- Đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chỉ quy định dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3. Thế nhưng, ở các trường tiểu học vẫn diễn ra việc liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để dạy cho học sinh khối lớp 1, 2.

Tiền trảm hậu tấu

Những bất cập từ chương trình liên kết này thì ai cũng rõ nhưng cũng vì muốn con em mình được học ngoại ngữ ngay từ bé nên tâm lý phụ huynh thường vẫn ủng hộ việc học tiếng Anh liên kết giữa nhà trường với trung tâm.

Chuẩn bị cho con vào lớp 1 tại một trường tiểu học ở Hà Nội - chị Quỳnh cũng đã nghĩ đến việc cho con học tiếng Anh nên đã đăng ký học ngay khi đưa con đến nhận lớp. Chị vẫn đinh ninh năm nay trường vẫn tổ chức học như mọi năm, tiền học thêm tiếng Anh cũng chỉ hơn trăm ngàn mỗi tháng. Thế nhưng khi cầm trên tay phiếu thông báo học phí của trung tâm Anh ngữ gửi về chị không khỏi băn khoăn.

{keywords}
Hình ảnh có tính chất minh họa

Chẳng là ngay sau khi nộp hồ sơ vào trường, nhà trường đã tổ chức một buổi phỏng vấn trình độ tiếng Anh cho học sinh khối lớp 1 để đánh giá khả năng từng cháu. Khác với mọi năm, năm nay trường chọn một trung tâm ngoại ngữ có uy tín và đặc biệt là giáo viên giảng dạy là người bản xứ. Có lẽ cũng vì thế mà số tiến học phí cũng tăng gấp nhiều lần.

Nếu năm học trước chỉ khoảng trên 1 triệu đồng/ năm học thì nay là gần 6 triệu đồng/năm học, chưa kể chi phí cho đồ dùng và sách vở học tập. Đi kèm với tờ thông báo học phí không có bất kỳ thông tin gì chương trình giảng dạy, học sinh sẽ được học gì và thời gian học bố trí thế nào khi môn Tiếng Anh hoàn toàn không có trong khung chương trình lớp 1, cũng không biết giáo viên của trung tâm đánh giá khả năng tiếp thu ngoại ngữ của con thế nào sau buổi phỏng vấn. Chị Quỳnh hết sức băn khoăn.

Không ép nhưng sẽ bị cô lập

Giáo viên chủ nhiệm thì vẫn khẳng định việc học không bắt buộc, cho con học hay không là tùy bố mẹ, nhưng cô cũng không quên giải thích thêm: Nếu tất cả các bạn trong lớp học mà chỉ một vài bạn không học thì các con sẽ bị tách biệt, cô lập… Nghe thì có vẻ hợp lý nhưng sao vẫn thấy có sự “ép” khéo ở đây?

Việc có người nước ngoài dạy nên học phí tăng gấp mấy lần chị Q có thể hiểu được, thế nhưng chị không khỏi băn khoăn khi tìm hiểu kỹ hơn việc dạy tiếng anh trong trường tiểu học hiện nay. Khi trẻ vào lớp 3, bắt đầu theo học chương trình của Bộ thì những kiến thức được học trước đó sẽ trở thành chắp vá và không biết có ích lợi gì nữa không.

Chương trình của Bộ Giáo dục chắc chắn là khác với cách dạy của các trung tâm. Mặc khác ai sẽ kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy của các trung tâm Anh ngữ này? Không cho con học thì không yên tâm, mà bỏ ra một khoản tiền tương đối lớn mà lại không thực sự hữu ích khiến chị thực sự bối rối. Và rồi lại giá như ngành giáo dục thống nhất luôn tiếng anh là môn bắt buộc từ lớp 1 như môn Toán, Tiếng Việt có phải hơn không?

Phụ huynh sốc

Cũng không riêng gì chị Quỳnh, nhiều phụ huynh đã cảm thấy khá sốc với học phí tiếng Anh năm nay của trường đưa ra. Chị Lan chia sẻ: "Nhà mình hai đứa con đi học, nếu riêng tiền tiếng Anh mà đã hơn 3 triệu/kỳ thì không thể theo nổi. Năm ngoái chỉ có hơn 100.000 đồng/tháng mà cũng đã phải cố gắng rồi."

Anh Hòa cũng không khỏi băn khoăn: Với độ tuổi lớp 1 các cháu cũng chỉ cần làm quen với tiếng Anh là chính, việc liên kết với các trung tâm cũng chỉ là tạm thời. Về lâu dài các cháu vẫn phải học theo chương trình nhà nước nên nếu nhà trường liên kết với các trung tâm “bình dân” hơn thì phụ huynh cũng đỡ nhọc nhằn vì ngoài học tiếng Anh phụ huynh còn phải đóng góp nhiều khoản khác nữa...

Vì chưa có một sự thống nhất trong việc dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1, 2 nên mỗi trường tiểu học lại có sự chọn lựa trung tâm liên kết khác nhau. Từ đó, phụ huynh lại có tâm lý so sánh: học trường B đóng có mấy trăm nghìn tiếng Anh một kỳ mà sao trường C lại đóng mấy triệu?

Phụ huynh nào cũng đều muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho con. Nhưng khi những khoản học phí đầu năm cứ nối tiếp nhau rình rập “ví tiền” thời khủng hoảng thì ắt hẳn ngoài chị Quỳnh sẽ còn rất nhiều người băn khoăn, suy tính. Và rất cần phải có một sự thống nhất ngay từ đầu trong chương trình học và trong các trường tiểu học để tránh tình trạng dạy tiếng Anh theo kiểu “mạnh ai lấy no” như hiện nay.

  • Quyên Đỗ