- Sáng 26/9, VietNamNet có trao đổi với Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm xung quanh Đề án xây dựng Hội đồng giám sát trường học.

Giám sát toàn bộ kinh phí

Ông Nguyễn Tùng Lâm cho biết:

Hội đồng giám sát của cộng đồng ở trường học là tổ chức xã hội, tự nguyện của cộng đồng cha mẹ học sinh và đại diện dân cư sinh sống trên địa bàn được Mặt trận tổ quốc địa phương công nhân trên cơ sở kết quả bầu cử của Ban Đại diện cha mẹ học sinh, của các đoàn thể, tổ chức xã hội tại địa phương như hội cựu giáo chức, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội thanh niên,… do Hội Khuyến học địa phương giới thiệu.

Những người được lựa chọn vào hội đồng phải thực sự có tâm huyết, năng lực.

{keywords}
Thầy Nguyễn Tùng Lâm

Trước đây, tôi thiết kế Hội đồng có từ 9-15 người nhưng nay rút xuống còn 7-9 để dễ hoạt động hơn. Quy chế ban đầu cũng dành một ghế cho giáo viên. Nhưng sau khi xác định đối tượng giám sát là nhà trường nên không thể có giáo viên vào.

Hội đồng hoạt động trên tinh thần tự nguyện với 2 nội dung giám sát: nhà trường có đảm bảo quyền dân chủ của học sinh và cha mẹ học sinh; giám sát toàn bộ kinh phí của cha mẹ học sinh và địa phương cho nhà trường.

Trước đây, ta vẫn có quỹ của hội cha mẹ phụ huynh học sinh nhưng do mối quan hệ nhà trường – phụ huynh gắn quyền lợi con em nên trường “núp” dưới bóng hội này và chỉ đạo thu chi dẫn tới tình trạng lạm thu, chi không đúng mục đích xảy ra khá thường xuyên ở nhiều nơi.

Hội đồng giám sát của cộng đồng ở trường học sẽ giúp giải quyết tình trạng này. Ta không cấm các khoản thu từ phụ huynh. Nhưng khi thu rồi hội đồng này sẽ thay mặt phụ huynh giám sát việc thu chi. Trường đưa ra kế hoạch, mục tiêu cho thu chi để sửa chữa cơ sở vật chất, hỗ trợ giáo viên,….thì Hội đồng giám sát việc thực hiện.

Làm sao hoạt động của Hội đồng được công tâm, khách quan, thưa ông?

- Điểm mới trong quy chế này đó là việc nhà trường và Hội đồng phải cùng ký để chịu trách nhiệm trong việc thu chi các khoản phụ huynh đóng.

Hiệu trưởng phải có ý thức việc huy động sức dân để góp phần khiến môi trường giáo dục tốt lên. Hội đồng giám sát cần ý thức làm đúng chức năng, nhiệm vụ để tạo uy tín cho nhà trường và phụ huynh.

Với Hội đồng giám sát, người dân được thực sự làm chủ và tiếng nói có tính chất quyết định.

Lâu nay tiếng nói ban đại diện cha mẹ phụ huynh khá yếu ớt. Với sự tham gia của lực lượng bên ngoài, không phải cha mẹ phụ huynh tiếng nói sẽ mạnh mẽ, khách quan hơn.

Người trong hội đồng hoàn toàn trong sáng

Nếu thành viên Hội đồng có con cháu học ở đó thì sao, thưa ông?

- Nếu truy đến cùng thì hơi khó. Có thể từ việc làm thí điểm sẽ bổ sung quy chế người trong Hội đồng không có con cháu học ở đó. Nhưng như đã nói, đại diện của Hội đồng phải là những người được tín nhiệm, thực lòng muốn giáo dục trở nên trong sáng. Ta hi vọng họ công tâm và quyết tâm thì mới làm được việc.

Có ý kiến cho rằng Hội đồng khi lập ra mang tính chất đối đầu với nhà trường. Ông có đồng tình với ý kiến này?

- Hoàn toàn không phải vậy. Đây là sự phối hợp giữa cộng đồng với nhà trường để thống nhất, huy động sức dân dưới sự giám sát tiền đóng góp của phụ huynh cho đúng mục đích. Như đã nói, Hội đồng không ôm đồm, không phải nơi giải quyết tất cả mọi việc.

Lâu nay sự giám sát của cộng đồng chủ yếu thông qua dư luận, khiếu nại của dân hay qua báo chí chỉ lẻ tẻ. Nay có tổ chức giám sát chặt chẽ là Hội đồng sẽ luôn đồng hành cùng nhà trường.

Cần nói thêm, hiện nay có hiệu trưởng sợ vi phạm các quy định thu chi nên không dám huy động nguồn xã hội hóa hoặc có người vì “xã hội hóa” mà lợi dụng làm việc sai trái.

Hội đồng giám sát sẽ giúp gạt bớt 2 khả năng đó. Quan điểm của chúng ta là ủng hộ hiệu trưởng năng động, sáng tạo để giúp học sinh và nhà trường.

Hội đồng sẽ được quản lí như thế nào để không mang tính hình thức, làm cho có thưa ông?

- Hiện chúng tôi làm thí điểm 5 trường công lập ở quận Hoàng Mai: 1 mầm non, 1 tiểu học, 1 THCS, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên và 1 trường THPT nơi tôi ở. Tôi đã vận động được Đảng ủy, HĐND và Mặt trận tổ quốc trên địa bàn các trường cùng tham gia.

Với việc cùng tham gia ký, chịu trách nhiệm quản lý tiền phụ huynh đóng góp trách nhiệm của từng thành viên trong Hội đồng cũng tăng lên.

Hiện nay giám sát thu chi trong trường học đã có Hội đồng nhân dân nhưng họ thường thanh kiểm tra theo định kỳ là chủ yếu. Chờ thanh kiểm tra nhà nước sẽ rất lâu.

Tôi hi vọng việc thí điểm sẽ phát huy hiệu quả để tiến tới thành phố có thể áp dụng hình thức Hội đồng giám sát trường học trên tất cả 29 quận huyện, thị xã của Hà Nội.

  • Văn Chung