- Câu chuyện đào tạo ngành y tràn lan kiểu “dễ như mua bánh mỳ” khiến nhiều độc giả không khỏi bức xúc. Minh chứng xót xót là những ví dụ đau lòng từ sự tắc trách, kém chuyên môn, đạo đức của bác sĩ các bệnh viện.

Sao cũng vào được trường y

Là bác sĩ, bạn đọc có địa chỉ email iwtfd2003@...khẳng định: “Vâng, đào tạo ngành Y ở VN hiện nay phải nói là cực kỳ dễ dãi. Tôi cũng là một bác sỹ. Thời của tôi, thi vào trường Y thật chật vật. Vào trường rồi còn học vất vả hơn nhiều lần. Thế mà bây giờ, các cháu không đủ trình độ thi ĐH thì thi vào (hoặc thậm chí chỉ nộp hồ sơ vào) một trường trung cấp Y nào đó. Trường tuyển bằng cách lấy điểm thi ĐH của các cháu làm chuẩn và thậm chí thi chỉ được 5-6 điểm cũng vào học”.

{keywords}

Sinh viên ngành điều dưỡng đang đi thực tế ở một bệnh viện.(Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị).

Thực trạng trường y lấy điểm bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn ĐH diễn ra ở cả trường công lập lẫn ngoài công lập như: Trường ĐH Trà Vinh (từ 13,5-17 điểm); Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang): 17 điểm. Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) tuyển ngành dược sĩ ĐH (khối A/B) với điểm chuẩn 16/17 điểm. Trường ĐH Hồng Bàng đào tạo ngành điều dưỡng và kỹ thuật y học (xét nghiệm y khoa) bậc ĐH có điểm chuẩn bằng sàn khối B 14 điểm.

Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, bậc ĐH ngành dược sĩ (khối A/B) điểm chuẩn là 16, điều dưỡng (khối B) bằng sàn. Trường ĐH Nam Cần Thơ vừa được thành lập, tuyển sinh năm đầu tiên với điểm chuẩn ngành dược (khối A/B) cũng bằng điểm sàn.

Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) tuyển ngành dược sĩ ĐH (khối A/B) và ngành điều dưỡng (khối B) đều có điểm chuẩn NV1 bằng sàn. Nhưng điều bất ngờ nhất là năm nay những thí sinh dưới điểm sàn cũng có thể trúng tuyển vào ngành dược sĩ và điều dưỡng của trường này. Theo đó, các thí sinh có hộ khẩu thường trú ba năm trở lên (tính đến thời điểm nộp hồ sơ) tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Nam bộ, Tây Bắc, Tây nguyên trường xác định mức điểm trúng tuyển các ngành ĐH, CĐ thấp hơn mức điểm trúng tuyển không quá 1 điểm (khối A 12 điểm, khối B 13 điểm).

Dân lãnh đủ

“Cháu tôi đang học hệ đại học chính quy. Vậy mà nó kể chuyện nhiều sinh viên thi chứng chỉ các môn bằng tiền....một số nữ sinh thi bằng ....vốn tự có. Thế nên chất lượng bác sĩ ra trường có bằng cấp mà không có kiến thức mới nhiều như ngày nay.

Và người dân hứng đủ những hậu quả nhất là tai biến sản khoa-những tai biến khó lường nhất. Sự bất cập trong đào tạo ngành y và sự bất cập giữa giáo dục và y tế đã đưa ngành y nước nhà đến bờ vực” – bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Tâm xót xa tâm sự.

{keywords}

Việc học tập của các sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội khá vất vả. (Văn Chung).

Bạn đọc có email thamelove_64@... bức xúc: “Tình hình bác sĩ bây giờ ôi thôi khỏi bàn, nhất là mấy tỉnh lẻ bác sĩ rất dốt. Tôi đã gặp nhiều trường hợp như BS ĐKT phản ánh trên kia, đúng là dấu dốt không chịu chuyển tuyến đến khi chịu chuyển thì đã quá muộn cho bệnh nhân, rất nhiều trường hợp tử vong chỉ vì sự ngu dốt đó”.

