Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Anh hùng lao động, GS.VS Trần Đại Nghĩa (13.9.1913 – 2013), nhiều hoạt động và hội thảo khoa học sẽ diễn ra ở Hà Nội và Vĩnh Long – quê hương giáo sư. GS.TSKH.NGND Nguyễn Thiện Phúc đã có bài viết nhớ về người đã đặt nền móng xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, nhà khoa học đầu tiên được phong quân hàm thiếu tướng.


{keywords}

GS Trần Đại Nghĩa (ngồi hàng đầu mặc áo vét sẫm) và tác giả bài viết (ngồi hàng đầu mặc áo vét sáng) cùng các đại biểu dự đại hội Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM (1983). Ảnh: tư liệu

Thầy hiệu trưởng

GS Trần Đại Nghĩa là hiệu trưởng đầu tiên của đại học Bách khoa Hà nội, nhưng sau một thời gian ngắn thì thầy Tạ Quang Bửu đã thay thế nhiệm vụ này. Tôi là học sinh khóa 1 khoa cơ khí, sau đó được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường. Hồi đó tôi chưa có một dịp may nào để được trực tiếp gặp thầy Nghĩa, nhưng lại được theo học nhiều lớp chuyên đề về toán của thầy Bửu và trước khi được đi học chuyển tiếp làm tiến sỹ khoa học ở Nga, tôi đươc thầy Bửu gọi đến nhà, trao đỏi về định hướng nghiên cứu và căn dặn rất nhiều điều bổ ích. Một thời gian sau khi tốt nghiệp về nước tôi đã có dịp được đi cùng với cả hai thầy trong đoàn cán bộ khoa học tham quan cố đô Huế.

Chuyến tham quan Huế

Đối với tôi cũng như khá nhiều cán bộ trong đoàn, đây là lần đầu tiên được đến với Huế. Chúng tôi vừa đi ngắm nghía các di tích trước đây chỉ được biết trong sách vở và vừa nhẩm đọc mấy câu thơ tuộc lòng của nhà thơ xứ Huế, nổi tiếng khắp đất Việt, hồi đó là Phó thủ tướng. Thời gian này mới bắt đầu triển khai Dự án của Unesco hỗ trợ tu bổ các di tích ở Huế. Hướng dẫn viên trực tiếp cho đoàn là GS Hảo, ông là nhà sử học, rất am hiểu về văn hóa Huế và rất giỏi tiếng Pháp. Ông mới được ký hợp đồng làm việc với dự án. Lời đầu tiên ông nói với đoàn là: “…chúng tôi nhìn thấy trong ánh mắt của quý vị niềm tự hào đân tộc!”. Câu nói có sức thuyết phục nhiều người đó có thể xuất phát từ sự cảm phục thầy Nghĩa và thầy Bửu, đang hiện diện trong đoàn.

Mấy cán bộ ít tuổi chúng tôi luôn luôn bám theo hai thầy để lắng nghe và chiêm ngưỡng hai thần tượng. Nhiều người chúng tôi cũng đã bị thuyết phục vì sự am hiểu lịch sử Huế và vốn văn chương của người hương dẫn viên. Sau khi được nghe bài phân tích rất hay về các áng thơ của Tự Đức, chúng tôi được dẫn ra nhà bia đá, đó là địa điểm tham quan cuối cùng trong Lăng Tự Đức. Người hướng dẫn viên nhấn mạnh rằng, mọi thứ trong Lăng đều làm bằng gỗ, duy chỉ có tấm bia này là bằng đá và nhà bọc bia lại cũng bằng đá, như thế Tự Đức có ý muốn để lại cho hậu thế cái bia này là chính. Rồi ông đọc và phân tích từng câu trong bản di chúc khắc chìm, nạm vàng trên tấm bia đó. Câu cuối nói rằng Tự Đức là người có công hay có tội, cái đó hãy dành cho ngòi bút của các sử gia. Và đây là lời của GS.Hảo: “Với tư cách là nhà sử học, tôi cho rằng Tự Đức là nhà thơ vĩ đại, cái sai lầm của ông là nhảy vào chính trường!”.Mọi người không ai cười nói gì, lặng lẽ ra về, kết thúc buổi tham quan.

Đi được mươi bước, thầy Bửu bỗng nói với chúng tôi: “Bác Nghĩa là người dũng mãnh!”. Chúng tôi đề nghị thầy cho một dẫn chứng. Thầy nói, hôm họp Chính phủ để quyết định dời Thủ đô lên Xuân Hòa, bác Nghĩa không những không giơ tay mà sau đó còn đứng dạy phát biểu rằng, quyết định đâu là thủ đô không hoàn toàn do chúng ta, mà do lịch sử của dân tộc và địa lý của Đất nước, “Nhưng mục này đã thông qua rồi!”, cử tọa cười vui vẻ.

Trong hoạt động khoa học kỹ thuật

"Cần tự xác định vị trí của mình để ý thức được phải dạy với trách nhiệm quốc gia và phải học với ý thức tự tôn của một dân tộc!”

