- Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, việc phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi sẽ hoàn tất vào năm 2015. Trong khi nhiều tỉnh sớm về đích với cách làm hay thì một số địa phương loay hoay với bài toán khó này.
Một lớp của trẻ 5 tuổi thuộc Trường MN Dương Hòa, huyện Kiên Lương (Kiên Giang) phải học nhờ lớp của Trường TH Dương Hòa (Ảnh: Văn Chung). |
Ưu tiên “gốc” hay “ngọn”?
GĐ Sở GD-ĐT Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang cho biết: “Năm nào Kiên Giang cũng đạt tỉ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp ở mức 95%, 85% trẻ học 2 buổi/ngày (chưa đạt chuẩn phổ cập của Bộ GD-ĐT). Tỉnh muốn tập trung cho trẻ 5 tuổi thì không còn chỗ cho trẻ 3-4 tuổi. Mà 5 tuổi chỉ là ngọn của mầm non, cần bắt đầu từ nhóm trẻ 3-4 tuổi.
Hơn nữa, vùng đô thị có nhiều khu công nghiệp nhu cầu gửi trẻ 3-4 tuổi của người lao động rất lớn. Ở nhiều nơi, người lao động nghèo muốn gửi con cho trường. Họ không có tiền gửi con ra trường tư thục nên tỉ lệ trên của Kiên Giang khó lòng bắt kịp chuẩn quy định của Bộ” – bà Giang cho biết.
Đến nay, Kiên Giang vẫn còn 53 xã chưa có trường mầm non, số lớp học nhờ ở các trường tiểu học còn nhiều (431 lớp) gây khó khăn cho nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ,…
Chỉ còn 2 năm nữa trong thời gian từ 2010-2015 của đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi trên cả nước. Nhưng bà Giang lo lắng khó có thể đạt các tiêu chí vào hạn chót 2015.
Tại Yên Bái, ông Trần Xuân Hưng, Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái cho biết: “Ban đầu chúng tôi dự kiến năm 2014 phấn đấu đạt chuẩn phổ cập nhưng giờ phải xin phép điều chỉnh chậm lại một năm. Số xã chưa được phổ cập còn lại không nhiều nhưng lại chủ yếu nằm ở hai huyện nghèo là Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Tỉnh rất quyết tâm nhưng nhiều khó khăn.”
Hiện nay Yên Bái còn thiếu 316 phòng học mầm non, chủ yếu là thiếu ở các điểm trường đóng tại thôn bản. Để có chỗ học cho trẻ, ngành GD&ĐT Yên Bái phải mượn các nhà văn hóa thôn, bản.
Tương tự như Kiên Giang, trước đây các cô giáo ở Yên Bái phải vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp thì nay nhiều nơi phải “lờ” đi với trẻ dưới 36 tháng tuổi khi nhu cầu gửi trẻ của người dân tăng cao, trường lớp không đáp ứng đủ.
Bà Lê Thị Kim Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết, để đạt mục tiêu phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi vào năm 2015, tỉnh An Giang đã phải “bóp” số lớp 3, 4 tuổi, ưu tiên cho lớp 5 tuổi.
Trẻ em ở Vĩnh Phúc được học trong những ngôi trường khang trang, sạch sẽ. (Ảnh: Văn Chung) |
Thiếu đủ thứ
Tại Cà Mau, năm qua số trường đã tăng lên 6 nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân, đặc biệt ở các địa bàn thuộc thành phố Cà Mau và các thị trấn. Cấp mầm non tỉ lệ huy động trẻ từ 0-2 tuổi đầu năm 2013-2014 mới đạt 60%, trẻ 3-5 tuổi ước đạt 85%, riêng trẻ 5 tuổi đến lớp ước đạt 89%.
Hiện toàn tỉnh vẫn còn 298 phòng học phải học nhờ của trường tiểu học, một số phòng chưa đủ diện tích, bàn ghế đúng quy cách.
GĐ Nguyễn Thị Minh Giang cho biết thêm: Ngân sách chi thường xuyên của Kiên Giang cho giáo dục tới 2.200 tỷ đồng/tổng 4.600 tỷ đồng cho các hoạt động nhưng với gần 1,7 triệu dân, hơn 300.000 HS và gần 23.000 GV số tiền trên “là sự ưu tiên đặc biệt cho giáo dục nhưng vẫn không đủ để đầu tư cho trường lớp, giáo viên”.
Theo bà Giang: “Xuất phát điểm của Kiên Giang trong đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi rất thấp. Khi đó chúng tôi chỉ có 78 trường mầm non. Theo quy định phải mở thêm 145 trường riêng biệt. Đó là chưa tính các điểm trường lẻ.
Nhưng mở ra như vậy lại vướng biên chế cho các GV. Việc này địa phương không quyết được. Hiện Sở GD-ĐT vẫn đang chuẩn bị hồ sơ gửi Bộ Nội vụ và nhờ Bộ GD-ĐT có ý kiến giải quyết.
Tuy nhiên lo đủ biên chế đã khó, ngân sách tỉnh cũng khó đáp ứng cho đội ngũ cấp dưỡng. Một số trường, GV của chúng tôi buộc phải kiêm luôn người cấp dưỡng mà không được hưởng chế độ gì”.
Theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, việc phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi sẽ hoàn tất vào năm 2015. Tuy nhiên, tại hội nghị Tổng kết năm học 2012-2013 và phương hướng nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2013-2014 vừa diễn ra trước thềm năm học mới 2013-2014, các địa phương cho rằng để đạt mục tiêu này còn rất nhiều thách thức, khó khăn để thực hiện phổ cập trẻ 5 tuổi theo tiến độ đề ra vì thiếu trường lớp, giáo viên.
Cụ thể, vẫn còn 35% số tỉnh, thành phố chưa có huyện nào đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Một số địa phương có tỷ lệ số xã đạt phổ cập rất thấp như Kiên Giang đạt 4,8%, Sóc Trăng đạt 6,4%, An Giang đạt 9%...
Theo Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD-ĐT hiện cả nước còn thiếu hơn 20.523 giáo viên và có hơn 9.600 giáo viên chưa đạt chuẩn. Chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở một số địa phương chưa cao, đặc biệt là miền núi, lớp ghép. Một số địa phương nỗ lực để phổ cập mầm non 5 tuổi đúng lộ trình nhưng lại phải trả giá khá “đắt.”
• Văn Chung