- Đã đến năm thứ 13, chương trình trò chơi truyền hình "Đường lên đỉnh Olympia" trên VTV3 lại được bạn đọc quan tâm khi thông tin hầu hết các quán quân của cuộc thi hầu hết đều đang lập nghiệp ở nước ngoài.

{keywords}

Lê Vũ Hoàng, quán quân  "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 6 hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Úc.

Bạn đọc Văn Tuấn cho rằng tình trạng chảy máu chất xám đã quá trầm trọng, đồng thời đề xuất “cần xem lại có nên tổ chức chương trình này nữa hay không. Hóa ra tổ chức gameshow này để đào tạo nhân tài cho nước ngoài?” Hay có người đưa ý kiến “cần phải có thêm điều kiện ràng buộc với các nhà vô địch, sau khi hoàn thành khóa học phải về Việt Nam để cống hiến cho đất nước…”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Tùng kiên quyết “không thể thông cảm với các bạn… Đất nước tạo điều kiện cho các bạn đi học rồi cuối cùng các bạn không về cống hiến cho đất nước mà cứ bảo tại cái này cái kia mà không về xây dựng đất nước ta giàu hơn, đẹp hơn. Ai cũng như vậy thì đất nước ta cứ mãi làng nhàng, buồn lắm!”

 “Vậy ra cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" đã giúp tìm và đưa được các nhân tài của Việt Nam sang phục vụ đất nước Úc. Mong rằng các bạn sau một thời gian tích lũy nhiều kinh nghiệm ở nước ngoài thì hãy làm gì đó để giúp đất nước phát triển hơn” – chị Hương Giang nêu ý kiến.

 Trước những ý kiến chê trách các "nhà leo núi Olympia", nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm ngược lại. Về lý, nhiều người cho rằng học bổng dành cho những người chiến thắng không phải là tiền từ ngân sách Nhà nước, mà là từ các tổ chức tư nhân. Vì thế, họ hoàn toàn có quyền quyết định nơi mình sẽ làm việc và sinh sống.

 Chị Thu Phương cho rằng “hãy thử đặt mình vào vị trí của các bạn ấy. Để tình trạng này xảy ra, các nhà lãnh đạo cần phải tự xem lại mình, chứ không  nên trách các bạn”.

 “Các bạn đều là những người giỏi, nhiều bạn cũng hỏi, tại sao không về Việt Nam? Nhìn vấn đề từ nhiều phía, đất nước đã đánh mất nhiều nhân tài và Nhà nước phải xem lại vấn đề này. Rồi cứ thử nghĩ, nếu các bạn về Việt Nam thì có nơi nào tạo điều kiện để phát huy năng lực không?” – độc giả Quang Thuận đặt câu hỏi.

Đồng tình với ý kiến này, anh Lê Văn Thân nói: “Sao lại bắt họ phải về hả các bạn. Học bổng họ đi không phải từ ngân sách Nhà nước. Họ rất nỗ lực phấn đấu để giành được nó. Vì vậy họ có quyền quyết định tương lai của mình. Họ làm việc ở nước ngoài nhưng không quên đất nước. Họ vẫn nghĩ về quê hương thể hiện qua cách giáo dục con cái, cách họ giúp đỡ các du học sinh đến sau. Và tương lai họ có điều kiện tốt để giúp đỡ người Việt Nam tham gia vào các tập đoàn lớn của trên thế giới.

Các bạn phải thẳng thắn thừa nhận rằng nếu họ về Việt Nam thì có khi họ còn không lo nổi cho gia đình mình chứ đừng nói gì phục vụ Tổ quốc. Họ ở bất kì đâu nhưng họ có tấm lòng phục vụ Tổ quốc là điều đáng quý rồi. Có trách là hãy trách những người dùng ngân sách Nhà nước đi học mà không về cũng không bồi thường ấy các bạn ạ! Có trách nữa thì hãy trách các nhà quản lý chưa tạo được điều kiện để họ quay về” – anh Thân thẳng thắn đưa ý kiến.

Cũng đứng về phía" các nhà leo núi", bạn đọc Hoàng Thu Hà nêu thực tế không phải cứ muốn về phục vụ đất nước là được phục vụ, trong khi “lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu chỉ biết chạy chọt xin đề tài để sống lay lắt qua ngày, khi mà lãnh đạo chỉ cố kiếm bằng tiến sĩ trong nước để ngoi lên thì làm sao mà biết dùng những người thực sự giỏi. Thôi cứ để các anh chị ấy phục vụ cho nhân loại nói chung và đến một lúc nào tình hình thay đổi thì quay về phục vụ đất nước vậy”.

Anh Đỗ Cao cũng cho rằng nơi nào có điều kiện tốt nhất thì những người có tài nên ở lại để giúp xã hội phát triển chung, còn hơn là quay về nhưng để cho tài năng thui chột.

 “Phải chấp nhận thực tế thôi bạn. Các bạn ấy mà về Việt Nam thì chưa chắc có điều kiện để phát triển, phát huy bản thân chứ đừng nói là đóng góp cho đất nước” hay “Về Việt Nam, các anh chị ấy có được trọng dụng như Úc không hay là đi làm tháng lĩnh lương 4-5 triệu?” là những câu hỏi mà nhiều độc giả đặt ra cho các nhà lãnh đạo trong việc tìm ra những giải pháp để thu hút người giỏi về nước.

Nguyễn Thảo (tổng hợp)