Đất nước chúng ta vừa bước qua cột mốc về dân số 90 triệu dân, là quốc gia có dân số chỉ đứng sau 13 quốc gia trên thế giới. Có vị bộ trưởng vừa phát biểu rằng tài nguyên lớn nhất của chúng ta là con người, xét theo góc độ này thì chúng ta giàu thứ 14 thế giới về “số lượng” tài nguyên con người.
Nhưng “chất lượng con người” chúng ta đang ở đâu?
Ảnh minh họa: Dân Việt |
Vấn đề thứ nhất là chất lượng thể chất con người chúng ta, chất lượng hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta đang ở đâu?
Thời gian gần đây có quá nhiều thông tin bức xúc, thậm chí là gây phẫn nộ trên công luận về ngành y tế, đó là về chất lượng của hệ thống chăm sóc y tế, về y đức, về trình độ chuyên môn của đội ngũ y tế.
Chúng ta là nước có tỷ lệ số bác sĩ và số giường bệnh trên dân số thấp xếp thứ trăm trên thế giới. Tất cả những vấn đề nảy sinh dồn dập trong thời gian qua chỉ là hệ quả tất yếu của một hệ thống chăm sóc y tế có chất lượng kém toàn diện.
Bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận trong điều kiện hạn chế về kinh tế, về cơ chế của ngành y tế, chúng ta vẫn có sự ưu việt nhất định về chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo, cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Tuy nhiên, chúng ta phải làm như thế nào và ngay từ bây giờ để xây dựng một hệ thống chăm sóc y tế có chất lượng và cho tất cả mọi người. Chúng ta phải làm cho công cuộc cải cách này đi vào hoạt động ngay. Vấn đề đầu tiên là tăng chi tiêu nhiều hơn vào hệ thống chăm sóc y tế theo GDP, mốc đầu tiên là chiếm 10% GDP. Tiếp theo là cải cách một cách toàn diện và thực chất cơ chế chính sách của ngành y tế.
Vấn đề thứ hai là chất lượng tri thức con người chúng ta, chất lượng hệ thống giáo dục chúng ta đang ở đâu?
Chúng ta có những chỉ tiêu rất khả quan về phổ cập giáo dục, số lượng giáo viên được đào tạo hàng năm, số lượng kỹ sư, cử nhân ra trường… Đó chỉ là những chỉ tiêu về số lượng.
Trình độ văn hóa và kiến thức thực tiễn của những con người được đào tạo từ hệ thống giáo dục của chúng ta thấp một cách đáng báo động. Hàng ngày chúng ta chứng kiến nhiều vô kể những cảnh thiếu văn minh, vô văn hóa mà mọi người ứng xử với nhau nơi công cộng.
Kỹ sư, cử nhân ra trường quá yếu kém kiến thức thực tiễn mà hầu hết phải đào tạo lại từ thực tiễn công việc, thầy nhiều hơn thợ, tư tưởng chỉ có học đại học mới có cửa cho tương lai đặt nặng trong tư duy của nhiều thế hệ.
Chúng ta gia nhập WTO đã lâu, chúng ta là bạn với tất cả, chúng ta sống trong thời đại toàn cầu hóa, thế giới phẳng… nhưng chưa có một trường đại học nào của chúng ta đào tạo kỹ sư, cử nhân được thế giới công nhận. Cải tổ hệ thống giáo dục là điều không có gì phải bàn cãi mà phải hành động ngay.
Một đất nước sẽ được đánh giá về vị thứ trên thế giới, ngoài tiêu chí chung về kinh tế – chính trị – xã hội, chủ yếu dựa trên tiêu chí về chất lượng của hệ thống chăm sóc y tế và hệ thống giáo dục.
Điều này phải được đặt ra là một vấn đề lớn được ưu tiên giải quyết, vấn đề cốt lõi trong chiến lược phát triển đất nước vì con người là trung tâm, là mục đích cuối cùng của sự nghiệp phát triển xã hội.
Theo Trần Trọng Dũng (Một Thế Giới)