“Do những thay đổi trong nhu cầu xã hội, việc đào tạo giáo viên mầm  non cho lứa tuổi nhà trẻ đã bị teo nhỏ lại. Gần đây, lại có nhiều tai nạn đáng tiếc trong trường học xảy ra với các bé nhà trẻ nhắc nhở các cấp quản lý và đào tạo cần phải quan tâm đặc biệt đến đối tượng này".

Nguyên hiệu phó Trường CĐ Sư phạm mẫu giáo trung ương Trần Thị Nga chia sẻ trước sự kiện đau lòng vừa xảy ra của ngành giáo dục.

Bên trọng, bên khinh

Một thực tế ở nước ta là trẻ nhỏ khó có thể được gia đình chăm sóc hoàn toàn cho đến khi bước vào tuổi mẫu giáo, tức là 3 tuổi. Vì thế, hầu như gia đình nào cũng có nhu cầu gửi con đi nhà trẻ khi trẻ còn rất nhỏ, có thể mới chỉ 4 hay 5 tháng tuổi. Thế nhưng nguồn cung giáo viên để chăm nom cho các bé nhà trẻ lại rất thiếu. Cô Trần Thị Nga cho biết trên thực tế, nhiều cơ sở giáo dục phải điều chuyển giáo viên già, thừa biên chế hoặc chưa được đào tạo chuyên môn trong trường đi làm công việc này. Điều đó khiến cho chất lượng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ nhỏ thật giống như trò chơi bập bênh.

{keywords}

TS Trần Thị Nga cho rằng trước hết cần đầu tư thêm cho nhà trẻ, thể hiện sự quan tâm thực sự đến nội dung này ngay ở cơ sở đào tạo giáo viên

Đã từng gắn bó với công việc đào tạo giáo viên nhà trẻ từ hàng chục năm nay, TS Trần Thị Nga cho biết, bà vẫn có phần hoài cổ với chương trình đào tạo từ khi chưa sáp nhập các trường với nhau.

Từ những năm 70-80 của thế kỷ trước, việc đào tạo giáo viên cho đối tượng trẻ từ 0-3 tuổi và từ 3-6 tuổi là ở các cơ sở khác nhau. Giáo viên nhà trẻ trước đây thuộc trường trung học nuôi dạy trẻ trung ương, trực thuộc Ủy ban bảo vệ và chăm sóc bà mẹ, trẻ em. Sau hai lần sáp nhập các cơ quan cấp bộ, việc đào tạo cô giáo nhà trẻ (nuôi dạy trẻ từ 0-3 tuổi) cũng được nhập vào làm một với đào tạo giáo viên mầm non nuôi dạy trẻ từ 3-6 tuổi).

“Tất nhiên khi kết hợp hai nhóm giáo viên vào làm một thì nội dung đào tạo sẽ không thể đầy đủ và kỹ lưỡng như trước đây.”- cô Nga cho biết.- “Khi còn dạy riêng, học sinh Trường Trung học nuôi dạy trẻ trung ương đều phải mất 2 năm học chuyên môn về chăm sóc và nuôi dạy trẻ độ tuổi từ 0-3 tuổi. Nhưng khi hợp lại, hệ trung cấp cũng chỉ 2 năm, hệ cao đẳng 3 năm nhưng sinh viên vẫn phải hoàn thành các kiến thức chuyên môn nuôi dạy trẻ từ 0-6 tuổi.”

Còn nhớ, học sinh trung cấp nhà trẻ trước kia có thể nói, các cô được học rất kỹ lưỡng về trẻ 0-3 tuổi, chương trình toàn diện nhưng rất chú trọng vấn đề chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ. Theo cô Nga, vấn đề quan trọng nhất của các bé độ tuổi này là dinh dưỡng và bảo đảm an toàn. Vì thế, những chuyện nhỏ nhất như lựa chọn thực phẩm hay phòng tránh nguy hiểm cho trẻ đều được đưa vào chương trình.

“Làm cô giáo nhà trẻ là phải cẩn thận, chu đáo lắm, và nhất là lúc nào cũng phải để ý đến trẻ. Trẻ đi đâu cũng phải nằm trong tầm quan sát của cô. Chúng tôi dạy cả những cái như thế.”

