nó cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng kỳ thi, thiếu tôn trong giám khảo. Nếu học sinh đó cảm thấy không thích kỳ thi đó thì có thể không tham gia chứ không nên đi thi để phá hoại kỳ thi và tìm kiếm danh tiếng của mình qua hành động đó. Những học sinh này nếu ra đời, trừ phi tự mình làm chủ nếu không sẽ không hòa nhâp với mọi người và sẽ chỉ là những người thất bại, lập dị mà thôi! Tôi ủng hộ sự tự do nhưng phải có giới hạn và tôn trọng người khác. Tôi tin rằng mọi xã hội đều như vậy!”

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)