- "Nếu học sinh hoàn thành tốt bài làm, giáo viên có thể nhận xét: “Bài làm tốt, đáng khen.” hoặc “Thầy cô rất hài lòng về bài làm của em. Tiếp tục như thế em nhé”. Đây là một trong những hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM với giáo viên tiểu học khi chấm bài cho học sinh lớp 1.


{keywords}
Học sinh trong ngày khai giảng. Ảnh: Lê Huyền

Năm học 2013 - 2014, Bộ GD-ĐT khuyến khích các thầy cô giáo thay vì chấm điểm số thì đánh giá học sinh bằng lời khen.

Trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề nghị thầy cô không cho điểm học sinh lớp 1.

Đồng thời, giáo viên phải thường xuyên động viên, khuyến khích các em, không chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ động cơ nào, không tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Ngoài bài kiểm tra cuối năm, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học, kể cả bài kiểm tra thường xuyên.

Trong giai đoạn học sinh lớp 1 chưa đọc được nhận xét trong vở, giáo viên dùng những hình thức động viên kèm theo nhận xét bằng lời trực tiếp. Khi học sinh đã đọc được, giáo viên ghi nhận xét, lời phê trong vở.

Hướng dẫn này cũng nhấn mạnh việc giáo viên tuyệt đối không được sử dụng các hình thức chê trách (như ký hiệu mặt buồn hay đánh giá C, D…), mà nên có những hình thức động viên khi các em hoàn thành yêu cầu.

Khen trẻ như thế nào?

Văn bản cũng đưa ra những hướng dẫn đánh giá như sau:

Nếu học sinh hoàn thành tốt bài làm, GV có thể nhận xét: “Bài làm tốt, đáng khen.” hoặc “Thầy (Cô) rất hài lòng về bài làm của em. Tiếp tục như thế em nhé”

Học sinh hoàn thành bài làm đạt kết quả khá, GV có thể nhận xét: “Bài làm khá tốt, nếu …………… em sẽ có kết quả tốt hơn.” hoặc “Bài của em đã hoàn thành khá tốt. Để đạt kết quả tốt hơn, em cần …………………….

Học sinh hoàn thành bài làm, GV có thể nhận xét: “Em đã hoàn thành bài làm, nếu rèn thêm ………………., em sẽ có kết quả tốt hơn.” hoặc “bài làm đạt yêu cầu. Nếu em chú ý những vấn đề như ………………………., thì kết quả sẽ tốt hơn

Học sinh chưa hoàn thành bài làm, GV có thể nhận xét: “Em cần nỗ lực nhiều hơn, cần ……………….. và ………………Thầy (Cô) tin chắc em sẽ có kết quả tốt hơn.” hoặc “ Em đã cố gắng thực hiện bài làm. Nếu lưu ý những điểm như …………………… , em sẽ có kết quả cao hơn. “

Nếu học sinh có nhiều tiến bộ, GV có thể nhận xét: “Em đã có nhiều tiến bộ trong việc ……….. và ……… Thầy (Cô) tự hào về em”

Ngoài ra, GV phải đảm bảo số lần nhận xét tương ứng với số lần cho điểm như quy định trước đây.

Về đánh giá định kỳ, với các môn Tiếng Việt, Toán, Tin học, Tiếng dân tộc, ngoài bài kiểm tra cuối năm học được đánh giá bằng điểm số (không cho điểm 0 và điểm thập phân), các bài kiểm tra định kỳ như: giữa kỳ I, cuối kỳ I, giữa kỳ II được đánh giá bằng nhận xét như đánh giá thường xuyên.

Đối với môn Tiếng Anh và các ngoại ngữ khác, thực hiện đánh giá theo quy định của Đề án áp dụng riêng cho từng ngoại ngữ.

Đối với các môn Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Thủ công được đánh giá bằng nhận xét.

Về việc đánh giá thường xuyên, giáo viên phải thường xuyên quan sát, theo dõi học sinh trong quá trình học tập để đưa ra nhận định, động viên hoặc gợi ý, hỗ trợ kịp thời. Nhận xét của giáo viên dược tiến hành dưới các hình thức: nhận xét miệng qua từng bài học, nhận xét qua bài viết (dưới 20 phút), quan sát học sinh qua hoạt động học tập.

 

  • Nguyễn Thảo