- Hàng trăm độc giả là những giáo viên đang đứng lớp và nhiều sinh viên sư phạm mới ra trường phản ánh thông tin thiếu hàng chục ngàn giáo viên là không đúng trong thực tế.
Ảnh minh họa |
Học Sư phạm về chỉ đi cắt cỏ
Những người trong cuộc từ nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước như: Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Bình… khẳng định thực tế thừa giáo viên rất nhiều tại những địa phương này.
“Có nhầm không? Mình ở Đồng Tháp, sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp đầy ra bắt về làm mắm còn không hết chứ thiếu cái gì. Muốn có chỗ dạy thì chuẩn bị khoảng 20 triệu thì may ra có cơ hội...” – bạn đọc Trịnh Thanh khẳng định.
Nhiều độc giả khác cũng đồng tình, tuy nhiên phủ nhận con số 20 triệu mà chị Thanh đưa ra. “Miền Bắc trên dưới 150 triệu. Miền Nam trên dưới 100 triêu!” là lời khẳng định của anh Nguyễn Lâm.
Anh Nguyễn Huy thì chia sẻ: “Ở quê mình, học sư phạm về chỉ biết đi cắt cỏ, chẳng có trường nào nhận dạy cả dù là hợp đồng. Hằng năm chỉ có một vài chỉ tiêu nhưng có hàng nghìn hồ sơ, tỉ lệ chọi không ai chọi nổi, ai mạnh thì chọi kiểu khác”.
Anh Nguyễn Văn Mến – một giáo viên từng học ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng gần chục năm trở lại đây SV Sư phạm ra trường thất nghiệp rất nhiều, phải dạy trường tư hoặc trái chuyên môn. “Riêng khóa 35 sư phạm Ngữ văn chúng tôi vừa tốt nghiệp năm 2013 số sinh viên tốt nghiệp là 85 nhưng có việc làm (theo đúng chuyên môn) khoảng 25 người”.
Độc giả Lê Anh Đức thì hài hước: “Sinh viên sư phạm ra trường hàng năm đổ xuống biển không hết”, hay như một sinh viên Sư phạm tâm sự: “Thầy hiệu trưởng mình từng nói là Việt Nam 10 năm nữa không lo thiếu giáo viên đấy!”
Thiếu nhưng xin không nhận
Một bạn đọc thẳng thắn giải thích chuyện “thiếu giáo viên”: “Giáo viên thiếu ai mà chẳng biết. Vấn đề là trưởng phòng giáo duc có của các huyện, thành phố nghĩ như thế nào. Dưới 50 triệu mà không có quan hệ thì cứ từ từ nhé. Cải cách giáo duc có rất nhiều việc phải làm, nhưng ít khi chúng ta đề cập tới tham những trong lĩnh vực này. Người ta nói: "Trưởng phòng giáo dục của một huyện là một ông vua".
“Quan chức lúc nói thiếu, lúc nói thừa, vì sao? Có tiền và quyền thì thiếu, không có thì thừa. Chính ngành giáo dục con người lại nhiều tiêu cực nhất. Các quý quan ai cũng biết nhưng đều làm ngơ. Chỉ có dân như chúng tôi là khổ, mấy năm học tốn bao tiền của, giờ ra trường thất nghiệp. Biết vậy, học xong lớp 12 đi làm công nhân, giờ lại có chút vốn” – một cựu SV Sư phạm lên tiếng.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Thiết chia sẻ trường hợp của cô cháu gái tốt nghiệp CĐ Sư phạm Ngoại ngữ ra trường không có tiền xin việc, phải đi nhặt bóng ở sân golf để có tiền mưu sinh.
“Tỉnh Thanh Hoá sinh viên tốt nghiệp ĐH Hồng Đức, khoa Sư pham Toán loại giỏi mà tỉnh không tiếp nhận. Chỉ đến năm 2015 mới tiếp nhận kia mà đành phải chờ đợi” – anh Phạm Văn Thanh chia sẻ.
Một cựu giáo viên đã chuyển ngành cho rằng các lãnh đạo Bộ nên tự kiểm tra con số, chứ không nên căn cứ vào báo cáo.
Thông tin thiếu giáo viên cũng gây bất ngờ cho anh Phạm Đặng: “Ở tỉnh Lạng Sơn quê tôi và các tỉnh lân cận thừa giáo viên rất nhiều. Vấn đề xin việc sau khi ra trường là vấn đề nan giải đối với sinh viên sư phạm. Bản thân tôi cũng đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm 3 năm mà không thể xin được việc làm bởi số lượng viên chức giáo dục tuyển mới quá ít. Giáo viên THCS mỗi lần tuyển dụng số lượng hồ sơ gấp ít nhất cũng 5 lần số lượng giáo viên cần tuyển, trong khi đó, các trường sư phạm đào tạo mới tràn lan không quan tâm gì tới sinh viên ra trường xin việc như thế nào.
Đơn cử môn của tôi, từ 2006, Trường CĐSP của tỉnh đã tuyển liên tục 7 khóa với khoảng 300 sinh viên, đã có 4 lớp tốt nghiệp mà từ khi lớp tôi là khóa đầu tốt nghiệp năm 2010 đến nay, toàn tỉnh chỉ tuyển chưa tới 20 giáo viên môn này. Vậy không hiểu các nhà quản lý giáo dục quy hoạch đào tạo cân đối với nhu cầu thực tế như thế nào, việc thiếu giáo viên là chung của cả nước hay chỉ mang tính chất địa phương đây?”
Trong khi đó, anh Phạm Hùng cho rằng con số mà lãnh đạo Bộ đưa ra là căn cứ theo định mức GV quy định tại Thông tư số 35 và Thông tư số 71 của Liên bộ Nội vụ, Giáo dục thì thiếu. "Nhưng thử hỏi, có địa phương nào thực hiện đúng quy định tại 2 thông tư trên chưa?" - anh đặt câu hỏi.
Đưa giải pháp cho vấn đề này, anh An Cường đề xuất các tỉnh nên công khai hàng năm về nhu cầu giáo viên, số lượng sinh viên Sư phạm của tỉnh và dự báo nhu cầu của tỉnh trong 4 năm tới. Nếu cần thiết thì đặt hàng các trường đào tạo luôn.
- Nguyễn Thảo (tổng hợp)