- Sau một thời gian chuẩn bị, cổng giáo dục trực tuyến mở GiapSchool chính thức ra mắt vào ngày 31/8/2013 tại địa chỉ: www.giapschool.org. Có thể coi đây là một tín hiệu không nhỏ với giáo dục Việt Nam.

Sự phát triển của công nghệ đã và đang làm thay đổi các mô hình đào tạo và ảnh hưởng đến chiến lược của các tổ chức giáo dục. Bùng nổ trong năm 2012, các khoá học đại trà trực tuyến mở (Massive Open Online Course – MOOC) chính là một hình thức phát triển của loại hình đào tạo đại học từ xa. Sự phát triển nhanh chóng của MOOC trong những năm gần đây đã khiến cho việc học trở nên dễ dàng cho mọi người, ở mọi nơi và miễn phí.

Về nguyên tắc, GiapSchool là một cổng MOOCs, tổ chức học tập tương tự như các cổng coursera, edx (có đăng ký khóa học, thảo luận, theo dõi tiến trình, đánh giá...), nhưng các bài giảng được xây dựng như của KhanAcademy.

{keywords}
  

Diễn ra vào chiều Thứ Bảy, ngày 31/8, buổi thuyết trình thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà giáo, sinh viên.

Ít giáo viên, không bằng cấp

Buổi giới thiệu GiapSchool có sự tham dự khá đông đảo của giới trí thức cũng như đại diện học sinh, sinh viên, bắt đầu với ba bài giảng về trào lưu giáo dục trực tuyến mở của ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, GS Dương Nguyên Vũ - Trung tâm xuất sắc John von Neumann và TS Giáp Văn Dương – “cha đẻ” của GiapSchool.

Cuộc thảo luận bắt đầu với chia sẻ về sự lo ngại về sự phản đối của giáo viên cũng như các chủ nhiệm khoa, bộ môn vì sợ bị “ném đá”, ảnh hưởng tới việc “giữ ghế”...  

TS Giáp Văn Dương khẳng định lo ngại của các thầy cô là có thật. “Tuy nhiên, người quyết định là sinh viên, là đại chúng, nên chúng ta vẫn làm thôi”.

GS Ngô Bảo Châu đồng tình: “Sự phản ứng của thầy cô giáo với MOOC là có thật, và là một chuyện khá “thú vị”, tôi đã theo dõi từ vài tháng nay. Một ví dụ là ở trường ĐH California đã từng xảy ra biểu tình khi nhà trường muốn áp dụng giảng dạy trực tuyến với một khóa học. Giảng viên của khoa đã phản đối vì lo ngại trường sẽ cắt giảm giáo viên.

Mâu thuẫn giữa MOOC và giáng viên hiện mới manh nha, chưa dữ dội, nhưng kết cục như thế nào thì chưa rõ”.

Trước câu hỏi có cơ quan hay tổ chức nào thẩm định chất lượng bài giảng không? Và vấn đề bản quyền cho những người muốn đưa lên mạng bài giảng của mình?  TS Giáp Văn Dương giải đáp: “Theo tôi biết không có cơ quan nào đứng ra thẩm định chất lượng bài giảng. Bài giảng được khen hay bị chê, đó là do người học. Không cơ quan nào được quyền ngăn cản các thầy công bố bài giảng của mình. Và người sản xuất bài giảng đương nhiên giữ bản quyền”.

Tiếp sau ý kiến này, khán giả của buổi giảng bài đã liên tiếp đặt các câu hỏi như các bài giảng trên mạng trước đây đã phải là MOOC chưa? Giáp School có cấp chứng chỉ cho các khóa học của mình?...

{keywords}

TS Giáp Văn Dương khẳng định: Ở Việt Nam đã có khá nhiều đơn vị đào tạo trực tuyến nhưng chưa phải là MOOC mà chỉ là e – learning, chủ yếu là luyện thi đại học, học tiếng Anh trực tuyến… không phải là tính chất mở và miễn phí của MOOC. TS Dương cũng nhắc lại MOOC không có chứng chỉ, bằng cấp, nên chỉ dành cho những người yêu mên tri thức, kiến thức.

