- Một chuyên gia tâm lý giáo dục cho biết, qua khảo sát học sinh ở nhiều trường phổ thông và nhận chia sẻ từ các em cũng như gia đình, thì ấn tượng về tình yêu học trò bây giờ không còn vẻ lung linh, lãng mạn mà lại nghiêng về chiều hướng “nguy hiểm”.

{keywords}


Bố mẹ, con cái đều bất ngờ về nhau

TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho biết, trong một buổi tọa đàm, khi chị đề nghị phụ huynh đặt mình ở vị trí của các con - ở độ tuổi 13 – 15 – và nói về tình yêu chỉ với 1 từ, thì phụ huynh đưa ra các từ như: Trong sáng, thích nhau, ngưỡng mộ, bí mật, đẹp trai học giỏi, cảm mến, thần tượng.

Tuy nhiên, theo bà Thụy Anh, khi tiếp xúc với học sinh lớp 6 ở một số trường, cũng đưa ra câu hỏi này thì các em, đặc biệt là em gái “rúc rích cười và nói ra những chuyện bố mẹ không bao giờ nhắc tới”.

Nhiều em học sinh khi được hỏi về tình yêu đã cho rằng tình yêu đồng nghĩa với nguy hiểm, nếu đắm chìm trong tình yêu sẽ không thoát khỏi, và như thế cũng là nguy hiểm…

Một phụ huynh có con gái 12 tuổi chia sẻ, mới đây cháu đã thẳng thắn hỏi: người lớn có quan hệ giới tính như thế nào, mang lại cảm xúc gì cho người lớn? Con nên có phản ứng như thế nào về chuyện này?... “Năm 9 tuổi cháu đã từng hỏi tôi làm thế nào để có em bé. Khi đó, tôi đã đọc cho cháu nghe một câu chuyện nước ngoài có nói về chuyện này, và đến đoạn “gay cấn” truyện có đưa một hình ảnh 2 người trùm chăn. Bây giờ thì tôi cho rằng với nhiều nguồn thông tin khác nhau, cháu đã thừa biết trùm chăn để làm gì. Vì vậy, mặc dù trả lời những câu hỏi của cháu nhưng tôi vẫn nhận thấy rằng dường như con chưa hài lòng, nhưng tôi cũng không biết phải giải thích cho cháu như thế nào”.

Bà nội một cậu bé 15 tuổi đã gọi điện cầu cứu bà Thụy Anh, lý do là cậu cháu trai bị bắt gặp hôn bạn gái ở sân trường. “Cả nhà cháu loạn lên, quát mắng cháu, nói xấu người bạn gái của cháu – bởi vì con mình đương nhiên là ngoan (!). Sau đó, tôi có gặp cậu bé. Cậu tỏ ra rất sốc trước cách phản ứng của gia đình. Đặc biệt, cậu rất phẫn nộ trước lời người lớn nói về cô bạn gái, không thể hiểu được tại sao mọi người chưa gặp, chưa quen biết đã nói những lời không hay về “người yêu” của mình”.

Đến nỗi lo mang tên phạm luật

Gia đình chị Y (Hà Nội) đang vô cùng căng thẳng về chuyện yêu đương của cậu con trai, hiện nay đang học lớp 10.

Con trai lớn sớm, đã biết yêu từ năm lớp 8, lớp 9. Nhưng đến năm lớp 10 thì gia đình chị tá hỏa khi phát hiện ra con đưa bạn gái về nhà lúc bố mẹ đi vắng.

Chị đang cực kỳ stress, không chỉ vì lo lắng việc yêu đương ảnh hưởng đến việc học tập của con. Mà mối lo sợ của chị lớn hơn nhiều là phạm luật.

Tâm sự với bạn bè, chị cho biết bây giờ rối trí không biết làm gì với con. “Cháu trưởng thành sớm, mọi việc từ lời ăn tiếng nói tỏ ra hết sức đàng hoàng, chỉn chu. Cháu khẳng định những “tình yêu” trước đây là trẻ con, còn bây giờ cháu rất nghiêm túc. Mọi việc học hành, hoạt động của cháu bây giờ cũng là để xây dựng tương lai tốt đẹp sau này. Cháu chịu trách nhiệm với tình yêu của mình…”.

Từ phân tích, năn nỉ, dọa nạt đến cả việc mặc cả “con phải chọn mẹ hoặc bạn” đều đã được đưa ra, nhưng hoàn toàn vô ích. Chị Y đã bắt đầu tính đến việc đi gặp… gia đình nhà gái. “Chẳng phải để xin cưới hỏi gì đâu, mà phải đến để liệu trước. Sau này hai đứa có thành gì thi không nói, nhưng nếu như bất thành gia đình bên đó cũng không kiện vì tội con mình… xâm hại trẻ vị thành niên”. – chị Y rầu rĩ.

  • Chi Mai