- Hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục đại học (GD ĐH) ngoài công lập (NCL) được tổ chức ngày 26/9 tại trường ĐH Thăng Long. Thay vì tự hào về ngôi trường đẹp và hiện đại nhất của hệ thống NCL thì có rất nhiều băn khoăn, lo lắng đặt ra.

{keywords}

20 năm bước đi quá chậm

Đây là nhìn nhận chung của lãnh đạo các trường ĐH, CĐ NCL khi nhìn lại quá trình phát triển 20 năm qua của hệ thống.

Ông Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL thừa nhận “Chưa bao giờ tình hình XHH kém như bây giờ, nhưng không phải không làm được gì".

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT rất ít ghi nhận thành công của các trường NCL.

Trong 83 trường ĐH, CĐ NCL hiện nay có khoảng 40 trường chất lượng khá, nhiều trường khác đang vươn lên, còn lại 15 trường khó khăn. Trong số 15 trường này có một số làm ăn không đàng hoàng, vi phạm này kia, chúng tôi không bênh vực, Bộ có chế tài xử lý chúng tôi hoan nghênh. Tuy nhiên, có những trường gặp khó nhưng không vội kết luận làm ăn không đàng hoàng.

Chất lượng GD ĐH kém không thể đổ riệt cho NCL, bởi vì tỉ trọng SV NCL là 12,7%, thế thì 87% còn lại mới quyết định chất lượng chứ, sao đổ thừa NCL? Phải có cái nhìn tổng quát nếu không sẽ tạo định kiến xã hội”.

Ông Trần Hồng Quân cũng cho biết mấy năm nay tỉ lệ SV NCL liên tục giảm. Có khả năng sang năm, tỉ lệ SV NCL còn thấp hơn nữa.

"Bộ GD-ĐT cần tính toán lại việc này và phải xem trách nhiệm để các trường NCL lay lắt như thế này là thuộc về ai?' - ông Quân đặt vấn đề.

“Siết số lượng để nâng cao chất lượng là sai”

Đây là khẳng định của ông Trần Phương, nguyên phó Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch HĐQT Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Ông Phương dẫn dụ, cách đây gần 10 năm, chính Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng khác xác mục tiêu 400 SV/ vạn dân vào năm 2020, trong đó 40% là SV NCL. Còn vài năm nữa là tới mốc 2020 nhưng chúng ta mới đạt khoảng 200 SV/ 1 vạn dân.

Tỷ lệ SV NCL của Thái Lan là 500 SV/ 1 vạn dân, Hàn Quốc 700 SV/ 1 vạn dân. Còn tỉ lệ này của Việt Nam hiện nay chỉ chiếm 12,7% - là con số “thảm hại”. Nhật Bản là một đất nước giàu có mà có tới 75 – 80% các trường ĐH, CĐ NCL.

"Tôi đề nghị phải làm rõ ai là người chịu trách nhiệm về con số này? Bộ GD-ĐT, hiệp hội, các địa phương chịu trách nhiệm đến đâu?" - ông Phương đề xuất.

Chứng minh thêm so sánh của ông Phương là có cơ sở - Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng cho biết, tỉ lệ SV ĐH, CĐ NCL của Việt Nam tương đương 2 vùng thấp nhất của thế giới: Thứ nhất là châu Âu, nơi chính phủ đủ giàu để bao cấp. Và thứ hai là các nước châu Phi nghèo nhất thế giới. Ở châu Á, tỉ lệ trung bình là trên 30%.

“Sau 20 năm mà hệ thống trường NCL của Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đầy 13%. Việc hạn chế số lượng để đảm bảo chất lượng là trái quy luật chung” – ông Tùng nhấn mạnh.

Xã hội hóa ngay từ trường công

"Cần xem lại các trường công có đáng được bao cấp 70% như hiện nay không" - là băn khoăn của Trần Phương.

Ông nói, ngân sách 20% là nhiều rồi, không đòi hơn được nữa đâu. Nhưng phải xem lại cách dùng ngân sách, vì nếu cứ dùng như hiện nay sẽ không tiến lên được.

