Hồi đầu tháng 6 năm nay, hàng nghìn phụ huynh đã xếp hàng chờ đợi vài tiếng đồng hồ bên ngoài một ngôi trường ở khu vực Sheung Shui, gần biên giới Hồng Kông – đại lục Trung Quốc.
Cuộc cạnh tranh giành chỗ học ngày càng trở nên khốc liệt ở Hồng Kông |
Các ông bố bà mẹ chờ đợi để xem con cái họ có được nhận vào trường tiểu học này hay không.
Cuộc cạnh tranh để giành một suất học ở các trường Hồng Kông đang ngày càng trở nên khốc liệt khi ngày càng nhiều trẻ em đại lục đổ sang đây với hi vọng được hưởng nền giáo dục tiên tiến.
Kết quả là những gia đình ở cả hai bên Hồng Kông và đại lục ngày càng trở nên căng thẳng hơn trong việc đăng ký học cho con cái.
Một bà mẹ Hồng Kông có con không được nhận vào ngôi trường mà chị chọn đã lấy tay ôm mặt khóc. Khi cánh phóng viên vây quanh chị, chị cúi xuống và khóc nức nở.
Những hình ảnh này đã được giới truyền thông địa phương đăng tải liên tục khi nói về sự bất bình của người dân Hồng Kông trong các vấn đề liên quan tới đại lục. Từ việc quá tải trong bệnh viện tới vấn đề sữa trẻ em, bây giờ thì việc trẻ em địa phương thiếu chỗ học lại đang trở thành đề tài "nóng".
“Ngày càng tệ hơn”
Vấn đề xuất phát từ một phán quyết của toà án vào năm 2001 quy định rằng những đứa trẻ được sinh ra ở Hồng Kông sẽ có quyền lợi tương đương với người dân địa phương.
Từ năm 2006, hiện tượng các cặp vợ chồng kéo nhau sang Hồng Kông để sinh đẻ trở nên phổ biến. Kể từ đó, hơn 180.000 trẻ em có bố mẹ sinh sống ở lục địa đã được sinh ra ở Hồng Kông.
Hiện tại, rất nhiều trẻ được sinh ra vào thời điểm đó đã đến tuổi đến trường, nhưng các trường lại không đáp ứng đủ.
Năm ngoái, khoảng 6.800 học sinh ở đại lục hằng ngày vẫn từ thành phố Thâm Quyến sang Hồng Kông đi học.
Năm học 2013-2014, cơ quan phụ trách giáo dục của Hồng Kông thông báo, số hồ sơ đăng ký học ở những khu vực gần biên giới đã cao hơn số suất học cho phép là 1.400.
“Con số này tăng 50% so với năm ngoái và cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi mà trẻ em đại lục tràn sang Hồng Kông ngày một nhiều” – người đứng đầu hiệp hội hiệu trưởng trường tiểu học miền Bắc Hồng Kông, ông Chan Siu-hung cho hay.
Để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng, cơ quan giáo dục phải tăng sĩ số lớp học, đồng thời gửi trẻ sang các trường thuộc khu vực khác bằng cách sử dụng một hệ thống được vi tính hoá, không phân biệt giữa trẻ em sống ở Hồng Kông và trẻ sống ở đại lục.
Điều này khiến chị Zoe Pang – một bà mẹ Hồng Kông tức giận khi biết rằng từ bây giờ con trai chị sẽ phải đi xe buýt gần 1 tiếng đồng hồ để tới trường hằng ngày.
“Những người nộp thuế chúng tôi đang phải trả tiền để trẻ em đại lục được học tập ở đây trong 9 năm tới, còn con cái chúng tôi lại không thể học ở trường gần nhà. Điều đó là không công bằng” – chị Pang vừa than vãn vừa lau nước mắt.
Một phụ huynh Hồng Kông khác – chị Chang Liqun thì thấy mình thật may mắn vì con trai đã được học ở ngôi trường mà họ chọn, tuy nhiên chị vẫn cho rằng hệ thống giáo dục cần phải thay đổi.
“Không ích kỷ, nhưng tôi tin rằng những gia đình đang sinh sống ở Hồng Kông như chúng tôi nên được ưu tiên. Chúng tôi không cố phân biệt đối xử với các bà mẹ đại lục nhưng các trường không có đủ chỗ” – chị nói.
“Công bằng”
Trong khi đó, các bà mẹ đại lục cho rằng con cái họ cũng có quyền lợi tương đương trẻ em Hồng Kông.
“Giáo dục Hồng Kông và các dịch vụ xã hội khác tốt hơn đại lục. Tôi
chọn sinh con ở đây để con gái tôi có thể có một cuộc sống tốt hơn” –
chị Cao Lulum, 35 tuổi – một bà mẹ người Thâm Quyến chia sẻ.
Vấn đề “du lịch sinh nở” dẫn đến những căng thẳng giữa người dân Hồng Kông và đại lục |
Các gia đình khác thì cho rằng có hộ chiếu Hồng Kông sẽ giúp trẻ dễ được chấp nhận ở các trường phương Tây hơn.
Một bà mẹ tới từ Thâm Quyến cười rất tươi khi biết con gái được nhập học ngôi trường mà họ thích nhất.
“Tôi quá hạnh phúc, xin cảm ơn” – cô vừa nói vừa cúi đầu với các phóng viên. “Tất cả con cái chúng tôi đều được sinh ra ở Hồng Kông để được đối xử như những đứa trẻ Hồng Kông”.
Tuy vậy, chính quyền Hồng Kông đang phải chịu áp lực nặng nề từ phía người dân. Họ đề nghị trẻ em Hồng Kông phải được ưu tiên hơn trong tình hình số trường học của địa phương không đáp ứng đủ.
Chính quyền đã hạn chế đại lục mua quá nhiều sữa bột và cấm các bệnh viện công nhận những trường hợp bà bầu đại lục sang sinh đẻ.
Các quan chức Hồng Kông cho rằng cả hai biện pháp này đều đang có hiệu quả tốt.
Chị Ho Mei Yin có phần nhẹ nhõm hơn khi biết tin này. Cô con gái 6 tuổi của chị hiện đang không giành được một suất ở trường học gần nhà. Hiện cô bé vẫn đang trong danh sách chờ trong trường hợp có ai đó bỏ suất học của mình. Chị Ho sẽ biết điều đó ngay trong tháng này.
Tuy nhiên, nếu con gái chị có vượt qua được trở ngại này đi chăng nữa thì chị vẫn biết rằng con bé sẽ còn phải tiếp tục cạnh tranh với những đứa trẻ đại lục khác nhiều lần trong đời.
- Nguyễn Thảo (Theo BBC)