Gần đây, tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội xảy ra tình trạng các trung tâm Anh ngữ đang hoạt động, bỗng dưng “bốc hơi” khiến học viên phải ngưng học giữa chừng.

Đơn cử gần đây nhất là trung tâm Anh ngữ iEnglish (Thủ Đức - TP.HCM) bỗng dưng “lặn mất tăm” khiến học viên lao đao, rất may là Sở GD&ĐT TP.HCM kịp thời đứng ra giải quyết hậu quả. Nhưng làm thế nào để không xảy ra tình trạng trên lại là vấn đề đặt ra không dễ cho các nhà quản lý.

Ra ngõ gặp phố ngoại ngữ

{keywords}

Thật không quá khi nói rằng “ra đường là gặp trung tâm ngoại ngữ”, từ các quận nội thành như Bình Thạnh, quận 10, quận 1 đến các quận huyện ngoại thành như Thủ Đức, quận 9, Tân Bình … đặc biệt là “phố ngoại ngữ” ở ngã tư Hàng Xanh với trên 10 cơ sở ngoại ngữ nằm chen chúc nhau... có thể thấy các loại bảng quảng cáo lớn, nhỏ được treo khắp nơi.

Trên các panô, băngrôn, apphich... đầy các nội dung bắt mắt như: hệ thống phòng lap hiện đại cao cấp, đối tác quốc tế, giáo viên bản xứ (Anh, Mỹ, Úc...), phương pháp phản xạ độc quyền, cấp bằng quốc tế, giáo trình quốc tế... Biển hiệu cao lêu nghêu tương đương một tòa nhà, phong tỏa các mặt tiền của các tuyến đường lớn.

Chúng tôi tìm đến một trung tâm đào tạo Anh ngữ toạ lạc trên đường 61 quận 9. Mặt tiền của trường rất bắt mắt khi một bảng quảng cáo cỡ lớn chiếm toàn bộ không gian phía trước. Thế nhưng đằng sau phòng ghi danh sáng trưng, bài trí đẹp mắt, người học muốn vào các lớp chỉ có một lối duy nhất là con đường nằm bên hông, chiều ngang khoảng 1,2m, dài khoảng 12m. Cuối đường có một cầu thang sắt được thiết kế tạm bợ dẫn lên tầng hai, nơi có các phòng học được cải tạo lại từ phòng ở.

Phòng học chật chội, chi nhánh này được cải tạo từ một ngôi nhà cấp 4 thuê của dân nên không có hệ thống thoát hiểm nếu xảy ra hỏa hoạn. Nguy hiểm hơn, khi học viên của các trung tâm ngoại ngữ thường rất đông và phần nhiều ở lứa tuổi thiếu nhi

Ở nhiều trung tâm khác cũng có cảnh tượng tương tự, bên ngoài là panô biển hiệu to quảng cáo rất đẹp mắt nhưng khi vào bên trong lại là nhà siêu mỏng, phòng ốc chật chội, chen chúc nhau. Để thu hút học viên, nhiều trung tâm sử dụng nhiều chiêu thức như chính sách miễn giảm học phí, quà tặng... Một trong những hình thức khuyến mãi phổ biến nhất hiện nay là nếu học viên đăng ký từ hai khóa học trở lên, học phí sẽ được giảm chỉ còn 70%, thậm chí 50%.

Ở Trung tâm ngoại ngữ A (chi nhánh Điện Biên Phủ, Q.Bình Thạnh), mỗi khóa tiếng Anh giao tiếp học viên phải đóng hơn 3 triệu đồng, nhưng nếu đăng ký một lúc hai khóa chỉ phải đóng tổng cộng 4.500.000 đồng cho 12 tháng. Mức học phí này rất hấp dẫn với đối tượng học sinh, sinh viên

Chị Thanh. V, học viên một trung tâm ngoại ngữ ở quận Thủ Đức, cho hay: “Khi đăng ký học, trường đưa ra chương trình học phí thấp nhưng khi hỏi đến thì được trả lời chỉ là chương trình sơ cấp. Còn nếu muốn học các chương trình miễn phí với giáo viên nước ngoài, học viên phải học ít nhất sáu tháng trở lên và muốn được miễn 50% học phí, người học cũng phải học trên một năm”.

Trong khi đó, học viên Q.H của Trường ngoại ngữ quốc tế C, chi nhánh tại Thủ Đức, lúc đầu đăng ký học với mong muốn được cọ xát trình độ tiếng Anh với người bản ngữ. Thế nhưng, khi vào học H. thất vọng tràn trề vì giáo viên bản ngữ đến dạy tuần có, tuần không.

Quá chán nản nên sau ba tháng H. bỏ dở chương trình, dù đã đóng hơn 3 triệu đồng cho chương trình học một năm. Cũng như Huy, có không ít học viên vội tin vào những lời quảng cáo, những chiêu khuyến mãi, những bảng hiệu bắt mắt để rồi khi vào học mới ngớ người vì quảng cáo một đằng, sự thật một nẻo...

Và trung tâm bỗng dưng “bốc hơi”

Trung tâm Anh ngữ thì nhiều và nhu cầu người học cũng nhiều, nhưng để chọn được một trung tâm Anh ngữ có chất lượng, phù hợp là đều không dễ giữa một “rừng” trung tâm như hiện nay, nhất là ngày càng có nhiều trung tâm đang hoạt động bỗng dưng “lặn” mất tăm.

