- Sáng 21/8, phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho hay đã nhận được báo cáo của Phòng GD huyện Thường Tín về việc dừng may đồng phục giá cao, không phù hợp với tâm sinh lí học sinh.

Trước đó, nhiều người dân các thôn Bình Vọng, Văn Giáp, Văn Hội (huyện Thường Tín) có con học tại Trường Tiểu học Văn Bình bức xúc khi hội phụ huynh gồm ba người đại diện cho ba thôn cùng với nhà trường quyết định thay đồng phục cho học sinh.

{keywords}
Bộ đồng phục này của Trường Tiểu học Văn Bình chính thức dừng triển khai

Mức giá cho bộ quần áo mùa hè (váy áo với nữ) và áo vest cho mùa đông được nâng lên gần gấp đôi so với năm trước, với giá từ hơn 600.000 đồng đến gần 700.000 đồng/bộ tùy từng khối lớp học.

Ngay sau khi thông tin được đăng tải, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có chỉ đạo Phòng GD huyện Thường Tín xem xét chỉ đạo nhà trường dừng triển khai may đồng phục Com-lê Veston với giá gần 700.000 đồng/ bộ cho học sinh. Ngày 20/8 sở đã nhận được báo cáo của Phòng GD dừng may bộ đồng phục giá cao này.

Ông Nguyễn Hiệp Thống nêu quan điểm, trong số 29 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội có nhiều địa bàn rất khó khăn. Với những vùng khó khăn sở không khuyến khích có ngay đồng phục đầu năm. Đặc biệt, trong lúc ngành giáo dục đang thực hiện phong trào 3 đủ (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở đến trường) thì việc tiết kiệm phải được đặt hàng đầu...

Theo ông Thống, việc mặc đồng phục thể hiện nét đẹp văn hóa của từng trường - nhưng không có chuyện phân biệt giàu nghèo - mọi học sinh phải được bình đẳng như nhau. Do đó, đồng phục phải phù hợp với thời tiết, tâm sinh lí lứa tuổi và phải được đồng thuận. Không có chuyện đưa ra bộ đồng phục gần triệu bạc trên địa bàn kinh tế người dân còn nhiều khó khăn rồi lại khuyến khích học sinh có thể mua quần, hoặc áo - như vậy không mang tính chất đồng phục - đi ngược với nét đẹp truyền thống của trường.

"Cho nên, trường làng mà may đồng phục giá 700.000 đồng/ bộ là không nên" - ông Thống quả quyết.

  • Kiều Oanh