Nếu làm đúng quy trình trước khi ra văn bản thì 10 phần sẽ khắc phục được ít nhất 7-8 những thiếu sót ngô nghê như vậy. Để khắc phục tình trạng này việc cần làm trước hết là quy trách nhiệm người đứng đầu. Bây giờ vẫn có chuyện thấy sai thì sửa, xong im lặng” –  TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nêu ý kiến nhân câu chuyện bãi bỏ việc cộng điểm cho mẹ VN anh hùng thi ĐH của Bộ GD-ĐT.

Cục trưởng Lê Hồng Sơn cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin băn khoăn của dư luận về quy định bổ sung "đối tượng ưu tiên" trong tuyển sinh tại Thông tư số 24 của Bộ GD&ĐT, ngày 12/7/2013, Cục Kiểm tra Văn bản (KTVB) quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có Báo cáo kết quả kiểm tra bước đầu Thông tư số 24. Chiều 15/7, Cục đã chủ trì cuộc họp với đại diện của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ Pháp chế - Bộ GD&ĐT để trao đổi, thảo luận về tính hợp pháp (kể cả hợp lí) tại quy định của Thông tư số 24.

{keywords}
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp.

Chiều 16/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã xem xét và ký Thông tư số 28/2013/TT-BGDĐT về việc bãi bỏ đối tượng ưu tiên là "Bà mẹ VN anh hùng; người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/10945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Cục KTVB hoan nghênh việc khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu và có văn bản kịp thời để bãi bỏ một số đối tượng ưu tiên chưa phù hợp tại Thông tư 24 của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn 02 đối tượng ưu tiên tại Thông tư số 24 này là: Con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế chưa được bãi bỏ

Làm hời hợt, sai khó tránh

Thưa ông, quy trình từ chuẩn bị đến ban hành một Thông tư diễn ra theo những bước như thế nào?

 Phải có dự kiến, có chương trình kế hoạch, xác định sự cần thiết của văn bản, nghiên cứu các quy định có liên quan rồi xác lập nội dung lõi chính sách của văn bản này, rồi chuẩn bị dự thảo văn bản,… Những vấn đề này cần có kinh phí thực hiện

Tiếp đó, các lực lượng tham gia phải có cơ chế phối hợp như các đơn vị liên ngành, sự thẩm định của Vụ Pháp chế; kế đến là xem xét của người có trách nhiệm ký, hỏi ý kiến, lấy ý kiến.

Về quy trình, cơ chế hiện nay không thiếu. Nếu làm đầy đủ, chỉn chu các bước thì 10 phần cũng khắc phục được 8-9 phần những thiếu sót như một số văn bản đã ban hành gây bức xúc trong dư luận như vừa rồi.

Đáng tiếc là anh làm ất ơ, làm hình thức, đối phó, qua loa, thiếu trách nhiệm. Thậm chí có trường hợp lợi ích ngay, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm chi phối bên cạnh người làm văn bản hạn chế về trình độ, năng lực.

Chuyện không riêng ở ngành giáo dục

Sự việc ban hành Thông tư 24 cộng điểm cho bà mẹ VN anh hùng thi ĐH rồi bãi bỏ của Bộ GD-ĐT cũng là một ví dụ như vừa rồi, thưa ông?

{keywords}
Thí sinh trong kỳ thi đại học 2013 (Ảnh: Văn Chung)

Đây chỉ là một ví dụ thôi. Một loạt bộ ngành, địa phương cũng từng ra văn bản gây hậu quả khiến dư luận xôn xao, gây mất lòng tin ở một bộ phận nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền nhà nước.

Với riêng Bộ GD-ĐT, chúng tôi đã có góp ý, đề nghị nhằm khắc phục được bớt những thiếu sót, sai lầm ngô nghê như vậy.

Nhìn văn bản chứng tỏ người đưa ra nội dung này không nghiên cứu thấu đáo, không hỏi han ai. Tại sao đưa sang Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) chúng tôi phát hiện ngay? Tại sao đưa ra văn bản dư luận phản ứng như vậy? Cơ chế phối hợp liên đơn vị, cơ chế hỏi chuyên gia,…có đủ hết nhưng anh không làm nên tự khắc văn bản sẽ không chuẩn.

Nhân đây cũng xin nói, nhiều bộ ngành khi chuẩn bị dự thảo Thông tư họ chuẩn bị rất cẩn thận, nghiên cứu thấu đáo. Họ cũng chuyển qua chúng tôi nhờ xem giúp. Dù bận nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng giúp.

Thậm chí có trường hợp Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có ý kiến nếu Thông tư được ký ban hành văn bản lập tức có chuyện. Có nơi cũng nghe và đã hạ xuống. Việc phát hiện ra những “hạt sạn” lớn ở các văn bản không khó. Nếu “hạt sạn” nhỏ hơn chỉ cần chúng ta ngồi với nhau sẽ dò ra ngay.

Bộ GD-ĐT có tham khảo ý kiến phía Cục khi đưa ra Thông tư 24, thưa ông?

Cơ chế không quy định việc này. Có chăng một số đơn vị, cơ quan cẩn thận nên họ nhờ mình giúp. Về cơ bản trước khi đưa ra văn bản cần tham khảo ý kiến trong nội bộ,  hỏi ý kiến các đối tượng chịu sự tác động hay đưa lên mạng tham khảo dư luận,…

Quy trách nhiệm người đứng đầu

Theo ông, đâu là giải pháp nhằm hạn chế những văn bản ra vội như vậy?

Gần đây Thủ tướng, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất sát việc xem trách nhiệm và xử lí kỉ luật của người đề xảy ra một số tình trạng như: tai nạn giao thông, băng nhóm tội phạm, bảo kê, xử lí người tham gia công việc mà để cho nó chậm chễ gây hậu quả, tác động mạnh đến dư luận xã hội.

Rất cần những động thái nhằm xem xét trách nhiệm người đứng đấu của các bộ ngành và địa phương trong việc ban hành văn bản tạo ra phản ứng không tốt, gây hậu quả trong xã hội.

Lĩnh vực giáo dục cũng phải như vậy. Nếu làm chặt, chắc chắn sẽ có động thái chuyển biến.

Việc cần làm nhất hiện nay là nắm và quy trách nhiệm người đứng đầu. Bộ ban hành mộ văn bản có vấn đề phải quy trách nhiệm bộ trưởng hoặc thứ trưởng được giao quyền đó có trách nhiệm.

Nhẹ là không khen thưởng, không nâng lương trước hạn. Nhưng nếu cần phải kỉ luật, cảnh cáo thậm chí cách chức, buộc thôi việc. Tại sao lại để tình trạng sai văn bản rồi sửa là xong ngay được?

Lâu nay ta buông lỏng việc này quá, làm rồi ù xọe với nhau. Từ nhắc nhở, đến cảnh cáo nếu làm sai lần nữa sẽ phải xử lí anh. Nếu được như vậy mọi việc sẽ khác ngay.

Song cái gốc lại nằm ở lỗi từ đào tạo, tuyển dụng có được người tài không? Rồi tuyển dụng rồi có giữ chân được những người tài, tận tâm không? Sử dụng họ như thế nào? ..Yếu kém ở nhiều mặt đã được bộc lộ. Chúng ta không khỏi băn khoăn là tại sao những con người khấm khá lại đi ra kênh  khác, không vào cơ quan nhà nước. Rồi tại sao vào cơ quan nhà nước bây giờ lại không tận tâm tận lực.

Xin cảm ơn ông!

  • Văn Chung (thực hiện)