- Sau bài viết "học trò cũng có thể là...thầy mình", VietNamNet nhận được bài viết của một nhà giáo, phản ánh về thực tế đã triển khai ở trường mình (và nay đã chấm dứt). Dưới đây là nội dung bài viết. Mời bạn đọc tham gia trao đổi, thảo luận về nội dung này theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.
Lấy kiến của học sinh nhận xét, đánh gia về thầy cô là cách làm mà nhiều trường học đang áp dụng. Đây được xem như một kênh thông tin hữu ích để đánh giá năng lực sư phạm của các nhà giáo. Tuy nhiên, ít ai biết được mặt trái của vấn đề khi học sinh được chọn là người cầm cân nảy mực.
Tinh thần tập thể
Phần lớn các em rất hào hứng và ghi những nhận xét chân thực về thầy cô của mình, nhưng cũng không hiếm trường hợp những học sinh thấy bạn viết thế nào thì chép y nguyên thế bởi “em cũng chả biết phải nhận xét thế nào”. Có em học sinh là lớp trưởng một lớp 11 còn hồn nhiên vận động cả lớp có cùng một ý kiến để "có tinh thần tập thể”.
Tuy nhiên, với độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lại hay bị cảm xúc cá nhận chi phối, liệu tất cả các nhận xét đánh của học sinh có hoàn toàn chính xác? |
Những thầy cô nào thường xuyên kiểm tra bài cũ, hay cho học sinh điểm kém, hay nhắc nhở học sinh thực hiện nội quy thì đều nhận được “ý kiến đóng góp” đại loại như “cô rất khó tính và khắt khe trong giờ học”, “cô giảng nhanh quá, bọn em không hiểu được”.
Thậm chí, “lớp em đề nghị đổi thầy vì thầy quá nghiêm khắc”…
Và tất nhiên, những thầy cô dễ dãi một chút hoặc ít kiểm tra bài cũ, ít nhắc nhở học sinh thì thường nhận được giá “cô giáo rất vui tính”, “em rất thích cô giáo dạy lớp em”...
"Nối giáo..."
Việc đánh giá thầy cô chỉ thực sự chính xác khi học sinh đánh giá là những em học lực khá, chăm ngoan, có ý thức tự giác. Phiếu đánh giá rơi vào tay những học sinh cá biệt thì không khác gì "nối giáo cho giặc".
Có cô giáo cùng dạy 2 lớp 11, song ý kiến sau khi nhận được phiếu đánh giá lại hoàn toàn khác nhau.
Ở lớp 11A là lớp chọn, các em học sinh học khá, ngoan ngoãn thì phần lớn ghi nhận xét “cô dạy dễ hiểu”.
Ngược lại, lớp 11G là lớp có nhiều học sinh được cho là "cá biệt", học lực yếu thì có rất nhiều nhận xét mang tính chất “tư thù cá nhân” như: “Cô H. là giáo viên khó tính, dạy khó hiểu, em đề nghị nhà trường đổi giáo viên khác”, “Cô hay trù dập học sinh, hay gọi học sinh lên bảng và cho điểm kém”, “em đề nghị đổi giáo viên, suốt ngày cứ lên lớp đạo đức nghe chán lắm rồi”…
Cô giáo tâm sự:
“Ý kiến của học sinh là 1 kênh thông tin quý giá để giáo viên nhìn nhận lại mình, tự hoàn thiện mình. Nhưng tôi rất buồn bởi nhiều em nhìn nhận vấn đề không khách quan, thường là những học trò yếu kém mà tôi trăn trở tìm nhiều biện pháp để rèn giũa. Nếu nhà trường chỉ tham khảo mình kênh thông tin này, tôi e rằng sẽ có hiện tượng giáo viên dễ dãi trên lớp để chiếm cảm tình học sinh”.
Những yêu cầu bất khả thi
Kèm theo phần nhận xét về thầy cô dạy trên lớp là phần ghi những đề nghị của học sinh đối với thầy cô.
Nếu cứ đúng theo yêu cầu của học sinh mà làm thì e là giờ học trở thành giờ sinh hoạt ngoại khóa bởi phần đông các em đều “đề đạt nguyện vong” như:
“Em muốn cô kể nhiều chuyện hài trong giờ học để đỡ căng thẳng”.
"Thầy đừng kiểm tra bài cũ nhiều, nếu học sinh có lỡ không làm bài tập thì cũng đừng cho điểm kém”.
"Thỉnh thoảng, cô nên hát cho lớp nghe”.
“Bây giờ, học sinh yêu nhau là chuyện bình thường, em mong cô chủ nhiệm đừng ngăn cản, đừng can thiệp vào đời sống tình cảm riêng của bọn em”.
"Em chỉ có một đề nghị nho nhỏ với cô chủ nhiệm, hãy cho phép chúng em được ăn sáng trong giờ sinh hoạt đầu giờ vì buổi sáng chúng em thường đến trường sớm chưa kịp ăn gì nên rất đói”…
Một đồng nghiệp của tôi chia sẻ: "Tôi rất muốn đọc thông tin từ những đợt lấy ý kiến học sinh, nhưng tôi chỉ mong các em trước khi nhận xét hay yêu cầu, hãy thử đặt mình vào vị thế của chúng tôi”.
Lấy ý kiến đánh giá của học sinh về giáo viên là một cách làm dân chủ. Tuy nhiên, với độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, lại hay bị cảm xúc cá nhận chi phối, liệu tất cả các nhận xét đánh của học sinh có hoàn toàn chính xác?
Thiết nghĩ, nếu chỉ áp dụng biện pháp này đối với những học sinh có học lực khá giỏi, hạnh kiểm tốt thì nhà trường mới mong có một cái nhìn khách quan và công tâm đối với người làm nghề dạy học.
- Khôi Nguyên