- Quyết liệt dành đất mở rộng trường học; xã đặc thù được xây đến 9 trường…là những quyết tâm tạo đột phá nâng chất lượng giáo dục ở Vĩnh Phúc.

>> Vĩnh Phúc lên tiếng về cách tuyển giáo viên lạ

Xã có 9 trường học

Hiếm có nơi nào trên cả nước mà một xã như Ngọc Thanh, thuộc thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) có tới 9 trường học gồm 3 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 2 trường THCS, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú.

Chỉ riêng Ngọc Thanh đã chiếm đến 3/4 diện tích của thị xã với địa hình khá phức tạp khi vừa là đô thị loại 3, vừa có khu công nghiệp, vừa có đồng bằng và có cả núi. Thông thường một xã miền núi có dân số dưới 10.000 người có từ 3-4 trường học nhưng với 21 thôn nằm trên khu vực khá rộng, đi lại khó khăn nên giáo dục được chính quyền hết sức quan tâm.

Cộng với việc Ngọc Thanh có khá đông đồng bào dân tộc Sán Dìu (và cũng là xã duy nhất của cả tỉnh có HS dân tộc) sinh sống nên như Phó Chủ tịch UBND thị xã Phúc Yên Lê Văn Tân: “Mấy năm qua kinh tế khó khăn nhưng chúng tôi luôn xác định cần tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Phúc Yên cố gắng tạo điều kiện để các cháu học sinh không phải đi quá xa từ nhà tới trường”.

{keywords}
Trường MN Ngọc Thanh C với diện tích hơn 6000m2 đang được gấp rút hoàn thiện để đưa vào hoạt động vào năm học mới 2013-2014. (Ảnh: Văn Chung).

Cùng với chính sách mở rộng trường lớp của tỉnh, năm học 2013-2014, Ngọc Thanh đã được chính quyền thị xã đồng ý cho mở thêm 1 trường mầm non (Ngọc Thanh C).

Với gần 1000 học sinh dân tộc Sán Dìu nên tỉnh Vĩnh Phúc quyết định đầu tư xây dựng một trường Phổ thông dân tộc nội trú đóng ngay trên địa bàn xã. Năm học này, trường đã tuyển sinh được ba lớp 6 với 100 học sinh.

Những con số mơ ước

Trong khi Hà Nội loay với bài toán ế hàng chục ngàn m2 bất động sản, thiếu đất cho trường thì toàn bộ hệ thống chính trị Vĩnh Phúc được huy động để dành tiền, nguồn lực mở rộng đất cho các trường học trên địa bàn.

Trước sức nóng của quá trình công nghiệp hóa, đất cho các công trình xây dựng ngày càng ít nhưng Vĩnh Phúc vẫn quyết tâm thực hiện Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh về mở rộng diện tích (DT) cho trường học trên địa bàn giai đoạn từ 2011-2015.

Tiêu chí được đặt ra là mỗi trường mầm non phải có ít nhất 20m2/cháu, diện tích ít nhất đạt 3000m2; mỗi trường tiểu học phải con số trên là 25m2/cháu, 5000m2; bậc THCS là 25m2 và ít nhất 10.000m2, bậc THPT là 30m2 và ít nhất 30.000m2. Các con số trên cao gần gấp đôi hơn so với tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT.

Kinh tế khó khăn nhưng năm 2011 ngân sách của Vĩnh Phúc dành tới 100 tỷ cấp cho các huyện, thị, thành phố mở rộng đất cho trường học. Năm 2012 và 2013 con số này được nâng lên 180 tỷ đồng, tổng số là 460 tỷ đồng (với 230ha đất cần mở).

Ông Hoàng Minh Quân, GĐ Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho biết: “Vĩnh Phúc yêu cầu từng hiệu trưởng, chủ tịch xã rồi lãnh đạo huyện thị cần nắm diện tích cách trường hiện có bao nhiêu, cần mở rộng bao nhiêu m2, hướng mở rộng như thế nào.

{keywords}
Trước nhu cầu lớn của người dân, Trường MN Ngọc Thanh C đã mở cửa để nhận trông trẻ nhà trẻ từ những ngày đầu tháng 8. (Ảnh: Văn Chung).

Từng tháng các địa phương phải có thống kê, báo cáo cụ thể. Tỉnh cũng thường xuyên yêu cầu chủ tịch các huyện, thị xã báo cáo trực tiếp để nắm rõ tình hình. Hiện tỉnh mới giải tỏa được 50% diện tích. Theo Nghị định 42 của Chính phủ, bắt đầu từ cuối tháng 7/2012 các DT thu hồi liên quan đất lúa phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt

Đến cuối tháng 5/2013, Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh mới làm việc xong với các Bộ và được Thủ tướng phê duyệt mới được phép thu dồi diện tích đất cho các công trình công cộng trong đó có giáo dục. Khi này các huyện thị khẩn trương, ráo riết các công việc để mở rộng DT họp với dân lập phương án đền bù, giao đất, giải ngân kinh phí ra sao.

Vĩnh Phúc cơ bản sẽ hoàn thành công việc này trong năm 2013”.

3 phương án mở rộng trường

Về các phương án mở rộng trường, ông Hoàng Minh Quân, GĐ Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho hay: “Sở tham mưu cho tỉnh 3 hướng mở rộng diện tích đất cho các trường học. Một là mở rộng ra khu vực liền kề trường ở nơi còn có thể mở rộng. Khá nhiều trường đã thực hiện theo cách này.

Hai là, nơi nằm trong khu dân cư bốn phía không mở được sẽ mở phân hiệu ở khu lân cận để được giáo dục thể chất hoặc giáo dục chuyên biệt đưa các cháu ra học. Tuy nhiên, cách làm này chỉ là cá biệt và không thực sự hiệu quả.

Ba là chuyển địa điểm ra nơi mới. Đây cũng là cách làm hiệu quả, được nhiều địa phương thực hiện”.

Trước tình hình đất đai ngày càng thu hẹp, ông Quân cho biết tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang chỉ đạo làm gắt gao công tác này đến hết năm 2013. Nếu không mở rộng hoặc không hoàn thành định mức m2/trường học thì buộc phải dừng lại, dồn sức cho các nhiệm vụ giáo dục quan trọng khác. Trường hợp không mở rộng diện tích, giải pháp cuối cùng là tính toán nâng tầng.

2 huyện về đã về đích

“Đã có 2 huyện Sông Lô và Lập Thạch hoàn thành kế hoạch mở rộng trường lớp cho học sinh với diện tích xấp xỉ gần 14ha/huyện. Thậm chí so với số tiền ngân sách chi, mỗi huyện còn dư 8 tỷ đồng.

Số tiền còn lại được địa phương dành kiên cố hóa trường mầm non, tiểu học vì dù về mặt bằng được mở rộng nhưng nhiều trường vẫn chưa có tường rào bao quanh, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, học sinh vẫn phải ở trong nhà cấp bốn, phòng học ở dạng bán kiên cố…”- ông Hoàng Minh Quân cho hay.

  • Văn Chung