- Vừa nhận tin đỗ thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội, Nguyễn Hữu Tiến khao khát học giỏi để sau ra trường sớm có việc giúp nhà trả món nợ gần 100 triệu. Nhưng ngày 31/7, em được yêu cầu thường xuyên có mặt ở nhà để nhận lệnh nhập ngũ.

Nợ gần 100 triệu, phải vay gạo ăn từng bữa

Ngôi nhà cấp bốn của gia đình Tiến ở thôn Động Phí, xã Phương Tú, Ứng Hòa, Hà Nội chỉ rộng gần 30m2, ẩm thấp và trống hoác. Thứ đáng giá nhất là chiếc ti vi màu đã cũ.

Mẹ Tiến, cô Hoàng Thị Thanh mới hơn 40 tuổi nhưng người gầy gò, khắc khổ. Để có tiền cho con ăn học, ngoài vài sào ruộng người mẹ nghèo hàng đêm đi vặt lông gà, lông vịt thuê kiếm vài chục ngàn. Chồng cô, chú Định lóc cóc ra Hà Nội làm đủ thứ nghề từ vá xe đạp, xe ôm, dọn nhà thuê,…

Hạnh phúc lớn nhất của họ là những đứa con ngoan, học giỏi. Hai chị cả của Tiến một đang là SV ĐH Quốc gia Hà Nội, một đang học Trường CĐ Giao thông Hà Nội. Nguyễn Hữu Tiến vừa nhận tin đỗ thủ khoa Trường ĐH Y Hà Nội (29,5 điểm) và Trường ĐH Dược Hà Nội em được 27 điểm. Người em trai sinh đôi với Tiến là Nguyễn Hữu Tiền thi Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội được 26 điểm và Trường ĐH Y Hà Nội được 25 điểm.

Nhà khó khăn, cô Thanh và chồng phải chạy vạy vay tiền khắp nơi nuôi con ăn học. Giờ tiền vạy bà con hàng xóm, ngân hàng rồi cả lãi ngày lên đến gần 70 triệu đồng. Chiều 2/8, vừa bước vào nhà cô chưa được bao lâu thì vài người vào lớn giọng đòi nợ. Bà con hàng xóm đến chúc mừng đành nói vào để họ thư thư cho cô chú.

Bà Đặng Thị Vót (82 tuổi) - bà ngoại Tiến rơm rớm: “Nhà cái Thanh giờ gạo còn chả có mà ăn. Giờ thằng Tiến, Tiền lại chuẩn bị vào học. Rồi chẳng biết may này nhà nó lấy đâu tiền nuôi học ăn học. Nhà nó vừa bán tài sản có giá trị nhất trong nhà đi - cặp bò mẹ con được 18 triệu đồng lo trả nợ với cho các con”.

Vừa hôm qua, cô Thanh còn phải chạy qua nhà bà ngoại các cháu vay mấy bát gạo nấu cơm cho con ăn.

Không muốn nhập ngũ

Mong ước học trường y, sau sớm ra trường cùng bố mẹ lo trả số nợ “khổng lồ” nhưng ngày 31/7 Tiến và cả gia đình không khỏi buồn và lo lắng khi Tiến nhận được thông báo trúng tuyển sức khỏe thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2013.

{keywords}

Từ trái sang phải: Nguyễn Hữu Tiến, mẹ em và em trai Nguyễn Hữu Tiền lo lắng vì việc Tiến có thể phải bảo lưu kết quả thi đại học, đi nhập ngũ ngay. (Ảnh: Văn Chung).

“Quy định của nhà nước nếu cháu phải đi bộ đội về rồi tiếp tục việc học chúng tôi không dám thoái thác. Nhưng đợi đến khi Tiến nó học xong đại học mới đi bộ đội được không” – cậu của Tiến băn khoăn.

Trong thông báo của Ban chỉ huy quân sự huyện Ứng Hòa còn yêu cầu Tiến phải thường xuyên có mặt tại gia đình, địa phương nơi cư trú từ ngày trúng tuyển đến hết ngày 15/9/2013 để nhận lệnh gọi nhập ngũ và bàn giao cho đơn vị quân đội.

“Chỉ tiêu gọi nhập ngũ của địa phương cũng ít. Còn nhiều trường hợp không đi học; muốn đi bộ đội thì nên để cho các cháu đi. Nhà cháu Tiến quá khó khăn. Chúng tôi tha thiết Nhà nước tạo điều kiện cho cháu được đi học đại học ngay. Cháu học y, sau ra trường với tay nghề có thể giúp được cho bao người. Hơn nữa nhà cháu nợ nhiều quá, đi làm sẽ giúp trang trải nợ nần cho bố mẹ Tiến” – những người hàng xóm xung quanh tâm sự với PV.

Sẽ tạo điều kiện cho Tiến đi học

Theo Thông tư 13 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Quốc phòng, trường hợp công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và Giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Chiều 2/8, trao đổi với VietNamNet, Trung tá Nguyễn Trí Thanh – Phó Ban chỉ huy quân sự huyện Ứng Hòa cho biết: “Thông tư 13 ra đời nhằm nâng chất lượng và trình độ văn hóa trong lực lượng quân đội. Công tác khám tuyển, gọi thanh niên đi nhập ngũ cần đảm bảo công bằng, dân chủ đối với mọi công dân”.

Qua báo chí, Trung tá Thanh cho biết ông cũng mới nắm được thông tin hoàn cảnh của Tiến. Ông cho hay: “Yêu cầu về quân số mỗi xã trên địa bàn phải đảm bảo đáp ứng đủ. Mỗi xã, thị trấn có thể vận dụng linh hoạt quy định này.

Nếu xã Phương Tú nguồn tuyển dồi dào thì có thể xem xét tạo điều kiện để các cháu học giỏi, có chí như Tiến được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự mà đi học ngay. Gia đình Tiến cần có đơn nêu lý do, xin được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự và được Ban chỉ huy quân sự địa phương nhất chí, đồng ý. Hội đồng Ban chỉ huy quân sự huyện sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp để đưa ra quyết định cuối cùng có tạm hoãn cho các thanh niên này hay không”.

Chiều cùng ngày, trao đổi với VietNamNet, ông Lê Ngọc Thanh – Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Phương Tú cho biết: “Chỉ tiêu gọi nhập ngũ của xã năm nay là 11, nguồn thanh niên của địa phương trong độ tuổi gọi nhập ngũ có 97 người.

Qua xem xét, cân nhắc từng trường hợp cụ thể một cách kĩ lưỡng, chúng tôi gọi 39 thanh niên đi khám tuyển. Trong đó 14 thanh niên sinh năm 1995, 11 thanh niên sinh năm 1994, 14 thanh niên sinh năm 1992 và 1993. Số thanh niên này là không đi học hoặc ra trường chưa có việc làm. Hiện 31 thanh niên đã đủ các chỉ tiêu”.

Tuy nhiên, ông Thanh cho biết: “Trường hợp của Tiến, địa phương mới chỉ gọi đi khám tuyển. Về cơ bản, địa phương vẫn sẽ tạo điều kiện để Tiến và các em đỗ đại học được đi học ngay. Nguồn tuyển của chúng tôi rất dồi dào và đảm bảo đủ quân số trên giao”.

  • Văn Chung