Trần Đại Nghĩa

Mấy năm sau tôi lại được bầu vào ban thường trực Hội đồng giải thưởng khoa học và kỹ thuật của Nhà nước, nên có cơ hội làm việc với chủ tịch hội đồng - GS Trần Đại Nghĩa. Tôi vẫn còn giữ bản thông báo quyết định này, làm kỷ niệm về những ngày được làm việc trực tiếp với thầy Nghĩa.

Trong quãng thời gian làm công tác quản lý khoa học và phó hiệu trưởng ở Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi cũng có đôi lần thay mặt nhà trường, trong những dịp các ngày lễ tết, đến thăm và tặng quà các cán bộ lão thành của trường. Nhớ nhất là lần tôi cùng với cán bộ phòng khoa học đến nhà Thầy Nghĩa, ở phố Hàng Chuối, tặng thầy một món quà rất nhỏ, đó là chiếc màn tuyn, nhưng đó là sản phẩm do anh em cán bộ giảng dạy của trường cải tiến máy dệt màn vải xô, mắt vuông, thành máy dệt được màn tuyn, mắt lục giác. Thời đó, màn xô cũng phân phối, còn màn tuyn thì rất hiếm vì trong nước chưa nhập đươc loại máy này. Thầy rất cảm ơn và khen ngợi việc làm thiết thực đó, nhưng cương quyết không nhận quà, vì muốn dành cho nhiều giáo viên còn chưa có. Một điều bất ngờ nữa là sau nhiều năm, vào một dịp đi công tác khác, lúc rỗi thầy Nghĩa còn nhớ đến chuyện chiếc màn tuyn ấy và hỏi rằng việc cải tiến máy dệt ấy khó đến mức nào mà cần đến các thầy Bách Khoa? Tôi giải trình với thầy, việc cải tiến từ máy dệt vải màn mắt vuông thành máy dệt vải màn mắt lục giác cũng không quá khó, nhưng để cho dàn máy cồng kềnh chạy thật êm, không gầm rú, thì tính toán và thử nghiệm mãi mới được. Tôi nói đến đó thì thầy Nghĩa tiếp lời: “Không dễ đâu, đó là vấn đề dynamique des mécanismes!”. Thầy dùng thuật ngữ tiếng Pháp để nói về động lực học cơ cấu. Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện đó để nhắc nhở sinh viên của mình phải nắm rất chắc những kiến thức cơ bản để có thể nhìn ra ngay các nội dung khoa học khi giải quyết những nhiệm vụ kỹ thuât tưởng chừng đơn giản.

Những ngày đầu công tác hội

Giai đoạn mà tôi được gần gũi với thầy Nghĩa nhiều nhất là trong công tác hội. Với trách nhiệm là chủ tịch Hội liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, nhiệm kỳ đầu tiên, tôi tham gia một số việc chuẩn bị cho đại hội thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật trung ương (LHH-VN), tiến hành sau đó khoảng một năm. GS Trương Tùng, phó chủ tịch thành phố Hà Nội, đồng thời là phó chủ tịch liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, đã rất nhiệt tình tìm cách cấp trụ sở làm việc cho LHH-VN, tại số nhà 30 Bà Triệu, rất gần sát với hồ Hoàn Kiếm. Ngay sau khi thành lập, Hội liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã nhanh chóng kết nghĩa với Hội Kiến thức của thành phố Mascơva. Nhờ sự hợp tác đó, Hội liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã nhanh chóng tổ chức được các câu lạc bộ khoa học, khai trương một triển lãm ở nhà thuyền trên hồ Thiền Quang và bắt đầu có các trang bị như ô tô, máy ghi băng các bài giảng phổ biến khoa học.v.v… Đồng thời qua đấy chúng tôi còn làm được cầu nối để LHH-VN hợp tác với Hội Kiến thức toàn Liên bang Xô Viết. Trong quá trình hợp tác, tôi được chứng kiến với các ấn tượng đẹp trong nhiều cuộc tọa đàm giữa thầy Nghĩa với các nhà khoa học và các nhà hoạt động Hội Khoa học Kỹ thuật của Liên bang Xô Viết. Sau đó một số lần tôi được đi công tác đến các tỉnh thành với thầy Nghĩa. Lần đi dự hội nghị ở LHH - Hải Phòng tôi thấy thầy rất trăn trở về vấn đề quản lý kinh tế ở các địa phương. Thầy thường đem theo bộ sách quản lý kinh tế của Tây Âu và giới thiệu với họ. Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất với tôi là những ngày cùng đi với thầy vào dự đại hội thành lập LHH- TP.HCM. Tôi vẫn còn giữ được tấm ảnh chụp kỷ niệm ngày hôm đó.

