- "Tôi nhớ quê hương tôi, nhiều khi trào nước mắt. Những người đi thích đi châu Âu, đi châu Phi, đi vòng quanh thế giới, họ có suy nghĩ và ước mơ riêng của họ. Còn ước muốn một đời của tôi là đi cho hết đất nước mình".
Trên dòng sông Quây Sơn, dưới chân Thác Bản Giốc, nhiều hàng hóa, đồ lưu niệm Việt Nam được bày bán. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Có, tôi có nhớ chứ.
Tôi đọc Tú Xương, muốn đi Nam Định để xem con ngựa gỗ què một chânng trước nhà cụ xứ có còn không. Tôi muốn đến đứng trước mảnh sân nơi ông Tú đưa đồng bạc mà hỏi ông cử Cóc võ nghệ tinh thông có đánh nổi một con mụ đầm xòe này không. Tôi cố tưởng tượng mảnh đất Vị Hoàng thời ấy, có nghè Bân và ấm Kỷ, có cử Nhu, hàn Tịch, bà Hanh Tụ, chú Sìu Châu, lại có một ông Tú thi cả thảy tám lần không đỗ, thất thời lỡ vận, cứ sáng mang ô đi tối lại cắp ô về.
Đọc Trương Định, tôi nhớ Gò Công, nơi con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất. Không biết có ai ở Gò Công còn nhớ Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định, nhớ các bà Lê Thị Thưởng, Trần Thị Sanh không? Có nhớ câu hò "Giặc Tây xâm chiếm cõi bờ, chàng đi giết giặc thiếp chờ năm canh" không? Hay ông bà nay cũng chỉ là tên một con phố, một đoạn đường, người ta chỉ nhắc đến khi bàn chuyện đất đai, và những câu hò là chuyện của những người đã cũ? Tôi vẫn nghe nói bản chất của con người ta từ khi mới lọt lòng mẹ đã là vô ơn.
Tôi muốn đi xuồng trên dòng kinh Ngã Bảy, ở ngã ba sông rộng mênh mông những cây đước, cây dừa. Tôi nhớ năm ấy chúng tôi dậy từ lúc gà còn chưa gáy, chạy xe máy một mạch từ Sóc Trăng, đến Cà Mau lúc tám giờ sáng. Đó là lần thứ hai tôi gặp chị Tư, chị nói "Tụi mầy đi chơi mà như đi ăn cướp." Tôi nhớ năm ấy hình như người ta chưa dùng từ phượt.
Tôi muốn lại vào chùa Mía, muốn ngồi uống nước chè trước cổng thành cổ Sơn Tây. Thành cổ Sơn Tây ban đêm người ta thắp đèn điện mờ mờ, có thảm cỏ và mấy cây đại nở hoa trắng. Chùa Mía cũ, có những cái lu lớn bằng sành đặt trước sân. Từ Sơn Tây qua Phú Thọ bằng một chiếc đò ngang, có con đê chạy dọc theo bờ sông Hồng. Người ta cấy lúa ở những mảnh ruộng dưới triền đê ấy.
Tôi muốn đi Thái Nguyên thăm ông Lắm và ngọn đèn hột vịt. Con đường từ Hà Nội lên Thái Nguyên đầy bụi bặm. Chợ Thái Nguyên ban ngày vui, bán nhiều búp chè khô, nhưng ban đêm thì buồn. Thái Nguyên bây giờ ra sao? Ông già Lắm bây giờ ra sao? Tôi không biết. Có những người ta chỉ gặp một lần trong đời, rồi thôi.
Tôi thèm được rong ruổi trên con đường Tú Lệ. Tôi nhớ cảm giác đứng một mình trên đỉnh đèo Khau Phạ cao một nghìn hai trăm mét lúc đồng hồ chỉ năm giờ rưỡi chiều. Họa hoằn lắm mới có một người Mèo cõng bó củi đi ngang qua trong màn sương trắng mịt mù, cách chừng năm mét không nhìn rõ. Tôi đi xe máy qua những khúc cua tay áo, những đoạn đường núi ngoằn ngoèo, mấy lần suýt rơi xuống vực, đến Mù Cang Chải đúng lúc trời sập tối. Mù Cang Chải mùa này lạnh không nhỉ? Bà cụ già đã cho tôi ở nhờ tối hôm ấy, và run run hỏi "Sao cháu cho bà nhiều thế?" khi tôi dúi biếu bà ít tiền sáng hôm sau, có còn khỏe mạnh không? Chú bé nhoẻn nụ cười hiền lành khi bảo "À anh biết chị Lý à, hôm nọ em có nghe chị ấy hát ở trường" rồi năm ấy có đậu đại học không? Con suối sau nhà có còn chảy ầm ào không?
Tôi cũng nhớ quê tôi, mảnh đất mà mỗi lần nhắc đến tôi lại nói đùa là không có nổi một cái tên trên bản đồ. Quê tôi nghèo khổ đói rách, không có ai biết hát "À ơi táo rụng sân đình, thương anh một mình, một mình nhớ em," chỉ có một chị bị điên từ lúc nào không rõ vẫn hay lang thang ở chợ Bến Dầu. Bọn con nít chúng tôi chọc nhau, nói "Mi điên như Thu Yên Bến Dầu." Tết năm ngoái tôi về, chợ Bến Dầu tiêu điều xơ xác, gió từ sông thổi vào lán chợ nghe u u. Ngôi trường thuở nhỏ tôi học, đằng sau có mấy cây trâm ra trái từng chùm màu tím, bây giờ là bãi cỏ hoang, người ta cho bò ăn. Tôi muốn viết về làng tôi, mà lần lữa mãi đến giờ vẫn chưa viết được.
Nên bạn ạ, tôi nhớ chứ. Tôi nhớ quê hương tôi, nhiều khi trào nước mắt. Những người đi thích đi châu Âu, đi châu Phi, đi vòng quanh thế giới, họ có suy nghĩ và ước mơ riêng của họ. Còn ước muốn một đời của tôi là đi cho hết đất nước mình. Cũng có lúc tôi tiếc tôi không sinh ra khoảng năm sáu mươi năm về trước, lúc còn chiến tranh bom đạn, để hiểu hơn về những thứ đã mất đi không còn tìm lại được nữa. Nhưng rồi tôi lại mừng cho mình không phải chịu nỗi đau của những con người bị buộc phải rời bỏ quê hương, xa lìa xứ sở, cái nỗi đau mà tôi biết là tôi không bao giờ hiểu hết. Vì có biết bao nhiêu chuyện tôi không bao giờ hiểu hết, từ những chuyện thoạt nghe có vẻ như là đơn giản lắm. Như lúc đi lang thang ở Mù Cang Chải, dưới những thửa ruộng bậc thang, tôi gặp một anh đứng bên trụ xăng bơm có hàm răng vẩu nửa vàng nửa đen, anh vẫy tay cười với tôi và nói to một câu rất dài bằng tiếng Mèo.
Phan An