"Tôi không thích con học trường nhiều tiền và lớn lên trong giới nhiều tiền, môi trường ấy tôi thấy có những sai lệch và không khiêm tốn", chị Vũ Thị Minh Thu, một giáo viên ngoại ngữ ở Hà Nội nay sống xa cuộc sống ồn ào chốn đô thị chia sẻ.

Chị và chồng mình, anh Đặng Triệu Thắng, một kiến trúc sư đã chọn thoải đồi 3.000m2 dưới chân núi ở Tiến Xuân (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) làm nơi sinh sống lâu dài.Quan niệm sống "buông bỏ để trở về chính mình" của anh chị đã được chia sẻ trên trang "Phụ nữ ngày nay", một chuyên đề dành cho phụ nữ công sở.

Đã 10 năm kể từ khi bắt đầu cuộc sống ở nơi rừng xanh núi thẳm này, anh chị gặp nhiều áp lực phản đối từ người thân. Nhưng bằng tình yêu và sự đồng thuận về quan điểm sống, tới giờ họ hoàn toàn thỏa mãn và hài lòng với quyết định của mình.

{keywords}
Vợ chồng anh Thắng, chị Thu
Chuyển lên núi sống cũng đồng nghĩa với việc sẽ không còn phải bận tâm tới những nỗi lo trường điểm, lớp chọn như nhiều bậc phụ huynh khác ở thành thị. Chị Thu cho rằng trường làng là môi trường giáo dục bản chất và hồn nhiên nhất bây giờ, không ô nhiễm bởi những thứ lệch lạc như giáo dục ở các thành phố lớn.

“Những kiến thức của bậc tiểu học không có gì đáng ngại, chủ yếu để cháu vui vẻ, được phát triển toàn diện cả thể chất - nhân cách - tâm hồn. Chúng tôi đem lại cho con sức khỏe và môi trường sống tốt đẹp, cháu có thể phát huy từ những cái riêng nhất. Tôi không thích con học trường nhiều tiền và lớn lên trong giới nhiều tiền, môi trường ấy tôi thấy có những sai lệch và không khiêm tốn. Con gái tôi học và chơi cùng trẻ con nông thôn, về nhà cháu chăm cây cỏ, nói chuyện với chó, Sim là một bé gái vui vẻ, sinh động và có tâm hồn thuần khiết” – bà mẹ này chia sẻ.

Chị Thu nói rằng khi quyết định đánh đổi hay buông bỏ một điều gì đó, mình không bao giờ tính toán những được – mất, mà chỉ bám vào sự say mê của mình như một chỉ dẫn đáng tin.

Chị cho rằng chỉ cần mình chủ động và sáng tạo, nhận định tình thế thì sẽ không phải hối tiếc điều gì.

“Về núi sống, chỉ cần không tỉnh táo thì chúng tôi sẽ rơi vào sự lạc hậu, nó không được lành mạnh như cuộc sống của nông dân, mà dở dang kiểu lập dị giời đày. Tiếp thu văn minh, luôn sáng tạo trong việc sống, không cho phép mình thụt lùi - đó là những điều cốt yếu trong ứng xử với những môi trường sống khác biệt mà tôi hoặc chủ động, hoặc tình cờ rơi vào”.

Phát hiện ra nơi đang ở trong một lần đi câu cá, hai vợ chồng quyết định mua luôn mấy dãy đồi (sau này có bán bớt cho những gia đình khác từ Hà Nội lên lập trang trại). Bảy năm nhẫn nại, họ đã biến đồi đá thành hệ sinh thái xanh đa dạng chủng loài và nơi ở đẹp đẽ.

{keywords}
Chị Minh Thu

Làm việc lâu năm trong môi trường giáo dục, chị nhận ra rằng để mình có kiến thức và văn hóa phải mất công với sách vở nhiều quá, mà những điều ấy lại hạn chế tính sáng tạo của con người.

Trước khi đưa con lên đây sống, anh chị đã mất hơn một năm gửi cháu ở nhà ông bà ngoại để bố mẹ sống thử trước xem thế nào, vì lúc đó chưa tự tin điều kiện vật chất và học tập ở đây là đầy đủ cho con.

Theo anh chị, rời phố lên rừng không có nghĩa là nói “không” với tiện nghi, “vì tiện nghi làm cuộc sống của mình thư giãn để tận hưởng những giá trị khác”.

"Ở đây, ai cũng thích lao động, mọi người gần gũi và tôn trọng nhau hơn. Nếu như trước đây phải làm những việc mình rất chán để duy trì cuộc sống thành thị thì bây giờ lao động không còn là một gánh nặng, mà là chăm chút cho cuộc sống của mình.

Sức khỏe cả nhà đều tốt hơn. Và quan trọng nhất là sự thay đổi tích cực của cô con gái. Cô bé yêu quý mọi người, sống sâu sắc hơn, hiểu được nhiều điều bằng sự nhạy cảm, có lẽ những bài học đó bé được học từ Bà Mẹ Thiên Nhiên - chị Thu chia sẻ.

  •  Nguyễn Thảo (lược thuật từ Phụ Nữ Ngày Nay)