Một đêm ở TP.HCM

Đêm hôm trước ngày đại hội, ban tổ chức đã đến báo cáo tình hình chuẩn bị với GS Trần Đại Nghĩa, tôi cũng ngồi tham dự. Sau buổi làm việc đó, thầy có vẻ ưu tư lắm và dường như không ngủ được. Thầy gọi tôi sang, pha một ấm chè và hai thầy trò nói chuyện với nhau đến rất khuya. Câu chuyện bắt đầu từ việc sửa sang, chỉnh lý lại hai bài phát biểu để thầy và tôi sẽ đọc vào sáng mai. Sau đó, thầy hỏi thăm về tình hình hoạt động khoa học ở trường Bách Khoa, rồi cả về cách thức triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học ở các trường của Nga và thầy đã rất tâm tư về vấn đề đầu tư cho khoa học. Tôi cũng rất muốn được tiếp tục câu chuyện về mối quan hệ giữa sức mạnh của tính du kích linh hoạt và xu thế tự động hóa trong công nghiệp quốc phòng, nhưng cứ ngại để thầy thức quá khuya, nên lại phải nhắc thầy đi nghỉ. “Không sao! tôi ngủ ít nhưng sáng mai vẫn sẽ tỉnh táo”, thấy thầy nói vậy, tôi không dám nhắc nữa. Từ đêm hôm đó, hai điều thầy căn dặn, tôi vẫn nhớ mãi. Thầy bảo, khi giảng dạy người ta phải chia nhỏ kiến thức thành các môn học để cho sinh viên tiếp thu được, nhưng để làm được việc, phải làm sao cho họ biết vận dụng kiến thức tổng hợp. Ngạc nhiên hơn, thầy còn nhắc: “Trường Bách Khoa các anh tự gọi là đại học Bách Khoa Hà nội đấy chứ, chắc là để dễ phân biệt với các trường Bách Khoa mới mở sau này, còn theo quyết định lúc thành lập năm 1956 thì chỉ ghi là đại học Bách Khoa thôi! Nói như thế, không phải là cốt dành lấy cái danh hiệu quốc gia để xin được thêm kinh phí đầu tư, mà ở chỗ cần phải tự xác định vị trí của mình, để ý thức được phải dạy với trách nhiệm quốc gia và phải học với ý thức tự tôn của một dân tộc!”.Tôi nhớ mãi lời dạy đó và đã truyền đạt lại đến lãnh đạo trường.

Với các kỹ sư công nghiệp quốc phòng

Trong những năm gần đây tôi lại có nhiều dịp, kết hợp với công tác của một trưởng ban trong hội đồng chấm giải thưởng Sáng tạo khoa học, được giao lưu với nhiều kỹ sư ở một số cơ sở công nghiệp quốc phòng. Phải nói là các bạn trẻ ở các cơ sở này gần đây có vẻ hăng hái hơn trước rất nhiều trong việc muốn làm chủ được các công nghệ cao để nâng tầm các sản phẩm của mình, với tinh thần vươn lên dành chiến thắng.

Trong những cuộc giao lưu về công nghệ đó, tôi rất cảm động khi thấy ở hầu hết các cơ sở đều nhắc đến GS Trần Đại Nghĩa, một trong số những người cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng nước ta. Họ học ở thầy khí phách anh hùng, trong hoàn cảnh khó khăn đến thế mà vẫn sáng tạo ra những vũ khí ngăn được bước tiến quân thù. Ngày nay thì đã có một ngành công nghiệp quốc phòng hoành tráng! Không phải lúc nào cũng cần đầu tư những khí tài cái gì cũng hiện đại nhất, mà quan trọng hơn là phải đầu tư cho sự sáng tạo khai thác những gì đang có. Đó là tư duy chiến lược, xuất phát từ GS Trần Đại Nghĩa, một nhà khoa học bậc thầy trong chỉ đạo phát triển công nghiệp quốc phòng nước nhà.

Trong một buổi giao lưu, có người kể lại rằng một chuyên gia nước ngoài nhận xét, trong khu vực này nhiều nước có thể mua được các loại vũ khí tối tân, nhưng ít có nước tự cải tiến, chế tạo và sản xuất được vũ khí hiện đại như Việt Nam. Một bước tiến quá xa, từ những súng Bazôka, súng phóng lựu, đạn chống tăng nổ hai lần, đến tên lửa vác vai hiện đại.v.v… Khi tên lửa được phóng thì nó như quả pháo, còn khi đã bay ra thì nó như một robot, biết tự tìm mục tiêu. Câu chuyện từ đấy, chúng tôi bàn luận đến đội Robocon của trường đại học kỹ thuật quân sự, mang tên Trần Đại Nghĩa ở TP.HCM và trường đại học Lạc Hồng ở Đồng Nai.

Robocon là trò chơi dùng công nghệ cao. Thật tự hào cho tuổi trẻ Việt Nam, trong 12 lần thi Robocon quốc tế ,thì ba lần đoạt chức vô địch, bốn lần giành giải nhì, còn lại là giải ba. Bài học thành công của Robocon là để chiến thắng phải biết sáng tạo, để sáng tạo phải biết tiếp thu các thành tựu của khoa học hiện đại! Chúng ta tin tưởng rằng với khí thế đó và với tinh thần noi gương Anh hùng lao động, GS.VS Trần Đại Nghĩa, thế hệ kỹ sư trẻ Việt Nam sẽ xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng thật hùng mạnh.

(Theo GS.TSKH.NGND Nguyễn Thiện Phúc/ Sài Gòn Tiếp Thị)