Các em đều được sinh ra ở làng quê nghèo, vượt qua những bất hạnh của số phận, những khó khăn của gia đình để tìm đến tri thức như một hướng đi để thay đổi cuộc đời.

Thủ khoa mồ côi cả cha lẫn mẹ

{keywords}
Hướng và bà nội. Ảnh: Dân Trí

Một trong những thủ khoa có hoàn cảnh bất hạnh nhất năm nay là em Bùi Chí Hướng (lớp 12A1, Trường THPT Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) – thủ khoa Học viện Bưu chính viễn thông. Như cái tên mà cha mẹ đã đặt cho em, ý chí và nghị lực của chàng trai này có lẽ hiếm người có được.

Năm 2010, mẹ Hướng qua đời vì bệnh ung thư tụy. Hai năm sau, tháng 2/2012, bố em lại qua đời vì bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Nỗi đau, mất mát dồn dập ập đến gia đình, có lúc em tưởng chừng như phải nghỉ học vì không thể vượt qua nổi. Hướng chỉ còn biết dựa vào 3 chị gái và bà nội. Hai bà cháu sống nhờ tiền lương 1,1 triệu đồng/ tháng bà được hưởng theo diện mẹ liệt sĩ.

Trước ngày thi, anh rể em có hứa sẽ đưa em đi thi nhưng rồi anh lại đột tử, khiến nỗi đau của gia đình lại thêm chồng chất. Vượt qua tất cả, cậu bé 18 tuổi tự nhủ không được phép gục ngã, khỏi phụ lòng của cha mẹ đã mất và bà nội đã già yếu.

Chia sẻ về ước mơ của mình, em cho biết cũng muốn tìm kiếm cơ hội được đi du học để mở mang kiến thức, tuy nhiên vẫn lo bà nội già yếu đã ngoài 80 tuổi phải sống một mình. Nên trước mắt em sẽ cố gắng học tập và kiếm việc làm thêm. Em tự hứa sẽ cố gắng một tuần về với bà một lần để bà vui.

Cô nữ sinh của miền quê nghèo

{keywords}
Cô bé giàu nghị lực Lê Thị Lan. Ảnh: Trang Nhung

Có đầy đủ cả cha lẫn mẹ nhưng cô bé Lê Thị Lan không may mắn hơn Bùi Chí Hướng. Bố em mắc bệnh tâm thần từ khi em mới được sinh ra. Tuổi thơ của em phải chứng kiến những trận đòn roi của người cha bệnh nặng đổ lên người mẹ liên miên. Năm em 3 tuổi, em được mẹ gửi sang ông bà ngoại nuôi rồi vào Nam tìm việc kiếm tiền nuôi con.

Sống cùng ông bà, Lan hiểu được hoàn cảnh của gia đình và không bao giờ đòi hỏi gì cho riêng mình. Ban ngày em lao vào học nhưng đêm đến cô bé không khỏi tủi thân cho số phận mình. Đến năm 2011, mẹ em xin được làm công nhân ở gần nhà, hai mẹ con được đoàn tụ. Lan cũng thường xuyên đến nhà chăm sóc và mang thức ăn cho bố. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt vô hồn của người cha, em chỉ thầm mong có một điều kỳ diệu…

Đỗ thủ khoa khối C Khoa Luật – ĐH Quốc gia HN, chưa kịp vui mừng, mẹ con em đã phải lo lắng liệu số tiền 3 triệu đồng tiền lương của mẹ có đủ trang trải cuộc sống của hai mẹ con trong khi ông bà ngoại ngày một già yếu. Cũng như nhiều sinh viên khác, em dự định sẽ đi làm thêm ngay năm thứ nhất để có tiền ăn học phụ giúp mẹ.

Thủ khoa “Cường đô la” nghèo rớt

{keywords}
Gương mặt sáng lạn của chàng thủ khoa ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: Infonet

Em tên Lê Minh Cường (Đồng Nai) nên được các bạn gọi vui là “Cường đô la”. Thế nhưng, vì nghèo khó mà em phải bỏ trường chuyên lên Sài Gòn học trường tư thục để được hưởng học bổng toàn phần.

Em đỗ ngành Sư phạm Toán, ĐH Sư phạm TP.HCM. Qua những lần làm trưởng nhóm học tập, nhận thấy mình có khả năng truyền đạt cho các bạn, Cường quyết định thi sư phạm để trở thành một giáo viên.

Trong kỳ thi vào lớp 10, Cường đỗ trường THPT Chuyên Lương Thế Vinh (Biên Hòa – Đồng Nai). Qua sự giới thiệu của Hội khuyến học huyện Định Quán, em nhận được học bổng toàn phần của trường tư thục Quốc Văn. Em bỏ trường chuyên, theo học trường tư thục để “mẹ đỡ phải nuôi”.

Gần chục năm nay, gia đình em luôn nằm trong danh sách những hộ nghèo nhất xóm. Bố mất vì ung thư khi em còn nhỏ, một mình mẹ phải nuôi 3 anh em ăn học. Hiện anh trai em đang làm công nhân ở Bình Dương. Nhìn dáng vẻ thư sinh của em, ít người đoán được từ bé chàng trai này đã phải theo mẹ và anh chị đi chặt mía, gặt lúa thuê, làm nương rẫy sau giờ học.

Nhà trường biết hoàn cảnh gia đình Cường cũng tạo điều kiện giúp đỡ rất nhiều. Ngoài học bổng toàn phần, em còn được trường tặng máy tính xách tay và hứa sẽ trợ cấp 3 triệu mỗi tháng nếu em đỗ đại học.

Tuy vậy, Cường chia sẻ rằng sau khi nhập học vẫn muốn làm gia sư để trang trải cuộc sống sinh viên.

Thủ khoa bán ruộng lấy tiền đi thi

{keywords}
Hằng ngày ngoài việc học Quỳnh vẫn giúp mẹ làm hàng mây tre đan. Ảnh: Văn Chung

Cũng mất bố từ năm 4 tuổi, gia đình cô bé Nguyễn Thị Như Quỳnh (Phú Xuyên, Hà Nội) – thủ khoa Học viện Quân y khó khăn chật vật khi một mình mẹ em phải nuôi 3 chị em ăn học. Một năm sau khi chồng mất, cô Nhung – mẹ em suy sụp, nằm liệt giường. Sau khi được họ hàng, bà con làng xóm động viên, cô cũng cố gắng vượt lên số phận để nuôi con ăn học. Ngoài làm ruộng, cô còn nhận làm thêm hàng mây tre đan. Tuy vậy, thu nhập hàng tháng của cô cũng chỉ được hơn 1 triệu đồng.

Nhà cách trường gần 10km, buổi trưa Quỳnh ở lại trường để học tiếp buổi chiều. Bữa cơm của em chỉ có rau luộc và muối vừng. Ngày em đi thi, cô Nhung phải bán mảnh ruộng bà nội cho các cháu để lấy tiền lo cho hai chị em ăn học. Chị gái Quỳnh hiện đang học năm cuối hệ cao đẳng Trường ĐH Công nghiệp HN.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)