- Chung với 27 mái đầu còn xanh trong phòng thi tuyển sinh sau đại học của trường đại học Nông Lâm TPHCM, một người đàn ông tóc đã bạc da đã mồi chăm chú nhìn vào bài thi . Ông là thí sinh cao tuổi nhất trong đợt tuyển sinh cao học năm nay.
Ông Lê Văn Xê trên con đường dẫn vào phòng thi |
Mái tóc bạc trong phòng thi
Cả dãy phòng thi trên tầng 1 khu Hướng Dương hoàn toàn yên ắng. Không một tiếng động. Trong phòng thi tất cả tập trung chăm chú làm bài. Ở căn phòng cuối cùng của dãy, nơi góc phải “ông già” tập trung, dồn hết thị lực nhìn vào tờ giấy thi và đề thi. Cặp kính lão được ông gỡ ra để bên cạnh tờ giấy. Thỉnh thoảng cây bút trên tay ông đặt xuống viết lên đó vài dòng chữ. Gương mặt không căng thẳng nhưng thần thái ông nghiêm nghị. Hôm nay thi môn cuối cùng của đợt tuyển sinh sau đại học.
Chúng tôi xin phép hội đồng thi vài phút để tác nghiệp ghi hình. Đi thật khẽ, không dám làm xáo động chúng tôi lẳng lặng thao tác thật nhanh. Cả phòng thi từ thí sinh đến giám thị chẳng ai quan tâm đến sự có mặt của chúng tôi. Ai nấy đều dồn mọi suy nghĩ để làm bài.
Mái đầu bạc chung với những mái đầu xanh |
Tiếng chuông báo hiệu hết giờ thi, chúng tôi đứng đợi ông nơi cầu thang. Ông bước xuống bên cạnh ông nhiều sinh viên bu lấy quanh ông. “Ông ơi, bác ơi . . . làm bài có tốt không ?”. Ông nở nụ cười hiền hậu trên môi thật thà kể: “hôm trước làm bài sinh lý thực vật cũng tạm được. Hôm qua môn toán xác xuất thống kê không làm được bao nhiêu. Còn hôm nay, Anh văn khó quá. Chắc rớt rồi”
Dù không làm bài được nhưng ông không buồn. Ông vui với bầy trẻ. Có lẽ gần 200 thí sinh tham dự kỳ thi này ai cũng biết ông. Mỗi người một câu, chào hỏi vui mừng vây lấy ông. Chúng tôi thoáng thấy trên gương mặt ông dường như tươi hẳn lên. Ông hỏi với theo một sinh viên : “cháu về Bình Phước luôn bây giờ sao ?”
Một giảng viên trẻ của trường đến bắt tay ông : “bác làm bài thi tốt chứ ?” Rất cung kính: “ thưa thầy chẳng biết nói sao nữa. Già rồi học khó vô quá nên cũng không hi vọng gì”.
Tên ông là Lê Văn Xê. Chỉ còn vài tháng nữa là ông bước vào cái ngưỡng cổ lai hi. Quê và nhà ông ở tại huyện Thủ Thừa (Long An), cách trường thi gần 60km.
Chứng kiến cách ứng xử của ông, chúng tôi không khỏi khâm phục một người cao niên có đầy đủ phẩm hạnh. Bạn bè dù nhỏ tuổi đã đồng song thì vẫn là bạn bè. Chỉ khác nhau ở cách xưng hô. Ông hòa đồng trong mối dây thân ái. Còn thầy thì cũng thế. Dù nhỏ tuổi nhưng là người truyền đạt kiến thức cho mình vẫn là thầy. Nhất tự vi sư, bán tự cũng vi sư mà . . . một mực cung kính. . .
68 tuổi mới thành kỹ sư nông nghiệp
Chăm chú làm bài thi |
Chúng tôi và ông chọn một góc vắng ngồi với nhau để nghe đôi điều ông tâm sự về chuyện học.
