- Ông Đặng Hoàng Giang - thành viên nhóm phát triển mô hình giám sát chính sách PAPI - đã nói như vậy tại buổi trò chuyện cuối tuần vừa qua với khoảng 300 sinh viên, thanh niên đang học tập, sinh sống tại Hà Nội trong chủ đề "Chúng tôi thay đổi thế giới".

Những chia sẻ của các diễn giả khiến thanh niên hiểu rằng xã hội dân sự không phải là một khái nhiệm xa lạ, cao siêu, mà là những gì vốn gần gũi, với các hình thức đa dạng mà chính họ góp phần phát triển trong quá trình làm tình nguyện. Khi thực hiện các hoạt động như từ thiện, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng... là họ đang đóng góp vào xã hội dân sự.

{keywords}

Các bạn thanh niên thể hiện sự cam kết tham gia XHDS bằng cách hô vang khẩu hiệu: "Chúng tôi thay đổi thế giới". Ảnh: isee

Trước đề nghị nhận xét về sự đóng góp của thanh niên đối với xã hội hiện nay, ông Đặng Hoàng Giang - thành viên nhóm phát triển mô hình giám sát chính sách PAPI - cho biết ông đã có nhiều năm sống ở nước ngoài, theo dõi hoạt động của thanh nhiên nước ngoài và nhận ra được sự khác biệt giữa họ với thanh niên Việt Nam. "Thanh niên nước ngoài lên tiếng, xuống đường biểu tình về cả những vấn đề không liên quan trực tiếp đến các bạn. Còn ở Việt Nam, có thể vì không được khuyến khích, nên thanh niên không có truyền thống thể hiện mối quan tâm với những vấn đề không sát sườn. Bên cạnh đó, văn hóa truyền thống cũng không khuyến khích thanh niên đứng lên phản đối thầy cô, bố mẹ, kể cả khi họ sai".

TIN LIÊN QUAN

Ông Huỳnh Minh Thảo - nhà vận động xã hội về quyền của người đồng tính, song tính, chuyển giới - thì nhận thấy sự khác biệt trong việc đóng góp cho xã hội của các bạn trẻ ở mỗi miền. "Với các bạn miền Nam, tham gia công tác xã hội tức là làm những việc từ thiện, như chiến dịch Mùa hè xanh, xây nhà, xây cầu cho người nghèo… Còn ở miền Trung các bạn thích trực tiếp làm những việc cho môi trường đang sống như liên quan đến nhà trường, công sở.

Các bạn ở Hà Nội nhắm nhiều đến mảng làm các dự án liên quan trực tiếp đến thanh niên, môi trường, cuộc sống.

Với tư cách cá nhân, tôi tôn trọng cách thể hiện, góp sức của tất cả mọi người. Đây là cách thể hiện quyền năng của mọi người trong xã hội".

Chị Nguyễn Thị Khánh Thương, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội), người đứng đầu mạng lưới ung thư vú Việt Nam (BCNV) - lại "có cả sự hài lòng lẫn không hài lòng trong việc đóng góp của các bạn thanh niên hiện nay:

"Với tư cách người đứng đầu mạng lưới BCNV, tôi rất cảm ơn các bạn tình nguyện viên đã đóng góp rất nhiều thời gian, kỹ năng cho công việc hỗ trợ bệnh nhân. Tôi không hài lòng ở chỗ có rất nhiều người muốn giúp mà họ không biết làm như thế nào để giúp.

Còn với tư cách là giảng viên đại học, tôi luôn đề nghị sinh viên đặt câu hỏi trong mỗi giờ giảng, kể cả hỏi về những vấn đề không liên quan. Thế nhưng tôi thường phải chờ "dài cổ" không thấy ai hỏi. Kể cả khi đề nghị các bạn sinh viên về chuẩn bị để tiết sau đặt câu hỏi thì rồi cũng không thấy ai.

Việc nói lên chính kiến là hành động còn xa lạ với nhiều bạn thanh niên".

Ông Giang bày tỏ hy vọng: "Các bạn thanh niên, với sự tôn kính, hãy đứng lên nói ra ý kiến của mình dù với người lớn tuổi hơn, ở vị trí cao hơn, về trường học, kể cả về những vấn đề không liên quan. Điều này thể hiện tinh thần dân sự của các bạn".

Quan trọng là “ai cần ai?”

Anh Nguyễn Minh Quyền, một dược sĩ ra trường chưa lâu, bày tỏ sự băn khoăn khi sinh viên những năm đầu rất quan tâm đến các vấn đề xã hội, nhưng đến khi ra trường, đi làm, trở thành những người có tiềm năng, tiềm lực thật sự, thì lại ít thấy tham gia. Câu hỏi đặt ra của anh Quyền là "Giải quyết vấn đề này như thế nào?"

Câu trả lời của ông Đặng Hoàng Giang là "Ngoài trách nhiệm của người lớn với thanh niên, thanh niên còn có trách nhiệm thay đổi người lớn".

Ông Huỳnh Minh Thảo lại đề xuất các đơn vị kinh tế cần xây dựng cho nhân viên ý thức quan tâm đến những công việc khác ngoài việc làm lợi cho công ty. "Xã hội hiện nay đang thiếu ở mảng đó. Nếu như cứ chờ đến khi thành công rồi mới quay lại phục vụ xã hội thì chưa khai thác được hết tiềm năng.

Tôi mong có dự án cho các chủ doanh nghiệp về ý thức góp sức vào xây dựng xã hội".

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn nhận hiện tượng khi trẻ hăng hái, về già co mình là do môi trường. "Khi trẻ nông nổi hăng hái, nhưng đôi khi rơi vào cảm giác ngây thơ khi nhiệt huyết nguội lạnh, vì sự hăng hái của mình không tạo ra được hiệu ứng. Đây là trách nhiệm của xã hội, của người lớn.

Khi trẻ người ta hay đặt câu hỏi ai thắng ai? Trung niên đặt câu hỏi ai hơn ai? Không ai thắng hết, và cũng chẳng ai hơn ai hết. Câu hỏi "ai cần đến ai?" mới quan trọng. Trả lời câu hỏi này tức là tạo được mối tương quan giữa mình và xã hội, trở thành người có năng lực để nhiều người cần đến mình, nhiều khả năng giúp đỡ mọi người và tạo cơ hội cho chính mình".

"Có hai đức tính cần thiết với mỗi người là dũng cảm và kiên trì" - ông Đặng Hoàng Giang chia sẻ. "Dũng cảm không phải để... đi "giết rồng", mà để sống thật. Ví dụ: không "đi thầy", không đưa tiền cảnh sát giáo thông, nói khi bố mẹ sai...

Và hãy giữ năng lượng, sức khỏe, sự khôn khéo, tri thức... một cách tốt nhất cho mục tiêu của chúng ta, có thể không hoàn thành trước mắt, có thể vài chục năm sau mới thực hiện được, nhưng phải xác định chúng ta không làm sẽ không có ai làm".

  • Chi Mai