- Có nhiều vấn đề mà nếu ta biết, để ý từ sớm, chuẩn bị tư tưởng cho con, cho mình, thì đến giai đoạn dậy thì của con mọi điều sẽ nhẹ hơn rất nhiều.

{keywords}
Ảnh minh họa

Chấp nhận rằng “con đã lớn”

Theo TSGD Nguyễn Thụy Anh, người mẹ của cô bé 12 tuổi nên cảm thấy vui, không phải vì cô bé lớn trước tuổi, mà là con đã dám chia sẻ với mẹ. Điều sợ nhất không phải là việc con cái nói về tình yêu ở độ tuổi nào, mà là việc con nói về tình yêu không phải với bố mẹ. “Biết đến đâu hãy nói với con đến đấy, đồng thời đưa ra các phương án, đường đi để con lựa chọn. Khi con ở độ tuổi 15 tuổi, hãy là người bạn thật sự của con. Nói chuyện với con phải khoa học, không thể nói nôm na kiểu như sau này con lớn sẽ biết. Những chuyện quá khó nói, có thể dùng sách vở gợi ý con đọc, tặng con dịp sinh nhật, khéo léo để vào phòng con…

Khi con bước vào tuổi yêu, phụ huynh hãy mong mình là người mà các con nghĩ đến trước tiên. “Thấy con chưa hỏi đến thì cũng không nên mừng rỡ, vì như vậy chưa chắc đã là hay”.

Giới trẻ bây giờ ăn uống đầy đủ hơn, dậy thì nhanh hơn, cảm xúc về giới tính đương nhiên phải có. Ở thời điểm này, các em thường băn khoăn về cơ thể mình. Đây là lúc các em đặc biệt có nhiều câu hỏi về sinh lý mà không biết hỏi ai và thường thì bạn bè chia sẻ với nhau, ngoài ra có thể tiếp cận các ngồn thông tin khác một cách lén lút, e dè.

“Hãy tự đặt câu hỏi “bao giờ cho phép các con yêu?”. Nếu bố mẹ chia sẻ, các con sẽ biết cách bảo vệ mình. Có những câu hỏi không cần trẻ phải trả lời trực tiếp, mà để trẻ tự rút ra bài học cho mình. Nói với con về tình yêu, tình dục khó nhất không phải về mặt thông tin – hiện nay tài liệu, sách vở rất nhiều – mà ở chỗ con cái lúc nào cũng có sự coi trọng bố mẹ, cho rằng thông tin của bố mẹ là đáng tin cậy. Nhưng nếu thái độ của chúng ta không hợp tác, con sẽ không nói nữa, và chuyện chúng ta né tránh vẫn sẽ xảy ra một lúc nào đấy” – bà Thụy Anh nhấn mạnh.

Không nên ép con nhận sai

Trong trường hợp bố mẹ cậu bạn lớp 10, bà Thụy Anh cho rằng phụ huynh hãy bình tĩnh ngồi nói chuyện với con. Hãy đặt câu hỏi cho con thật kỹ càng, không né tránh, như: Con cảm thấy thế nào khi gần gũi? Con đã biết cách bảo vệ chưa? Nếu có vấn đề thì đến đâu để giải quyết? Giải quyết xong sẽ như thế nào? Nếu có chuyện xảy ra thì con sẽ làm gì? Việc chính của con hiện nay là gì? Tương lai con muốn ra sao? Nếu pháp luật can thiệp con sẽ làm thế nào?...

Theo bà Thụy Anh, điều quan trọng là không ép con nhận sai. Tùy mối quan hệ, hãy đưa ra quy tắc. Bố mẹ tôn trọng con, con cũng phải tôn trọng bố mẹ. Thỏa thuận về trách nhiệm của con đối với gia đình. Không chỉ có bố mẹ có trách nhiệm với con, mà giữ cho bố mẹ được an tâm cũng là trách nhiệm của con.

“Nếu nhận thấy con đã trưởng thành và rất quả quyết, thì chúng ta cần phải chấp nhận. Chấp nhận nhưng không được buông xuôi, mà hãy tiếp tục cho con những thông tin tốt nhất để con có sự chuẩn bị, tự chịu trách nhiệm về bản thân. Và cố gắng hỗ trợ để không xảy ra điều gì đáng tiếc”.

“Trường học” dạy cô đơn

Bác sĩ tâm lý Claude Steiner đưa ra một bài tập: Hãy tìm từ khóa chung để nói về một đức tính, một cảm giác của con người từ các câu sau:

1.Hãy dè dặt khi đưa ra lời khen, đừng vội vàng và nồng nhiệt thể hiện cảm tình của mình với người khác. Hãy tỏ ra kín đáo một chút.

2.Cũng đừng tin người ta khen mình. Có thể họ chỉ động viên hoặc là câu chuyện làm quà thôi. Nếu có thể thì hãy tỏ ra khiêm tốn và không nhận lời khen đó.

3.Hãy là một người tử tế với mọi người. Nếu có ai cho con cái gì con không thích, chớ để lộ điều đó mà họ buồn lòng. Ai đó con không thích, chớ để lộ điều đó mà họ buồn lòng. Ai đó con không thích cứ đến nói chuyện làm phiền con, hãy cố chịu đựng.

4.Đừng tự khen. Đó là thói tự mãn kỳ quặc. Đừng bao giờ khoe khoang cái gì mình làm được. Giấu kín niềm tự hào về bản thân mình. Đừng để mọi người biết con tự hài lòng về con.

5.Nếu ai đó đoán được con muốn gì thì thật tốt. Nhưng chớ nói với người khác về mong muốn của mình, kể cả một mong muốn nho nhỏ hoặc cháy bỏng nhất. Càng không nên đòi hỏi, đề nghị… một người khác tỏ lòng trìu mến với mình. Chẳng hạn: hãy ôm tôi. Đó là điều cấm kỵ.

TS Nguyễn Thụy Anh cho biết, nhiều phụ huynh khi làm bài tập này đưa ra các từ như: Kiểm soát cảm xúc, kiềm chế, thận trọng, tự ti, khiêm tốn, tinh tế, khép mình, thụ động… Tuy nhiên, “đáp án của chương trình là từ “cô đơn”. Tất cả những lời khuyên trên đây, thoạt nhìn là rất đúng. Nhưng nếu khuyên con triệt để áp dụng, thì sẽ biến con thành một đứa trẻ cô độc. Và khi càng cô đơn, trẻ sẽ càng tìm đến tình yêu nhanh hơn”.


  • Chi Mai