- Khi đã mang về được bốn vali tiền từ nước Mỹ, tôi sẽ bảo mẹ rằng điều tôi nhớ nhất trong những tháng năm tuổi trẻ, là mùa hè về nhà, lúc mẹ đèo tôi đi mua đồ giữa lúc ban chiều nắng nỏ.
Ngày bé mọi người trong nhà hay bảo lớn lên con thích làm gì.
Chẳng biết tôi học được ở đâu mà khẳng định như đinh đóng cột “Sau này con đi Mỹ, lúc về mang bốn vali tiền, một vali cho ba, một vali cho mẹ, một vali cho bà nội, một vali cho bà ngoại!”
Tôi còn nhớ ông ngoại dỗi ghê lắm vì chẳng có vali nào cho ông. Cả nhà cứ thế nhìn nhau cười. Ngày ấy kinh tế khó khăn, đến bữa ăn ba mẹ cũng nặng lòng, ai mà nghĩ sẽ cho tôi đi Mỹ thật.
Chỉ có trong đầu óc non trẻ của tôi, cái duyên tưởng tượng với một nơi mình chẳng biết dáng biết hình cứ vô thức bắt rễ lớn dần, đến cả tôi cũng chẳng thể ngờ. Ấy thế mà mẹ biết, mẹ lúc nào cũng biết hết mọi thứ.
Lúc tôi lên mười bốn thì mẹ sang châu Phi một mình, làm chuyên gia y tế. Mẹ gọi chị em tôi ra, bảo nhà khó khăn quá, mẹ đi vài năm thôi để xây được cái nhà, hai đứa chăm lo cho nhau, nghe lời ba.
Năm đầu tiên nhà bị nổ bình ga lúc mẹ đang đứng gần, đón mẹ ở sân bay về thấy tóc mái mới mọc được chút chút, ba bố con cười ra nước mắt luôn được.
Năm thứ hai thì ô tô tải giữa trưa đi lạc đâm vào khu nhà chuyên gia, máy nghe nhạc Walkman mẹ mang sang nghe nhạc Hà Nội để trong tủ đứng bị cán vụn, may mà người không làm sao.
Năm mẹ về nhà, có nhà mới, chị tôi tốt nghiệp đại học, mẹ mới gọi tôi ra tỉ tê, cho con đi du học như nguyên vọng của con. Con sang bên ấy chi tiêu tiết kiệm. Mẹ cho con vay tiền, học hành xong con trả lại hết cho mẹ.
Chỉ vì câu nói đó mà đến trước ngày lên máy bay, tôi giận dỗi cãi nhau với mẹ một trận rất to, đến lúc quay lưng cũng không nói lời nào với mẹ. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ, sao mẹ coi trọng tiền còn hơn cả con gái mẹ?
Ngày 17/8/2011, tôi đến Mỹ. Tôi đến Mỹ. Như tất cả những gì trái tim mách bảo.
Về đến trường tôi ngủ quay quắt 12 tiếng liền mới thèm tỉnh dậy dỡ hành lí, mới phát hiện trong vali giữa những thức ăn khô, quần áo chật cứng, nằm gọn gàng những vỉ thuốc buộc ngay ngắn theo loại, mỗi loại có một tờ giấy bé tí xíu mẹ viết tay, ghi công dụng của thuốc, liều lượng, giờ uống.
Cho tất cả những bệnh vặt mà tôi hay bị.
Cho tất cả những bệnh vặt mà mẹ nghĩ tôi sẽ bị.
Mẹ con là bác sĩ. Mẹ ơi đến đón con về…
Tôi ngồi thụp xuống bên tủ thuốc khóc nức nở đến bao lâu tôi cũng không còn biết nữa. Tôi như già đi cả năm trời sau trận khóc ấy, trận khóc tôi chưa bao giờ kể cho mẹ.
Sau khi nước mắt khô rồi, mọi thứ bỗng trở nên rõ ràng biết mấy, tôi bỗng lại hiểu tất cả những điều mẹ nói mẹ làm, hiểu đằng sau giấc mơ Mỹ của mỗi người đều là sự hy sinh của một hay nhiều ai đó. Những ai đó thương yêu trong đời.
Tôi ưa cái tự do ở nước Mỹ vô cùng. Tự do di chuyển giữa những vùng trời mới. Yêu ở New York, ăn ở Philly. Chạy đuổi theo những bông hoa giấy lấp lánh trên 7th Avenue sau phút giao thừa. Trăng trên những nóc nhà vào buổi đêm ở miền ngoại ô, và những chiều nắng ấm nằm sưởi trên thảm cỏ dày.
Nhưng trong suốt những sự tự do, mà có khi là không thực ấy, tôi vẫn luôn nhớ những năm mẹ vất vả kiếm tiền cho tôi đôi cánh bay.
Và rồi khi đã mang về được bốn vali tiền từ nước Mỹ, tôi sẽ bảo mẹ rằng điều tôi nhớ nhất trong những tháng năm tuổi trẻ, là mùa hè về nhà, lúc mẹ đèo tôi đi mua đồ giữa lúc ban chiều nắng nỏ, dừng xe ở ngã tư, mẹ nhẹ nhàng buông hai tay xuống để che cho đôi chân con gái không chịu mặc quần dài. Tôi cứ nhớ mãi những thứ như vậy.
- Phùng Thị Mai Hương (sinh viên năm thứ 3, Wesleyan College, Georgia)
Bài đoạt giải Khuyến khích cuộc thi "Hành trình nước Mỹ" do của Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ tổ chức.