Điển hình mới đây nhất là Trung tâm ngoại ngữ iEnglish (lầu 7 tòa nhà Nguyễn Kim, 307 Võ Văn Ngân, Thủ Đức, TP.HCM) bỗng dưng “mất tích”. Nhiều học viên đang theo học tại Trung tâm tiếng Anh kỹ năng iEnglish bức xúc cho biết trung tâm đã âm thầm đóng cửa, dọn đi mà không hề thông báo cho học viên.

Theo đó, một chị học viên khóa trung cấp 1, cho biết: “Khóa học khai giảng từ tháng 5/2013, với mức học phí 6 triệu đồng. Trước đó, chúng tôi đã nghe xôn xao về chuyện ban giám đốc ngưng làm việc, trung tâm đang trong giai đoạn chuyển giao qua giám đốc mới, thiếu giáo viên. Nhưng không ngờ đó lại là sự thật. Ngày 1/7, tôi tới để học thì trung tâm đã đóng cửa và không thể liên lạc với các số điện thoại mà trung tâm cung cấp. Mới hai tháng học tại đây mà lớp tôi đổi tới tám giáo viên”.

Sau đó, người viết đến địa chỉ của trung tâm, chỉ thấy căn phòng trống không, cũng không thể liên lạc được với ai. Một nhân viên lao công tại tòa nhà cho biết người của trung tâm đã dọn đồ đi từ lâu.

Trường hợp như trung tâm Anh ngữ iEnglish không phải là hiếm bởi trước đây cũng đã có trường hợp như trên xảy ra tại TP.HCM và Hà Nội. Mà cụ thể là trường hợp Trung tâm đào tạo tin học tiếng Anh STI (Q.7, TP.HCM). Trung tâm đào tạo tin học - tiếng Anh STI đang dạy hàng trăm học viên bất thình lình cũng “biến mất dạng” khiến các học viên không biết kêu ai.

Bên cạnh đó là những học viên theo học lớp tin học. Không riêng gì học viên, toàn bộ giáo viên, nhân viên của trung tâm này cũng chẳng thể làm gì được và đều bị quỵt lương ít nhất một tháng. Ngôi nhà mà STI làm trụ sở là một căn nhà thuê của tư nhân. Điều này khiến người ta đặt nghi vấn liệu ban giám đốc của trung tâm này cố tình lừa gạt học viên, giáo viên và nhân viên để trục lợi.

Học sinh, phụ huynh làm sao tránh?

Trở lại vấn đề của trung tâm iEnglish, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, toàn thành phố hiện có khoảng 700 trung tâm ngoại ngữ tin học đang hoạt động theo quy định và chấp hành tốt. Có khoảng 50.000 học viên hiện đang theo học tại các trung tâm này. Một vài trung tâm như iEnglish chỉ là cá biệt.

Khi trung tâm iEnglish ngưng hoạt động đột ngột, Sở đã phối hợp với phòng GD&ĐT Thủ Đức, kiểm tra và phát hiện trung tâm Anh ngữ này hoạt động không có giấy phép của Sở. Để giải quyết cho học viên, không mất quyền lợi của học viên, sau khi lập danh sách học viên Sở GD&ĐT TP.HCM cũng đã làm việc với các trung tâm ngoại ngữ lân cận để gởi học viên sang tiếp tục theo học, còn những học viên không muốn học thì Trung tâm điện máy Nguyễn Kim (đơn vị cho thuê trụ sở) đứng ra hoàn trả học phí.

Khi đặt vấn đề chế tài, xử lý những trường hợp trên, ông Đạt cho biết: Theo quy định, sẽ tiến hành xử phạt hành chính đơn vị và lập hồ sơ nhằm tránh việc nếu trung tâm này xin mở giấy phép thành lập trung tâm khác.

Tuy nhiên được biết, cho đến nay Sở cũng chưa xử phạt được và cho dù có phạt cũng không biết phạt ai? (bởi không nắm được nhân thân chủ trung tâm khi ban giám đốc trung tâm đều trốn). Để tránh xảy ra trường hợp trên thì cần phải tăng cường quản lý. Các Trung tâm GDTX trên địa bàn phải giám sát, phòng giáo dục tăng cường thanh tra cương quyết xử lý, đặc biệt trong vấn đề cấp phép.

Ông Đạt cũng cho biết thêm, việc xử phạt đơn vị chủ yếu chỉ mang tính răn đe, quan trọng là tính tự giác của người quản lý thành lập trung tâm là quan trọng nếu muốn hoạt động lâu dài. Và có lẽ vì thế, mà những trung tâm có kiểu làm ăn chụp giật như thế này vẫn còn khiến các đơn vị quản lý đau đầu, bởi vẫn chưa có một công cụ gì cụ thể mang tính trói buộc.

Khi đăng ký một trung tâm ngoại ngữ để học, phụ huynh, học sinh cần tìm hiểu kỹ về vấn đề pháp lý của trung tâm, đồng thời nên đến tận nơi kiểm tra cơ sở vật chất, lớp học.

Ngoài ra đa số những trung tâm có uy tín, chất lượng đều được Sở khen thưởng hàng năm và có danh sách trên websie của Sở nên phụ huynh, học viên cần vào websie Sở xem thông tin. Phụ huynh học sinh cũng không quá coi trọng khuyến mãi mà đóng học phí trên 6 tháng/lần, nên đóng học phí từng khoá/3 tháng tránh trường hợp rủi ro xảy ra

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Nguyễn Tiến Đạt

(Theo Giáo Dục -Thời Đại)