Tuy nhiên, sau câu trả lời này của TS Giáp Văn Dương, GS Ngô Bảo Châu lại cho rằng “Chứng chỉ sẽ là vấn đề sớm muộn phải đặt ra. Đó cũng là cái để nuôi MOOC. Về bằng cấp, những trường đại học lớn ở Mỹ phần lớn thuộc sở hữu tư nhân, sẽ “bám” bằng được vào tấm bằng, sẽ không bao giờ trao bằng qua hình thức dạy học miễn phí vì nguồn nuôi sống nhà trường chính là học phí của sinh viên, lên tới 40 – 50 nghìn USD/ năm. Điều tôi nghĩ đến là những đơn vị thực hiện MOOC sẽ tự tạo chứng chỉ của mình”.

GS Ngô Bảo Châu còn đưa ra một “gợi ý” rằng, MOOC cần phải học… các game online về việc gây ấn tượng (tạo hứng thú) với học viên. “Phải thêm đai, thêm màu, thậm chí thêm sự đối kháng”.

Miễn phí với tồn tại, thất bại và thành công

Cuộc thảo luận thực sự nóng khi TS Lê Thống Nhất – người “bỏ luyện thi từ 5 năm nay để làm giáo dục trực tuyến” - ôn lại lịch sử phát triển của giáo dục trực tuyến ở Việt Nam và đặt câu hỏi “Không biết Giáp Văn Dương đã nghiên cứu chưa?”.

Theo ông Nhất, xét các đơn vị tham gia làm giáo dục trực tuyến từ trước đến nay chỉ có 2 đơn vị kiếm được tiền. Thứ nhất là một đơn vị đào tạo tiếng Anh, cấp chứng chỉ A, B, C. Đơn vị này không cần truyền thông nhưng vẫn có hàng nghìn người theo học. Lý do là những học viên này không cần kiến thức, chỉ cần bằng cấp. Do đó, nếu đứng về mặt tài chính mà nói, thì đơn vị này thành công.

Một đơn vị thứ hai là tổ chức đào tạo cấp bằng 2 hệ đại học. Họ học trực tuyến là chính, nhưng quan trọng là họ cấp bằng.

Còn lại hầu hết không kiếm được tiền, chỉ sống lay lắt.

Ông Nhất cũng nhấn mạnh, trước hết phải tạo ra thói quen học trên internet đã, còn thói quen trả tiền để học trên internet khó hơn nhiều. Thói quen phải bắt đầu từ phụ huynh – những người hiện nay vừa muốn có một người thầy giỏi dạy dỗ, đồng thời còn phải biết “an ủi vỗ về” con mình.

{keywords}

Với các bài học khi lăn lộn trên “mặt trận” giáo dục trực tuyến, ông Nhất kết luận: “Muốn lấy được tiền của người dân phải đưa chương trình vào máy tính bảng, phương thức mua thẻ thanh toán là thất bại. Còn miễn phí là chuyện khác. Nhưng có thể lấy từ ví dụ của chính tôi: Khi mời tôi về làm chương trình thi giải toán trên mạng, lãnh đạo FPT có nói anh cứ về dây làm vô tư. Nhưng một năm sau hỏi tôi làm sao kiếm được tiền từ chương trình đó? Tôi về chỗ khác cũng vậy. Nên tôi muốn chia sẻ với Dương rằng, có những người có thể bỏ tiền ra cho mình làm khoảng 2 năm, nhưng hơn nữa thì hơi khó”.

“Tất cả kiến thức trên GiapSchool là miễn phí” - TS Giáp Văn Dương lập tức nhấn mạnh. “Đã xác định như thế thì mình sẽ không “đau khổ” quá về mặt tiền nong”.

Nhưng vẫn băn khoăn về sự lâu dài, ông Nguyễn Thành Nam (thành viên Hội đồng quản trị FPT) lại khuyên người xây dựng GiapSchool “Phải “tầm thường hóa” vấn đề đi. Chứ trầm trọng quá không làm được đâu. Phải xác định hàng đưa lên có phải là cái xã hội đang cần không? Xã hội đó là ai? Đại học, phổ thông hay mẫu giáo? Không thể cái gì cũng có, sẽ không thành công đâu”. Ông Nam cũng cho rằng GiapSchool cần phải tính, “Không thể miễn phí mãi được”.

