- Đề xuất đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT được độc giả bàn luận khá sôi nổi và đưa ra nhiều đề xuất.

{keywords}
Ảnh minh họa

Tự chủ tuyển sinh sẽ rất nhiều tiêu cực

Phản đối việc dùng kết quả thi tốt nghiệp để xét vào đại học hay bỏ kỳ thi đại học để các trường tự chủ tuyển sinh, độc giả Lê Tùng Lâm đưa lý do: “Kỳ thi đại học được coi là khá khách quan, vô tư, nghiêm ngặt mà các trường còn tìm mọi cách vơ vét thí sinh, nếu để từng trường tuyển sinh thì tình trạng sẽ ra sao? Lấy kết quả tốt nghiệp phổ thông để xét vào đại học thì với những ai có quyền, thế thân quen ở địa phương dù con có dốt đến mức nào cũng sẽ có kết quả tốt nghiệp khá cả”.

Ngược lại, anh Bùi Tống Sơn khẳng định, nếu các trường tuyển sinh và đào tạo không đảm bảo chất lượng, hãy để thị trường nhân lực tự đào thải. “Các trường ĐH, CĐ nếu chất lượng đào tạo không đảm bảo, thì cứ coi như là xuống cấp và phá sản. Sự chọn lọc tự nhiên sẽ làm công việc của nó”.

Đồng tình với ý kiến không để các trường tự tuyển sinh, bạn đọc Nguyễn Gia Thọ lập luận: “đã học thì phải thi, nếu bỏ thi thì học sinh sẽ không học. Nếu để các trường tự xét tuyển thì sẽ không có được sự công bằng, thậm chí sẽ rất lộn xộn”.

Một độc giả khác khẳng định “khi nào không còn tình trạng học sinh thi tốt nghiệp được ‘tạo điều kiện’ thì hãy áp dụng hình thức này.

“Về cơ bản, cần bỏ thi tốt nghiệp và duy trì thi đại học. Đặc biệt, điểm sàn phải là 20 điểm. Sau khi SV tốt nghiệp không phải đi xin việc nữa. Như thế mới gọi là đổi mới” – ý kiến của anh Huy Trung.

Chị Phạm Hương đề xuất bỏ thi tốt nghiệp PTTH, nhưng hãy cân nhắc duy trì thi tuyển sinh ĐH-CĐ, vì “cho đến thời điểm này chỉ còn duy nhất kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ là còn nghiêm túc, đánh giá thực chất kết quả học tập; và tình trạng tiêu cực là rất thấp. Nếu tuyển sinh bằng xét tuyển thì sẽ nảy sinh rất nhiều tiêu cực”.

Ngoài ra, còn nhiều đề xuất khác như chỉ thi tốt nghiệp các môn: sử, địa, hóa sinh… Văn và Toán chỉ dành cho thi đại học. Hay chỉ thi tốt nghiệp Văn và Toán là đủ.

Có làm còn hơn không

Độc giả Văn Võ đánh giá cao những nỗ lực của các nhà lãnh đạo giáo dục. “Phải thay đổi ngay thôi để còn theo kịp với thời đại và thế giới . Tuy muộn nhưng còn hơn không . Có thể gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn phải bắt đầu, sai đâu sửa đấy”.

Trong khi đó, một số độc giả cho rằng những đề xuất đổi mới của Bộ vẫn chỉ là “đẽo cày giữa đường”, “bình cũ rượu mới”…

“Tôi không có hy vọng tương lai giáo dục sẽ tiến bộ. Bộ GD chỉ cần nêu ra yêu cầu, sau đó chọn nhà tư vấn chuyên nghiệp về giáo dục để có giải pháp thực hiện chi tiết và hiệu quả nhất cho giáo dục Việt Nam. Xin đừng lấy con cháu chúng ta ra thử nghiệm hoài mà kết quả vẫn không tốt hơn” – đề xuất của độc giả Anh Khoa.

Bạn đọc Tân Nguyễn cũng đưa ra một đề xuất mới mẻ “Nhà nước nên ra luật thi cử. Để những ai vi phạm thì có cơ sở xử lý luôn. Như vậy vẩn tốt hơn chuyện để các trường, thanh tra xử lý nhiều khi chưa thống nhất, công bằng”.

Về vấn đề tuyển sinh, độc giả này cho rằng Bộ nên kết hợp với các trường. “Vẫn thi 3 môn bắt buộc của Bộ, cộng thêm 3 môn của ngành học tại trường đại học. Sẽ có nhiều bộ đề phù hợp với chuyên ngành cho thí sinh chọn như: Khoa học kỹ thuật, xã hội, mỹ thuật, hội họa,....”

Anh Thế Đức cho rằng cần học tập nền giáo dục của các quốc gia phát triển: “Một nguyên tắc quan trọng cần được áp dụng trong giáo dục, đó là ai cũng có quyền được học tập, không phải chỉ để lập nghiệp mà còn là nâng cao dân trí và sự hiểu biết. Do đó, ngành giáo dục ở các nước phát triển, người ta không quá hạn chế đầu vào đến mức nhiều người muốn học mà không được học. Nhưng ngược lại, họ luôn hết sức nghiêm túc và khách quan trong việc kiểm tra đánh giá đầu ra. Vì kết quả học tập sau khi học mới thể hiện quá trình nỗ lực học tập và rèn luyện của mỗi người học mà cần phải được đánh giá khách quan”.

  • Nguyễn Thảo (tổng hợp)