“Chính phủ phải đảm bảo những điều kiện tối thiểu cho việc học của trẻ con, trẻ con không phải nộp học phí. Số tiền ngân sách cấp còn lại ngoài những chi tiêu bắt buộc khác thì chỉ có cách yêu cầu SV các trường ĐH công lập phải đóng học phí đầy đủ, trừ một số ngành đặc biệt" - ông Phương đề xuất.

Phải đặt lại XHH là gì, đâu phải là chỉ lập ra các trường NCL mà phải XHH ngay từ các trường công lập. Tư duy bao cấp còn quá nặng nề, không chuyển hướng sẽ không phát triển được.

Đồng quan điểm, ông Lê Trường Tùng cũng kiến nghị bây giờ phải đưa lại trong văn bản ở các cấp cao nhất con số 40% sinh viên là thuộc các trường NCL. Và phát triển NCL là giải pháp quan trọng, là đòn bẩy để cả hệ thống giáo dục ĐH phát triển.

“Có nhiều cách thức XHH như tăng học phí, du học tự túc, kêu gọi đầu tư để xây dựng hệ thống mà không cần Nhà nước. Nhưng nếu phần của Nhà nước quá lớn e rằng sự sáng tạo, đổi mới, cạnh tranh sẽ khó khăn. Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm từ nền kinh tế chỉ dựa vào ngân sách bao cấp không tạo được lợi thế cạnh tranh. Giáo dục ĐH cũng vậy.

Và cần thực hiện nhanh, tránh chủ nghĩa lộ trình, cái gì cũng đồng ý nhưng không biết khi nào thực hiện. Chờ đợi là vô ích khi hiện nay thế giới đã tiến rất xa” - ông Tùng lí giải.

Ông Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng đề nghị các trường CL đã được Nhà nước đầu tư đầy đủ nên bắt đầu “ra ở riêng”. “Nhà nước chỉ cần quan tâm đến việc đào tạo nhân lực cho vùng sâu vùng xa, cho đào tạo tinh hoa. Còn tất cả các trường ĐH, CĐ khác sẽ ra một sân chơi như nhau”.

  • Hạnh Ngân

Ông Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng Trường ĐH DL Hải Phòng: Bộ GD-ĐT “một cửa” nhưng… nhiều khóa.

Chúng tôi chờ tự chủ, rồi chờ khảo sát, đánh giá rất lâu. Chưa bao giờ tôi có cảm giác càng làm càng khó như bây giờ. Trước đây tất cả xông ra XHH, rất hưng phấn. Bây giờ như… dân phe phẩy đi làm, chịu nhiều sức ép, không còn phơi phới như xưa.

Bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen

Nếu Nhà nước muốn xây trường, kể cả CL và NCL, hãy tạo điều kiện về đất đai. Bên cạnh đó là các chính sách, luật pháp. Tôi chỉ xin hai chữ “công khai” và “minh bạch” trong thực hiện. Ví dụ như chỉ tiêu diện tích đất / SV thì công – tư cũng phải như nhau… và các chính sách này phải được kiểm soát  và đi vào đời sống.

Ông Trần Phương, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội: "Ta ham mở trường công lập một cách hình thức"

Có trường ĐH công lập địa phương vừa thành lập đã mở tới 20 ngành học. Lãnh đạo trường chạy tới gặp tôi. Tôi hỏi mở thế này thì giáo viên đâu - họ nói xin “mượn” các thầy trưởng khoa trường tôi. Các thầy cứ đứng tên thôi, còn việc giảng dạy ở trường tôi đã hết hơi rồi, sức đâu mà đi cả trăm km xuống trường kia dạy. Nên đây chỉ là một biện pháp nhờ đứng tên mở trường để “bịp Bộ”.

Có trường địa phương mời một giáo sư hóa học về làm hiệu trưởng, nhưng trong tất cả các ngành đào tạo của trường đó không có ngành hóa học. Hỏi tại sao thì trường bảo không tìm được giáo sư nào khác.

Tôi cho rằng 10, 20 năm nữa nhiều tỉnh cũng chưa hình thành trường ĐH công lập ở địa phương được vì thiếu giáo viên, dù cơ sở vật chất thì thừa sức. Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT kiểm điểm xem có hình thức không?