Phần đông độc giả ủng hộ quyết định ở lại trời Tây của những người tài và cho rằng môi trường làm việc trong nước chỉ làm phí phạm tài năng, kiến thức của họ.
Về nước lấy đâu tiền lót tay
Trước những ý kiến trách móc các nhà vô địch gameshow Đường lên đỉnh Olympia không trở về cống hiến cho quê hương, nhiều bạn đọc đã đưa ra những lý do giải thích hợp lý cho quyết định này. Độc giả Thanh Thiên phân tích và đưa ra 4 nguyên nhân: cơ chế quản lý kém, cơ sở vật chất hạn chế, lương thấp và quan trọng nhất là “về nước lấy tiền đâu lót đường”. Bạn Thanh Thiên cho rằng “thà chảy máu chất xám còn hơn lãng phí chất xám”.
“Theo như tình hình đất nước hiện nay thì chắc chả mấy ai muốn về đâu. Đất nước ta chỉ quan trọng mỗi bằng cấp, quan hệ, và tiền thôi… Có tiền, có địa vị là họ sẽ đè bẹp cái nhân tài” – một bạn đọc khác bình luận.
Riêng anh Đức Trọng thì có cách nhìn riêng. Anh cho rằng những kiến thức tiên tiến mà du học sinh thu được chưa chắc đã áp dụng được ở Việt Nam, hoặc có cũng không có nhiều tác dụng, không thể triển khai và vận dụng ngay những kiến thức đó vì hiện tại trình độ của Việt Nam chưa đủ để tiếp thu. Anh Trọng cho rằng sau khi làm việc ở nước ngoài 5, 10 năm, họ quay về nước thì lúc ấy kiến thức sẽ có giá trị thực tiễn hơn. “Đừng coi đó là chảy máu chất xám” – anh nói.
Cũng đồng tình với quan điểm “về Việt Nam không phát huy được năng lực”, anh Phan Chí Tài chia sẻ câu chuyện của một người bạn: “Chỉ sợ không ở lại được thôi, chứ còn ở lại được thì ở chứ về làm gì. Tôi có một người bạn đi du học ở Úc sau khi về thì suốt ngày lên cơ quan uống nước chè, vậy là nhiều thời gian để tìm thêm học bổng đi Mỹ và ở lại luôn đến nay đã 6 năm rồi. Nhân tài trên đất nước chúng ta trong lĩnh vực khoa học nghiên cứu chỉ được trả lương 1 tháng bằng 1 ngày làm viêc của tiến sỹ ở nước ngoài thì về làm gì?”
Độc giả Lê Giang bổ sung thêm: “Học tại nước ngoài, cầm tấm bằng đại học về nước lang thang hết chỗ này đến chỗ kia tìm việc làm hoặc nhà nước có bố trí công việc nhưng không đúng chuyên môn hay chẳng có thứ gì để phát huy sở trường đã học, lương thì ba cọc ba đồng. Nếu là bạn, bạn có về nước công tác không nào?”
Cần những người tiên phong
Ngược lại, cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng đất nước còn khó khăn thì mới cần người tài về góp sức. “Đừng đợi mọi người nấu cơm sẵn dọn ra để các bạn "ăn". Số đông đang lạm và ngụy biện câu " nhà nước chưa tạo điều kiện". Vậy các (vua leo núi) có biết vì sao các cá nhân nước ngoài đang đến VN làm việc?” – anh Lê Cao Cầu thẳng thắn nhận định.
“Lỗ Tấn từng nói: “Trái đất vốn chẳng có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Những người có khả năng mà không chịu đi trước mở đường thì trước sau con đường cũng sẽ hình thành (dù có thể có ổ gà, ổ vịt hay ổ voi....). Vấn đề ở đây là những con đường đó lẽ ra có thể tốt hơn dự kiến. Nếu ai cũng đợi đường làm xong thì mới đi thì còn gì để nói nữa” – độc giả Thành Nam lập luận.
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Lê Thanh một mặt đồng tình với quan điểm mỗi người được quyền lựa chọn môi trường phù hợp, tuy nhiên anh cho rằng “cũng cần có sự giáo dục lòng yêu nước thích hợp để các bạn trẻ tự nguyện cống hiến”.
Nhìn ở một khía cạnh khác, độc giả Quỳnh Anh nhận định: “Ở VN mình còn có sự bất công về giáo dục. Bạn hãy hình dung nhà nước đầu tư rất nhiều tỷ đồng để xây dựng trường Amsterdam Hà Nội dù chưa có thống kê nhưng tôi dám chắc rằng phần đông những tinh hoa của trường này cũng định cư ở nước ngoài. Như vậy là nước mình nghèo nhưng đầu tư giáo dục cho các nước giàu”.
Có nhiều cách yêu nước
Những người ủng hộ nhân tài tìm nơi “đất lành” cho rằng nếu nói đến lòng yêu nước, người ta có nhiều cách để đóng góp cho đất nước.
“Tôi hoàn toàn ủng hộ con đường của các bạn, ở đâu có điều kiện tốt để học hỏi và phát huy được sở trường của bản thân thì ta nên chọn. Nói về lòng yêu nước thì nhiều lắm, các bạn ở nước ngoài nhưng lòng luôn hướng về Tổ quốc, khi nào có điều kiện thì về xây dựng quê hương” – anh Võ Tiến Dũng bày tỏ quan điểm mở đường cho người trẻ có tài.
Anh Vũ Tuấn Long cũng cho rằng sau một thời gian lập nghiệp ở nước ngoài, khi có kiến thức và nguồn vốn quay về nước phục vụ đất nước sẽ tốt hơn. “Còn như bây giờ các bạn học về mà Nhà nước chưa trọng dụng, điều kiện phát triển ban đầu chưa thực sự đáp ứng thì các bạn thực sự khó có hướng phấn đấu”.
Một bạn đọc khác khẳng định những người Việt thành đạt ở nước ngoài gửi kiều hối về quê hương cũng là một cách đóng góp hữu ích cho đất nước, chứ không phải cứ về nước làm việc mới là cống hiến.
Nguyễn Thảo (tổng hợp)