Duy nhất hiện nay mới chỉ có Công ty CP Sách điện tử giáo dục (EDC) của Nhà xuất bản Giáo Dục là đơn vị cho ra mắt sản phẩm SGK điện tử classbook tại Việt Nam, mặc dù trước đó đã có không ít doanh nghiệp từng tuyên bố tham vọng số hóa SGK. Lý do vì sao mà cho đến nay vẫn chưa có thêm doanh nghiệp nào công bố thêm sản phẩm?

Hơn 300 cuốn sách gói trong 0,5 kg
{keywords}

Ông Phạm Thúc Trương Lương – Giám đốc Công ty CP Sách điện tử giáo dục: “Classbook có lợi thế của sản phẩm sách giáo khoa điện tử đầu tiên xuất hiện trên thị trường Việt Nam, nhưng cũng vì vậy phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức để giới thiệu và tiếp cận được với thị trường và người sử dụng".


Cuộc đua thị phần sách giáo khoa điện tử

Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo, năm học 2012-2013, trên cả nước có 15,1 triệu học sinh phổ thông. Cứ mỗi năm cả nước lại có thêm gần 1 triệu học sinh vào lớp 1. Thị trường sách đầy tiềm năng cùng với chủ trương số hóa SGK của các cấp quản lý đã khiến nhiều doanh nghiệp tuyên bố sẽ cùng tham gia vào lĩnh vực này.

Từ cuối năm 2010, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Viettel đã ký hợp đồng hợp tác triển khai đầu tư thiết bị, số hóa SGK và các tài liệu đào tạo.

Tháng 6/2012, Nhà xuất bản Giáo dục VN đã ký hợp đồng với Công ty CP tiến bộ quốc tế (AIC) và Công ty VTC Online về việc hợp tác xuất bản sách giáo dục điện tử từ mẫu giáo đến cấp trung học phổ thông.

Cũng trong năm 2012, FPT cho biết đơn vị này đang theo đuổi một loạt chương trình về số hóa SGK và đang trong quá trình thương thảo với các đơn vị nắm giữ bản quyền các đầu sách.

Việc các “đại gia” của làng CNTT cùng lên kế hoạch chuẩn bị cho ra đời các sản phẩm số hóa trong đó có SGK điện tử đã hứa hẹn một cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Tuy nhiên, cuối tháng 6/2013 vừa qua, Công ty CP Sách điện tử giáo dục (EDC) – một trong số những đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo Dục đã là doanh nghiệp đầu tiên công bố và ra mắt sản phẩm SGK điện tử tại Việt Nam sau hơn nửa năm thí điểm tại nhiều trường trên cả nước.

Đấu thầu?

Với mức giá 4,8 triệu đồng, SGK điện tử được đánh giá là khá đắt, đặc biệt là đối với các học sinh vùng sâu vùng xa, những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn. Nhiều chuyên gia giáo dục và cả các phụ huynh nghèo cũng đều tỏ ra lo ngại và chia sẻ với nhau về quan điểm này.

Tuy nhiên, dưới góc độ một chuyên gia tài chính, ông Nguyễn Trung Hà – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Thiên Việt nói: “Doanh nghiệp đi đầu bao giờ cũng chịu thiệt thòi, nhất là về mặt tài chính vì thời gian đầu số lượng sản phẩm bán ra còn ít, giá thành bắt buộc phải đẩy lên cao mà vẫn còn phải mất nhiều năm mới bù lỗ được. Khi người mua nhiều lên thì giá mới có thể hạ. Đây là một bài toán kinh tế đơn thuần mà ai làm kinh doanh cũng đều hiểu”.

Ông Trần Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phần mềm Việt (Vietsoftware) cũng cảnh báo về những rủi ro doanh nghiệp đi đầu gặp phải: “Thứ nhất là do doanh nghiệp tự nguyện nghiên cứu phần mềm để kinh doanh, nên khi gặp rủi ro thì anh phải chịu. Bây giờ thì chưa có chính sách gì cụ thể, nhưng nếu giả sử Nhà nước đã thống nhất đề ra chủ trương và tổ chức đấu thầu thì chưa chắc sản phẩm đi đầu đã là sản phẩm được lựa chọn.

Dĩ nhiên là Nhà nước nên chọn cái đã có để mua và đừng để cho hai, ba bên nữa làm. Bởi vì giả sử nửa năm sau hoặc một năm sau các doanh nghiệp đó đưa ra một sản phẩm không bằng NXB Giáo Dục, thế có phải mất phí tổn của xã hội không? Có thể Nhà Nước được lợi một vài chục tỷ hay trăm tỷ, nhưng xã hội đã mất rồi.

Tuy nhiên, trong trường hợp Nhà nước lựa chọn mua của NXB Giáo Dục thì cũng cần phải có một đơn vị đánh giá độc lập để đánh giá chính xác xem việc số hóa mất bao nhiêu tiền. Rõ ràng anh phải làm với giá thị trường chứ nếu anh làm không hiệu quả thì đó là lỗi của anh. Đấy cũng là một trong số những rủi ro mà doanh nghiệp đi đầu phải chấp nhận”.

Nguy cơ vi phạm bản quyền phần mềm

Không những phải lường trước và chuẩn bị  rất kỹ cho các rủi ro tài chính, việc bảo mật cho các ấn phẩm xuất bản điện tử cũng cần được coi như một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu khi tham gia vào lĩnh vực này nếu không muốn bị sao chép một cách bất hợp pháp các phần mềm đã được số hóa.

Một đại diện của FPT cho biết, do Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vi phạm, phòng chống các vi phạm bản quyền trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nội dung số cũng như luật xuất bản điện tử chưa được cụ thể, rõ ràng nên việc triển khai xuất bản điện tử cũng vướng nhiều rào cản khó khăn. “Đó cũng là lý do khiến các doanh nghiệp chưa có hành động cụ thể cho việc triển khai xuất bản điện tử”.

Nhận định về những cơ hội và thách thức phải đối mặt khi là doanh nghiệp đầu tiên đưa Classbook ra thị trường, ông Phạm Thúc Trương Lương – Giám đốc Công ty CP Sách điện tử giáo dục nói:

“Classbook có lợi thế của sản phẩm sách giáo khoa điện tử đầu tiên xuất hiện trên thị trường Việt Nam, nhưng cũng vì vậy phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức để giới thiệu và tiếp cận được với thị trường và người sử dụng.

Ngay chính NXB Giáo Dục, trước khi ra mắt sản phẩm Classbook, cũng đã có các thỏa thuận hợp tác với một số đối tác để xây dựng sách giáo khoa điện tử, nhưng những đối tác này vì một số lý do chưa xúc tiến việc phát triển sản phẩm”.

  • Song Nguyên