Nhà tôi đông anh em nên cũng không khá giả gì. Năm tôi học hết đệ tứ (lớp 9) gia đình khuyên nên thi vào khóa sư phạm cấp tốc để học trong một thời gian ngắn ra trường làm giáo viên tiểu học. Ra trường, tôi được điều động về dạy ở Mộc Hóa. Nếu cứ an phận như thế thì bây giờ tôi cũng chỉ là anh giáo làng. Tôi bắt đầu mua sách giáo khoa về tự học trong nhiều năm mãi cho đến năm 1970 tôi thi đậu tú tài 1 rồi tiếp năm sau đậu luôn tú tài 2 ban văn chương.
Ước mơ của tôi là được vào đại học nhưng đến 1975, tôi nghỉ dạy trở về quê làm nông. Lúc bấy giờ chính quyền mới tiếp quản. Trong khu vực mình sinh sống, mình vẫn là người có học. Tôi lần lượt được giao các nhiệm vụ quản lý trong tập đoàn sản xuất rồi sau đó là hợp tác xã nông nghiệp.
Lúc này tuổi đã lớn vợ con đùm đề nhưng giấc mơ đại học vẫn còn thôi thúc tôi. Có lẽ trong đời, giấc mơ ngồi ở giảng đường đại học là giấc mơ cháy bỏng nhất. Nhưng làm sao thực hiện được đây ?.
Trẻ già cùng quyết tâm |
Thế rồi cứ theo dòng đời đưa đẩy cho đến năm 2000 tôi không làm nông nữa mà mở một cửa hàng bán vật tư nông nghiệp. Theo qui định, người chủ cửa hàng phải có bằng trung cấp trồng trọt và bảo vệ thực vật. Lúc này tôi đã 56 tuổi rồi nhưng vẫn quyết định theo học tại trường dạy nghề Nông nghiệp Nam bộ tại Mỹ Tho (Tiền Giang) trong 3 năm để lấy cho được tấm bằng này.
Hàng ngày, ngoài công việc làm ăn sinh sống, giờ rảnh tôi thường xuyên ôn tập bài vở. Thời gian đã làm cho tôi quên rất nhiều và cứ mỗi lần mở trang sách ra, tiềm thức lại hiện về. Những cái khó quá, tôi đành phải hỏi các em nhỏ đang theo học. Học thêm từ chúng nó tôi mới ngộ ra rằng sự học không cần đến tuổi tác. Chỉ cần mình bền chí là được.
Đến năm 2007 trường cao đẳng nông nghiệp Bắc giang liên kết với trường dạy nghề Nông nghiệp Nam bộ mở lớp cao đẳng. Thế là tôi xin học liên thông.
Sau khi có bằng cao đẳng Nông nghiệp vào năm 2003, giấc mơ đại học càng thôi thúc tôi thêm nữa. Tuy nhiên, lúc này cuộc sống còn nhiều lo toan nên đành tạm gát lại cho đến 2011 tôi đậu liên thông vào đại học Nông Lâm ngành nông học.
2 năm dùi mài, năm 2012 tôi tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp loại khá. Nhờ tốt nghiệp loại khá tôi được nhà trường đặc cách cho thi cao học vào năm nay thay vì phải đợi thêm một năm nữa. Nếu năm nay rớt, năm sau tôi vẫn tiếp tục.”
Câu chuyện ông Xê kể cho chúng tôi nghe thật nhẹ nhàng nhưng qua đó phải hình dung cho được chí quyết tâm và sự nổ lực không mệt mỏi của ông. Sự học của ông bây giờ không còn vì sinh kế, không còn vì danh phận Ông bày tỏ : “tôi học là để không quên những gì đã học, bổ sung thêm kiến thức. Xã hội càng ngày càng tiến bộ. Mình ngưng tức là đã thụt lùi. 4 đứa con tôi đã thành đạt nên không cần phải noi gương cho con nhưng tôi muốn thế hệ trẻ nhìn vào tôi để phấn đấu. Tôi rất buồn là lớp trẻ bây giờ quá thực dụng phung phí quá nhiều thời gian. Mỗi người trẻ cần có một ước mơ tốt đẹp và phải thực hiện cho kỳ được ước mơ đó”.
- Trần Chánh Nghĩa