- Khó khăn những ngày vượt núi, vượt lũ, băng rừng vừa qua - hạnh phúc đến với cô giáo Nguyễn Đỗ Cầm Thi chỉ tày gang khi bố đẻ rồi chồng đột ngột qua đời. Khó khăn chồng chất nhưng cô vẫn "giỏi việc dạy, đảm việc nhà". Đã 30 năm trong nghề, đến nay cô vẫn yêu nghề lắm lắm...
Niềm đam mê
Sống ở vùng nông thôn nghèo nhưng cô giáo Nguyễn Đỗ Cầm Thi (tổ trưởng tổ Văn Trường THPT Thạch Thất, Hà Nội) luôn tự hào vì có gia đình nhiều thế hệ theo nghề dạy học: từ đời các cụ, ông ngoại, bố mẹ đến chị em cô rồi các con tôi bây giờ nữa.
Cô giáo Nguyễn Đỗ Cầm Thi (Ảnh: Văn Chung) |
Bây giờ khi đã là giáo viên gần 30 năm công tác trong ngành nhưng cô vẫn nhớ về những năm đất nước còn chiến tranh. “Các thầy cô ngày ấy tuy cuộc sống còn muôn vàn khó khăn: ăn chưa no, mặc chưa đủ ấm nhưng họ miệt mài lên lớp, vẫn hết lòng vì những học sinh của mình”.
“Tôi nhớ những lần được đi theo bố tôi tham dự những giờ sinh hoạt ngoại khóa văn chương. Bố tôi cùng các đồng nghiệp của mình say sưa chia sẻ về Truyện Kiều về Nguyễn Du, những khúc ngâm, các tác giả văn học lớn, các sáng tác thơ hay… Và những phương pháp giảng dạy để làm sao cho học sinh dễ hiểu và cảm nhận được tác phẩm.
Có lẽ cũng bắt đầu từ những ngày đó, niềm yêu nghề dạy học đã được hình thành trong tôi” – cô Thi kể.
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 1984 cô được phân công lên công tác tại Lạng Sơn. 4 năm dạy học ở Lạng Sơn là kỉ niệm không thể nào quên trong kí ức người giáo viên trẻ.
Sóng gió cuộc đời
Lên xứ Lạng, cô được phân công về dạy tại trường phổ thông bổ túc của tỉnh. “Nhưng ngày ấy tỉnh như bãi chiến trường. Trụ sở của sở giáo dục, nhà của giáo viên vẫn lụp xụp, lợp giấy dầu. Có khi không có gì nhóm bếp, giáo viên phải xé luôn giấy lợp mái. Lớp học của trò nay ở Đồng Bành, mai lên Đồng Mỏ” – cô Thi nhớ lại.
Cô dạy học buổi tối. “Ban đầu cũng sợ những ngôi nhà mồ với bát mâm đầy đủ, chẳng thấy người đâu. Sau rồi cứ nhắm mắt đi thành quen”. Buổi sáng cô đi vận động trò đến lớp. Có nhà học sinh phải đi qua 3 ngọn núi. Có lần đang trên đường từ nhà học sinh trở ra thì gặp lũ cao đến ngực. Trò đi trước cầm gậy, cô cứ bám vào đó mà dò dẫm đi.
Sau 4 năm “ăn nước đá vôi xứ Lạng”, cô được chuyển về địa phương, công tác tại Trường THPT Thạch Thất.
26 tuổi, cô lập gia đình và có với chồng một bé trai kháu khỉnh. Nhưng hạnh phúc chỉ tày gang. Bố cô là tổ trưởng tổ văn đột ngột mất đi sau một trận cảm nhập tâm lúc 53 tuổi. Chỉ mấy tháng sau chồng cô lại mất vì một tai nạn rủi ro. Khi đó con trai cô mới 14 tháng tuổi.
“Bây giờ kể thì bình tĩnh hơn rồi, nhưng trước đây mỗi khi nói về việc ấy thì tôi không cầm được nước mắt vì nỗi đau quá lớn, hụt hẫng, trống trải, bơ vơ…” – cô Thi xúc động.
Hạnh phúc giản dị
Học trò ở quê nghèo nhưng giàu tình cảm. Cô Thi nói "mình vượt qua nỗi đau là nhớ có học trò. Các em coi nhà cô như nhà mình. Chẳng ai bảo ai cứ đến quây quần bên cô trò chuyện, hỏi han..."
Cô Thi chia sẻ: “Dạy Văn quan trọng không chỉ là kiến thức mà còn là cảm xúc, phải sống thật với tác phẩm khi giảng cho học trò. Nói đến văn chương là mình quên hết ốm đau, dạy bằng đam mê. Tôi cố gắng truyền cảm hứng cho các em qua từng bài giảng, từng mẩu chuyện, tạo hứng thú và ý thức tu dưỡng, rèn luyện cho học sinh”.
Nhiều học sinh của cô Thi đạt thành tích cao trong kỳ thi HSG cấp tỉnh, thành phố, những năm cả 3 em đều đạt giải nhất. Phần lớn học trò của cô đều đã thành đạt, giảng viên các trường ĐH.
Từ năm 2003 đến nay, nhiều năm liền cô đạt danh hiệu sáng kiến thi đua, nhiều sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại, nhận được giấy khen của công đoàn ngành. Cô cũng là giáo viên giỏi cấp thành phố.
Nhiều người nhìn cô thương cảm, hỏi sao thời còn thanh xuân không đi bước nữa. Cô chỉ nghĩ đến mấy câu thơ: “Thương con lại nghĩ đến chồng/Lấy thân làm bước thành đồng che con” nên ở vậy.
Lấy nghề dạy là niềm vui, hàng ngày cô cần mẫn với 3 sào ruộng và đàn lợn kiếm thêm thu nhập chăm con.
Đi qua những tháng ngày gian khổ, hạnh phúc rồi cũng nở hoa. Hiện con trai và con dâu cô cũng nối nghiệp mẹ làm giáo viên. Những ngày 20/11 học trò căn nhà cấp bốn của cô lại đầy ắp tiếng cười của lớp lớp thế hệ học trò.
Đâu đó còn những câu chuyện phong bao phong bì, cô ép trò học thêm nhưng bao năm qua trò vẫn đến thăm cô với bó hoa, quyển sổ, cây bút. Có những trò có gia đình dẫn cả nhà về nhà cô ăn cơm.
Có nhiều phụ huynh trong thôn xóm vì quý mến cô nhưng nhà nghèo, quà tặng cô chỉ là những rổ khoai lang, rổ sắn nhà trồng được.
Những tình cảm ấy khiến cô Thi “vui không lời nào tả hết và thật tự hào về con đường tôi đã chọn, con đường mà cả đại gia đình tôi đã và đang đi”.
Cô tâm sự: “Cuộc sống hôm nay đa diện, nhiều chiều… Nhưng tôi vẫn tin rằng ai đã chọn nghề dạy học, hẳn yêu nghề lắm lắm. Nếu có điều gì khiến ta xao lòng thì yêu nghề, yêu người, tâm huyết và lương tri của nhà giáo sẽ níu giữ ta lại, để ta vững vàng hơn”.
- Văn Chung