Trước 'những con số đẹp' xuất hiện ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong năm học 2012 - 2013 ngành giáo dục đã quyết định tỷ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỷ lệ tốt nghiệp những năm trước.

Tại hội nghị tổng kết năm học vừa diễn ra ở Lâm Đồng ngày 20/7, lãnh đạo ngành giáo dục cho hay, tỉnh thành nào có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao hoặc cao hơn năm trước thì bị hạ bậc thi đua. Lập tức, câu chuyện này đã gặp phản ứng, không chỉ ở trong nội bộ ngành.

Can thiệp từ "ngọn"

"Bộ GD-ĐT đang lúng túng trong việc quản lý chất lượng giáo dục và...không biết gỡ từ đâu. Đáng buồn!" - Bạn đọc Nguyễn Văn Nam thốt lên sau khi hay tin.

 Nhưng không phải độc giả nào cũng giữ được phản ứng chừng mực như thế.

Bạn đọc Trần Toàn nói thẳng: "Học sinh thi, việc của thầy cô là chấm bài. Cớ sao lại đặt ra cái quy định vô lý vậy. Điểm số tùy vào năng lực của học sinh chứ có phải phụ thuộc vào thi đua của mấy ông đâu. Nếu muốn chống tiêu cực, chống chạy theo thành tích thì phải giải quyết trong nội bộ của mấy ông, mà cụ thể là lãnh đạo cơ sở ấy, chứ không phải là đè lên đầu học sinh đâu".

{keywords}
Học sinh làm bài trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 - 2013. Ảnh: Văn Chung

 

"Chúng tôi rất chia sẻ với cái khó của Bộ GD-ĐT, khi mà xã hội đang tỏ ra lo lắng về tính trung thực của kỳ thi này, nhất là ở những con số đẹp" - PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường PTDL Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay. "Tuy nhiên, không thể làm chuyện "tỷ lệ tăng cao là cắt thi đua. Không lẽ cứ tôi đỗ cao là tiêu cực?"

Cách giải quyết của Bộ GD-ĐT là can thiệp từ ngọn của vấn đề. Bộ chống tiêu cực bằng một cách rất tiêu cực. Vì không hợp tình hợp lý nên chính bản thân các sở GD-ĐT cũng phản ứng”, ông phân tích.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thậm chí coi đây là "biện pháp thô". "Cũng có thể coi là biểu hiện của bệnh thành tích trong ngành GD-ĐT. Chỉ có điều, khác với thông lệ là thành tích phải đi xuống chứ không được đi lên".

Tín nhiệm từ gốc

Không chỉ bày tỏ nỗi buồn, sự thất vọng hay hài hước, nhiều bạn đọc đã đóng góp ý kiến để "tháo gỡ sự lúng túng".

Bạn đọc Trần Văn Lương hài hước: "Theo tôi, có thể tính đến giải pháp thuê quan sát viên Liên Hợp quốc,  cử phái đoàn vào thanh tra giúp trong mấy năm liền là được ngay. Lấy ODA một phần trả lương cho họ là được".

Còn bạn đọc Nguyễn Thị Dân thì dứt khoát "Nên bỏ thi tốt nghiệp" với lý do mỗi kỳ thi chi hàng ngàn tỉ đồng chỉ để đánh trượt 2-3% học sinh cuối cấp là lãng phí. Thay vào đó, Bộ GD-ĐT hãy tiết kiệm để xây trường học.

Theo bạn Dân, "làm được việc này, chắc chắn Bộ bỏ được "một không" trong phong trào "hai không" vô tích sự lâu nay và sẽ lấy lại được sự tín nhiệm cho ngành, cho Bộ trưởng.

Không đánh giá về "tích sự" hay thiết thực, bạn đọc Đỗ Chí Cường nêu vấn đề cần sự thay đổi tư duy:

Bao nhiêu năm rồi, giáo dục vẫn cứ dùng bài "thi đua". Không thay đổi cách tiếp cận thì còn lâu mới theo kịp thế giới. Để đến lúc tất cả học sinh Việt Nam du học hết thì mới thay đổi hay sao?".

Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình từ bạn đọc Trần Minh Việt: "Theo tôi, tất cả các ngành, các tổ chức thuộc nhà nước nên cắt bỏ thi đua kiểu phong trào thì sẽ không còn việc chạy theo thành tích, công chức sẽ không sợ mất cần câu cơm và từ đó họ sẽ bớt vô cảm, trách nhiệm hơn".

Bạn đọc Nguyễn Mạnh Tư đề xuất: "Chúng ta cần bỏ khen thưởng vì dạy tốt và học tốt là nghĩa vụ và trách nhiệm của giáo viên và học sinh. Nhưng nếu vi phạm dù nhỏ cũng phải xử thật nghiêm. Ví dụ, đuổi khỏi ngành mãi mãi".

Tuy nhiên, bạn Mạnh Tư cũng "xin mở ngoặc":  "Với điều kiện người vi phạm không hối lộ. Nói chung, Việt Nam còn văn hóa phong bì thì xã hội không thể tốt đẹp được".

Chia sẻ cái khó với Bộ GD-ĐT, bạn đọc Lê Văn Anh hướng trách nhiệm tới cơ sở:  "Nếu tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT đúng thực tế dạy và học là thấp, liệu lãnh đạo địa phương có bằng lòng không?".

Về vấn đề này, PGS Văn Như Cương cũng bày tỏ quan điểm rằng việc Bộ GD-ĐT đang tiến đến một kỳ thi tốt nghiệp đơn giản, tiết kiệm là hướng đi đúng. Ông lập luận: “Rõ ràng không có thi cử thì nhiều học trò sẽ không học hoặc chểnh mảng. Tuy nhiên không cần ồn ào như hiện nay. Ngành giáo dục cần xem xét để các sở GD-ĐT tự quyết định đề thi, ngày thi”.

"Cách làm duy nhất để có kết quả thi tốt nghiệp chính xác là tổ chức thi, coi thi, chấm thi nghiêm túc, phản ánh trung thực năng lực của học sinh' - GS Đào Trọng Thi nêu giải pháp.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

  • Văn Chung - Song Nguyên