“Thế nhưng việc đào tạo giáo viên ở nội dung nhà trẻ hiện nay chưa ổn không phải vì lý do hai đối tượng này hợp lại.”- TS Trần Thị Nga nói- “Hợp lại cũng là xu thế chung của thế giới. Hơn nữa, trong một thời gian dài, các trường công, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội không nhận trông trẻ ở độ tuổi nhà trẻ. Vì thế, hợp lại cũng là để giáo viên được học tổng quát về lứa tuổi này, họ có thêm cơ hội tìm việc làm. Việc luân chuyển cán bộ linh hoạt hơn.”

Nhưng cũng vì thế mà dẫn đến nội dung đào tạo giáo viên mẫu giáo được coi trọng hơn, dành nhiều thời lượng hơn và nhận được sự quan tâm hơn. Đào tạo nội dung nhà trẻ từ đó mà bị teo nhỏ lại, có lẽ chỉ còn 1/3 so với trước kia. Dù rằng, trong mỗi học phần, mỗi kỳ thực tập đều dành thời lượng cho đối tượng này và sinh viên vẫn được dạy đầy đủ những kiến thức cơ bản, nhưng phần chuyên sâu có phần hạn chế.

Trải qua nhiều cung bậc của nghề, TS Trần Thị Nga nhận định: Từ cấp lãnh đạo cho đến quản lý và đào tạo lâu nay vẫn mang tâm lý coi trọng mầm non hơn nhà trẻ. Và ngay trong trường cũng vậy thôi, giáo viên nhà trẻ rất vất vả nhưng thu nhập có thể không bằng giáo viên mầm non. Bởi lứa tuổi này chưa có nhiều nội dung giáo dục, chưa làm quen với ngoại ngữ nhiều hay chưa có các lớp ngoại khóa như vẽ, múa, âm nhạc…hay đơn giản chỉ là các cuộc thi mang danh hiệu, giải thưởng về cho trường. Mặc dù học phí thu cao hơn nhưng đầu tư cho lứa tuổi này cũng nhiều hơn.

Trước thực tế ấy, TS Trần Thị Nga cho rằng trước hết cần đầu tư thêm cho nhà trẻ, thể hiện sự quan tâm thực sự đến nội dung này ngay ở cơ sở đào tạo giáo viên. “Tôi đã có những trao đổi với hiệu trường Trường CĐSPMG trung ương, thầy Đặng Lộc Thọ, cần dành thêm thời lượng từ 45 học trình tự chọn để đào tạo chuyên sâu hơn nữa cho sinh viên về nuôi dạy trẻ từ 0-3 tuổi.”

Đừng yêu cầu cô giáo như bác sĩ

Chia sẻ về sự việc đau lòng gây ra cái chết cho cháu Trần Nhật Hương, mặc dù cho rằng cô giáo sẽ phải là người chịu trách nhiệm chính vì đã không đảm bảo an toàn được cho bé thì cô Nga vẫn đồng ý với quan điểm không thể coi cô giáo cũng như bác sĩ.

TS Nga cho biết, trước kia có quan điểm cho rằng cô giáo mầm non vừa là thầy thuốc giỏi, vừa là mẹ hiền, là cô giáo. Nhưng quan điểm hiện đại thấy rằng mỗi nghề có một nhiệm vụ riêng. Cô giáo mầm non cần phải biết về bệnh học, về sơ cứu ban đầu nhưng không thể là thầy thuốc. “Tốt nhất, khi có vấn đề xảy ra thì phải gọi ngay người có chuyên môn đến. Nhiều khi, do không giữ được bình tĩnh, sơ cứu không đúng, cô giáo có thể làm cho bé bị sặc, hóc sâu hơn. Đã có những trường hợp như thế xảy ra và không cứu được cháu bé!”.

Với những trường hợp cấp cứu như hóc, sặc, thời gian chờ đợi rất ngắn nhưng cô Nga chia sẻ, người cần có mặt ngay là người có chuyên môn y tế. Ngay cả với cô, dù biết lý thuyết sơ cứu nhưng cô vẫn không dám chắc có thể cứu được cháu bé trong gang tấc.

“Trong điều lệ trường mầm non đều có yêu cầu về phòng y tế và sơ cấp cứu nhưng thực tế không phải trường nào cũng tuân thủ nghiêm túc quy định này. Vì thế mà những trường hợp hóc, sặc, đuối nước hay điện giật… tuy không là thường xuyên nhưng hậu quả đáng tiếc vẫn có thể xảy ra.” – TS Trần Thị Nga cảnh báo.

  • Nguyễn Hường