- Nghị định 138 về "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục" Chính phủ vừa ban hành có quy định hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học sẽ bị phạt 5 triệu đến 10 triệu đồng. Giáo viên có hành vi này còn bị đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến nửa năm.

Điều khoản này đã đề cập đến một vấn đề “nóng” gây nhiều bức xúc trong thời gian gần đây. Đó là việc một số giáo viên xử phạt “quá tay” với học trò.

Theo Nghị định, thẩm quyền xử phạt các hành vi trên thuộc chủ tịch UBND các cấp, thanh tra ngành giáo dục đào tạo.

{keywords}
Hình ảnh có tính chất minh họa

Cần hướng dẫn tỉ mỉ hơn

Mức phạt tiền đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, xâm hại thân thể người học trong quy định của Nghị định này đã tăng so với mức “từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng” theo dự thảo trước đó.

Ông Nguyễn Tùng Lâm hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng đây là một quy định cần thiết để bảo vệ người học. Bên cạnh đó, quy định này còn có tác dụng giúp giáo viên có ý thức trau dồi thêm chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để vẫn có thể giáo dục học sinh mà không cần đến đòn roi, mắng chửi.

Tuy nhiên, hướng dẫn thực hiện Nghị định cần làm cụ thể, tỉ mỉ hơn như cần chia nhỏ thành ba đối tượng: Học sinh xâm phạm lẫn nhau, giáo viên vi phạm và người ngoài trường. Nếu tái phạm nhiều lần có thể sẽ bị đuổi khỏi ngành…

“Xúc phạm” thế nào thì bị phạt?

Với quy định “Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học”, nhiều phụ huynh nhận xét nếu chỉ quy định ngắn gọn trong một câu như vậy sẽ rất khó khăn cho khâu thanh tra, xử lý, có khi lại gây tranh cãi.

Hàng loạt những vụ giáo viên đánh học sinh, xỉ vả học sinh đã bị khui ra thời gian qua. Bằng chứng là những lằn roi trên người các em, những clip, băng ghi âm ghi lại lời nói, hình ảnh của giáo viên.

Tuy nhiên, có những vụ cho dù phụ huynh có làm đơn tố cáo nhưng không có bằng chứng cụ thể nên rất khó xác định đúng sai. Hơn nữa, với quy định chung chung như trong nghị định, nhiều phụ huynh cho rằng khó có thể biết ngành giáo dục chấp nhận sự xúc phạm của giáo viên đối với học sinh tới mức độ nào, và bắt đầu ở mức độ nào thì giáo viên mới bị xử lý.

Chị T, phụ huynh có con trai 4 tuổi học mầm non rất bức xúc trước việc cô giáo bảo con mình “thần kinh”. Một hôm cậu con trai đi học về bảo với mẹ hôm nay cô bảo con “như con khỉ” với “thần kinh”. Hỏi rõ ra, do ở nhà con có xem phim Tây Dy Ký, nên đến lớp cũng múa may nhảy nhót giống trong phim. “Có thể nhiều người và cả cô giáo coi câu nói này chỉ là một lời nhận xét, đùa cợt. Nhưng tôi rất bất bình trước những câu nói này của cô giáo, nói như vậy khác nào xúc phạm tới cháu. Trẻ nhỏ, có thể nó còn chưa hiểu hết ý nghĩa của từ ngữ, nhưng rõ ràng qua thái độ của cô, mặc dù từ ngữ lạ tai nhưng rõ ràng các cháu vẫn cảm nhận được sự bất bình thường của lời nói”.

Cháu M, một học sinh lớp 3, về nhà cũng “mách” bố mẹ hay bị cô giáo gõ thước lên đầu vì viết chậm. Nhiều bạn trong lớp cũng bị cô “xử” kiểu này. Chị H mẹ cháu nhận xét có lẽ bây giờ các cô giáo… rút kinh nghiệm, không đánh trò vào chân tay, dễ để lại dấu vết. Chị H đặt câu hỏi trong trường hợp này thì xử lý như thế nào, có phạt được giáo viên dựa trên “lời khai” của học sinh không?

Tuy nhiên, một cô giáo chủ nhiệm lớp 6 chia sẻ, “là giáo viên có ai muốn đánh học sinh đâu. Nhưng có những tiết học tôi luôn mồm nhắc một số học sinh mất trật tự đến khản cả tiếng mà các em vẫn không nghe, vẫn quay ngang quay dọc nói chuyện. Tất nhiên giáo viên không được làm gì quá đáng, nhưng với những em cá biệt cần phải có biện pháp mạnh mới giáo dục được. Làm giáo viên là một công việc nhiều căng thẳng, bây giờ có thêm quy định này giáo viên sẽ cảm thấy áp lực hơn”.

  • Hạnh Ngân