- Một nữ giảng viên trẻ từng hoảng hốt khi nhận được hoa và phong bì kỷ niệm của sinh viên trong buổi lên lớp cuối môn học kèm thêm lời nhắn nhủ đầy tình cảm: Hôm nào thi cô cho đề dễ thôi cô nhé. Dù đã trả lại phong bì nhưng nỗi ám ảnh ngày hôm đó vẫn lởn vởn trong đầu cô giáo trẻ rất lâu: Lẽ nào trong mắt các em, người giáo viên chỉ tầm thường thế thôi?

“Văn hoá phong bì” trong nhà trường dù đã bị lên án là hành vi tiêu cực - làm vẩn đục môi trường giáo dục nhưng hiện tượng “đi thầy” vẫn tồn tại trong một bộ phận sinh viên…

“Phong bì” là thước đo điểm số

Vừa nhận được tin nhắn của cậu em đang là sinh viên một trường CĐ trên địa bàn quận Cầu Giấy - Hà Nội: Chị chuẩn bị cho em mượn ít tiền. Đợt này sắp thi cuối kỳ rồi.

{keywords}
Hình ảnh có tính chất minh họa

Chị Hà dằn giọng "lại đi thầy cô chứ gì?”. Điệp khúc "mượn tiền" thường được cậu em "quan tâm" ở mỗi kì thi suốt mấy năm nay. Theo lời cậu em thì cứ chuẩn bị thi hết môn là cả lớp đua nhau phong bao, phong bì, để mong thầy cô chiếu cố “cho em vượt ải vũ môn”.

"Có lần hỏi tại sao cứ phải phong bì cho thầy cô mới thi được?  thì cậu em hồn nhiên trả lời: "Trường em thế. Các anh chị khoá trước truyền kinh nghiệm rồi, không tặng quà thầy cô thì qua được môn thi còn khó chứ đừng mơ đến chuyện điểm cao. Kỳ trước em phải thi lại mấy môn cũng chỉ vì không đi thầy. Trong lớp em đứa nào chịu khó quà cáp thì dù học hành lơ mơ cũng vẫn qua được hết."

Một sinh viên đang học trường ĐH dân lập cho biết: Thực tế là có nhiều sinh viên vẫn đi thầy. Phần là do có điều kiện kinh tế, không chú tâm học hành, nhưng việc đi thầy cô cũng rất âm thầm, tế nhị, không phải sinh viên nào cũng biết cách.

Hưng - cựu sinh viên của một trường dân lập tại Hà Nội chia sẻ, với những thầy thích quà cáp sinh viên lại càng dễ thở. Suốt mấy năm đi học, hầu như môn thi nào cả lớp cũng góp tiền để quà cáp cho thầy. Ai có điều kiện và muốn được thầy quan tâm hơn thì... đi riêng.

"Nhiều khi không có tiền cũng phải cố xoay sở vì phải thi lại hay học lại thì còn nhiêu khê và tốn kém hơn" - Hưng cho biết.

Con sâu làm vẩn đục nghề cao quý?

Ở nhiều trường sinh viên mới vào đã được các anh chị khoá trước truyền kinh nghiệm ứng phó với những thầy, cô đặc biệt; muốn qua môn này môn kia thì phải thế nào. Cũng vì thế mà ở nhiều nơi việc quà cáp cho thầy cô trước mỗi dịp thi cử đã trở thành "luật" ngầm. Sinh viên dù muốn hay không nhưng nghĩ đến điểm số, đến bảng điểm đẹp để làm hành trang đi xin việc sau này cũng đành bấm bụng làm theo.

Một số bạn được hỏi cho rằng, việc đi thầy đi cô cũng chỉ là bất đắc dĩ nếu gặp phải thầy “khó”. Số khác thì lý sự vì yêu mến thầy cô, khi học hết một môn. Cũng không ít trường hợp "tặng quà" thầy từ chối. Văn sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, khi thầy một mực trả lại món quà được chuẩn bị sẵn - lúc đó cảm giác của em thấy ngường ngượng vì xấu hổ.

Theo lời Văn, qua gần 4 năm học ở trường, chưa bao giờ Văn và các bạn trong lớp phải “hối lộ” thầy, cô để có kết quả thi tốt cả. Các thầy rất công tâm, điểm thi phản ánh đúng khả năng của mình. Có bạn bị điểm kém phải thi lại thậm chí học lại cũng không nghĩ là do bị thầy trù dập vì lớp rất đông sinh viên. Vì thế khi tặng quà là em muốn bầy tỏ lòng kính trọng với thầy, nhưng thầy từ chối...

"Do vậy, nghe các bạn học ở nhiều trường khác kể chuyện phải đi thầy cô trước khi kỳ thi để có điểm cao - đó chỉ là số ít dẫn đến “con sâu làm rầu nồi canh” thôi" - Văn chia sẻ.

Một nữ giảng viên trẻ từng hoảng hốt khi nhận được hoa và phong bì kỷ niệm của sinh viên trong buổi lên lớp cuối môn học kèm thêm lời nhắn nhủ đầy tình cảm: Hôm nào thi cô cho đề dễ thôi cô nhé. Dù đã trả lại phong bì nhưng nỗi ám ảnh ngày hôm đó vẫn lởn vởn trong đầu cô giáo trẻ rất lâu: Lẽ nào trong mắt các em, người giáo viên chỉ tầm thường thế thôi?

Nghề giáo vốn được coi là nghề cao quý. Hình ảnh và kỷ niệm về những người “chở đò” thầm lặng đã trở thành hành trang vào đời quý giá cho biết bao bạn trẻ. Thế nhưng, thật đáng buồn, trong cơ chế thị trường - khi mà mọi thứ dễ dàng bị đong đếm bằng tiền thì một bộ phận nhỏ những người làm nghề cao quý ấy đã đánh mất đi hình ảnh đẹp của mình, tạo nên những dấu hỏi và sự hoài nghi không đáng có về nhân cách nhà giáo.

  • Đỗ Quyên