Trước cảnh báo của ông Nam, TS Giáp Văn Dương thẳng thắn: “Nếu định nghĩa thành công là kiếm được nhiều tiền thì tôi thất bại. Nhưng nếu đó là việc mang lại tri thức cho nhiều người, trong một thời gian dài sau này, thì tôi thành công”.

Ông Thành Nam ngay lập tức phản hồi: “Thành công là tồn tại. Nếu như một năm sau GiapSchool giải tán là thất bại. Không thể nói “tôi chỉ lóe lên cho mọi người biết” là xong việc”.

Trong khi những bậc đàn anh lo lắng, thì những người đồng niên với TS Giáp Văn Dương có những cái nhìn lạc quan hơn nhiều. TS Đàm Quang Minh, GĐ Trung tâm FPT Polytechnic Việt Nam khẳng định: “Chúng ta đang có cơ hội. Không có ngành nào trong nền kinh tế Việt Nam lại chậm hơn thế giới chỉ một năm đâu. Đây là tín hiệu khiến ta tự tin rằng mình “có cửa””.

Còn ông Nguyễn Quang Thạch – đang thực hiện dự án Sách hóa nông thôn – nhìn nhận từ góc độ người làm công tác xã hội. “Từ lượng cầu của xã hội, nếu ta làm tốt sẽ phát triển được. Tôi khẳng định không phải lo lắng về giáo viên và học trò nông thôn. Thầy cô sẽ là người hướng dẫn, và học trò sẽ hào hứng với mô hình này.

Về góc độ dân sự, hiện nay tôi thấy nhiều người chỉ nói mà không làm. Tôi cực kỳ ủng hộ anh Dương đã bỏ việc ở nước ngoài về Việt Nam làm dự án này. Tôi cam đoan sẽ kiếm tiền cho trang web tồn tại, kể cả phải đi đánh giày hay quét rác.

Việc anh Dương làm sẽ tạo áp lực để hệ thống giáo dục chính thống điều chỉnh theo hướng tích cực hơn”.

GS Dương Nguyên Vũ, Trung tâm xuất sắc John von Neumann: Giapschool là bước khởi đầu thú vị.

Đó là giấc mơ, là mong muốn đưa tri thức tới được càng nhiều người càng tốt. GiapSchool cần đặt ra vấn đề: Thứ nhất là chất lượng bài giảng. Và thứ hai là làm sao gợi lên được sự đam mê, cảm hứng cho người học.

Điều khó nhất khi học qua mạng là phải kiên trì. Những bài giảng đầu tiên của GiapSchool nên đơn giản, gần gũi, chứ không nên bắt đầu từ những gì cao siêu.

Phải làm thế nào để người ta mê học, rồi hãy đưa các bài giảng lên các tầm cao khác.

 

Những cộng tác viên đầu tiên

TS Giáp Văn Dương: Cộng tác viên đầu tiên của tôi là cô con gái Daisy, 4 tuổi. Cô bé đọc những bài thơ dành cho các bé mẫu giáo. Một cộng tác viên giúp đỡ rất nhiều nữa là TS Ngô Anh Viên, ĐH Stuttgart (Đức).

Họa sĩ Lý Trực Sơn – người xung phong dạy về lịch sử Mỹ thuật trên GiapSchool: Tôi tham gia với anh Dương vì từ lâu đã thấy rằng chúng ta thiếu thốn rất lớn về nghệ thuật. Nhà văn có thể dốt toán, ca sĩ có thể không biết gì về vật lý, nhưng không thể chấp nhận được một nhà tóan học, nhà vật lý chẳng biết tí nào về nghệ thuật. Đây là nội dung mà chúng ta cần phải trang bị ngay, và cho càng nhiều người càng tốt. Khi đó, ta sẽ được“du hành” đến những miền xa hơn, trở thành người toàn diện hơn.

Ông Đỗ Hoàng Sơn – Cổ phần văn hóa giáo dục Long Minh: Cty chúng tôi hiện có rất nhiều sách khoa học và sách thiếu nhi đã mua bản quyền. Tôi được phép chia sẻ miễn phí 15% dữ liệu. Và tôi mong muốn chia sẻ với GiapSchool.

  • Chi Mai lược ghi