“Các cơ sở đào tạo theo phong trào, dễ ăn chụp giựt đã đành. Ai là người ký quyết định cho phép đào tạo mới là tội đồ chính. Vậy cơ quan quản lý thì làm việc gì hay khi các cơ sở mang hồ sơ ra xin phép kèm theo phong bì là mọi việc được ngay, chỉ chết dân thôi”.           

Từ bài viết Đào tạo nhân lực y tế dễ dãi: Giá nào phải trả?, bạn đọc iwtfd2003@...bổ sung:Sau hai năm học lớt phớt như bài báo đã nêu, các cháu tốt nghiệp với tấm bằng Y sỹ (được phép khám bệnh và kê đơn). Sau đó, các y sỹ lớt phớt này sẽ tìm cách đi học liên thông lên ĐH và trở thành BS dù khả năng học tập cực kỳ kém.

Rồi khi ra nghề, chữa bệnh cho bệnh nhân bằng cách cầu may. Khi gặp những bệnh khó thì giấu dốt và không chuyển tuyến cấp cứu. Kết quả là bệnh nhân tử vong không phải vì BS thiếu trách nhiệm mà vì BS dốt quá tới mức không biết trách nhiệm của mình đến đâu”.

Lỗi ở đâu?

Tâm sự trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Đức Hinh (hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội) không khỏi lo lắng với hiện trạng đào tạo cở các trường ngoài công lập vì số lượng sinh viên - học viên được cấp phép lên tới hàng ngàn em/năm/trường. Trong khi Trường ĐH Y Hà Nội mỗi năm có 550-600 bác sĩ ra trường.

{keywords}
Sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội trong giờ học lý thuyết (Ảnh: Văn Chung)

Ông Hinh cho hay: “Nhiều cơ sở đào tạo y khoa không có đủ giảng viên, cách làm thường thấy là ký hợp đồng với các giảng viên hoặc thầy thuốc đang làm việc tại cơ sở công lập, hoặc các giảng viên đã nghỉ hưu. Khi đoàn thẩm định đến thì căn cứ trên hợp đồng đã ký, lượng giảng viên có thể đủ, nhưng thực tế vì đây là việc “tay trái”, có khi giảng viên bận làm việc ở cơ sở chính, không đủ thời gian đi giảng theo hợp đồng tại các trường”.

Việc chỉ cần đáp ứng quy định về số giảng viên, diện tích phòng, chương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT là các trường tư thục có thể mở mã ngành khoa học sức khỏe chính là lỗ hổng để nhiều trường lách luật.

Cũng theo tìm hiểu của báo này, hiện nay cơ sở vật chất của nhiều trường đang trong tình trạng phòng thí nghiệm có “vỏ”, chưa có “ruột” và dạy tới đâu mua sắm tới đó như Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ), Trường ĐH Trà Vinh, Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang).

“Nghị Quyết 46 của Bộ Chính trị đã nói: Nghề y là một nghề đặc biệt phải được tuyển chọn, đào tạo và có chế độ đặc biệt. Nhưng chưa thấy đào tạo đặc biệt và chế độ đặc biệt đâu? Ai cấp phép cho những cơ sở đào tạo không đủ nhân lực, vật lực đào tạo nghề y? Theo tôi đào tạo ngành y về số lượng và chất lượng phải có chuyên gia của bộ y tế thẩm định” – bạn đọc Mạnh Tuấn nêu ý kiến.

Để xảy ra tình trạng này, độc giả An Vũ bức xúc: “Tôi muốn truy trách nhiệm này của Bộ GD-ĐT. Tại sao các ông lại dễ dãi cho mo trường lớp y tế? Trách nhiệm người đứng đầu ngành là như thế nào?”

Ở cái nhìn bao quát hơn, độc giả Nguyễn Nguyên nêu ý kiến: Tôi mong Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế nghiêm cấm đào tạo kiểu này. Và mong các thầy cô, vì tương lai của nghành Y , đừng nên tham gia giảng dạy các lớp thiếu trình độ như thê này”.

  • Phong Đăng (tổng hợp)