- Không học hàm, học vị, không chức danh, cấp bậc như nhiều nhà giáo xuất sắc khác, bảng thành tích của cô giáo Vàng Thị Ghếnh chỉ đơn giản là “đã có công vận động 100% trẻ đến lớp” trong 7 năm công tác ở một trường mầm non vùng sâu vùng xa.

{keywords}
Cô giáo mầm non Vàng Thị Ghếnh trong Lễ tuyên dương giáo viên tiêu biểu toàn quốc

Trong bộ váy rực rỡ của phụ nữ dân tộc Mông, cô Vàng Thị Ghếnh (sinh năm 1985) là giáo viên Trường Mầm non xã Mản Thẩn (huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) gây ấn tượng cho nhiều người khi là một trong số những cá nhân trẻ tuổi nhất trong số 160 nhà giáo được Bộ GD-ĐT vinh danh lần này.

"Hy sinh" thầm lặng

Không học hàm, học vị, không chức danh, cấp bậc như nhiều nhà giáo xuất sắc khác, bảng thành tích của cô giáo Vàng Thị Ghếnh chỉ đơn giản là “đã có công vận động 100% trẻ đến lớp” trong 7 năm công tác ở một trường mầm non vùng sâu vùng xa.

Không thể phủ nhận những đóng góp vô cùng có ý nghĩa này của cô giáo Ghếnh, bởi với những địa phương miền núi như huyện Si Ma Cai, đến trường học chữ đã là một điều xa xỉ, chứ chưa nói đến chuyện cho trẻ đi học mẫu giáo. Có lẽ đó là niềm mơ ước của rất nhiều cô giáo mầm non ở những nơi mà đường núi nhiều hơn đường bằng như Si Ma Cai.

Quanh năm chỉ biết đến những đứa trẻ vùng cao nhem nhuốc, những bản làng nghèo khó, những ngọn đồi cần phải vượt qua để đưa các em tới trường...Các em học lớp mẫu giáo, còn nhỏ nhưng đã phải đi bộ 3km đường rừng cùng các anh chị bậc tiểu học để đến trường mà thương. Mùa đông, nhiều bé mầm non đi học đến nửa đường lại bỏ về vì trời quá lạnh. Cô giáo Ghếnh lại đến từng nhà động viên, thăm hỏi.

Cô cho biết Trường Mầm non xã Mản Thẩn có tất cả 9 lớp. Lớp cô phụ trách có 32 cháu. 100% số trẻ của trường đều là người dân tộc thiểu số. Vì thế, khó khăn lớn nhất đối với những cô giáo vùng cao nơi đây là ngôn ngữ để giao tiếp với các cháu. Hầu hết trẻ chưa hiểu và chưa nói được tiếng phổ thông nên các cô rất vất vả trong việc nói chuyện, hướng dẫn các cháu ăn ngủ.

“Quy định bắt buộc là phải nói tiếng phổ thông. Những hôm dự giờ thì phải nói tiếng này hoàn toàn, nhưng những ngày bình thường chỉ có cô trò với nhau thì vẫn phải sử dụng cả hai thứ tiếng để các cháu hiểu hơn” – cô Ghếnh tâm sự.

Công tác huy động trẻ ra lớp cũng là một công việc khó khăn mà suốt 7 năm qua cô giáo Ghếnh cùng các đồng nghiệp đã phải đổ biết bao mồ côi, công sức. Cho đến tận bây giờ, các cô vẫn phải làm công việc ấy. Cứ mỗi tuần 2, 3 buổi, cô phải đến từng nhà thuyết phục cha mẹ các em đưa con đến lớp đều đặn. “Nhà mỗi cháu ở rải rác tất cả các quả đồi nên ngày nào chỉ cần 2, 3 cháu nghỉ học là các cô không đi đến hết được nhà các em”.

Những khó khăn phải đối mặt

Cô cho biết, về cơ bản nhà trường đã đảm bảo được những điều kiện vật chất tối thiểu, đường xá khu vực xung quanh cũng được nâng cấp khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một phân hiệu vào những ngày trời mưa không thể đi xe được mà phải đi bộ.

Chia sẻ về tổ ấm của mình, cô giáo mầm non tiêu biểu của tỉnh Lào Cai cho biết đã có hai cháu, một cháu 7 tuổi, một cháu 5 tuổi. Cháu bé học mầm non ở trường mẹ dạy, còn cháu lớn học tiểu học ở trường ngay gần nhà, nên cũng bớt lo lắng chuyện ăn học của các cháu.

Nhận mức lương 5 triệu bao gồm tất cả các khoản trợ cấp – có thể cho là khá so với nhiều thầy cô giáo miền xuôi, nhưng nỗi lo cơm áo vẫn thường trực với hai vợ chồng khi phải chi trả các khoản ăn học cho 2 đứa con. Gia đình vẫn trồng lúa, làm ruộng như những hộ khác để trang trải cuộc sống hằng ngày.

“Chồng mình không có bằng cấp hay chuyên môn gì, chỉ ở nhà làm ruộng và lo việc nhà thôi, nhưng vẫn giúp đỡ vợ trong việc làm đồ dùng tự tạo để mang tới lớp cho các cháu.

Những ngày đầu khi mới bước chân vào nghề, lương chỉ có 1 triệu đồng, không đủ sống. Đến nay thu nhập lên 5 triệu nhưng cũng chỉ đủ đảm bảo điều kiện sống tối thiểu. Chuyện dư thừa, tiết kiệm là không có” – cô Ghếnh nói.

Là giáo viên duy nhất của tỉnh Lào Cai được trong danh sách 160 giáo viên tiêu biểu của ngành giáo dục để vinh danh toàn quốc, cô giáo Vàng Thị Ghếnh không giấu được niềm vui và sự tự hào. Bởi đó là sự ghi nhận những giọt mồ hôi, những nỗ lực không chỉ của riêng chị, mà của cả những người đồng nghiệp, của các bậc phụ huynh, của các em nhỏ vùng cao đang khát khao vượt đồi tìm đến con chữ.

Ước mong cuộc sống bớt nghèo khó, học trò đến trường đầy đủ luôn thôi thúc cô Ghếnh từng ngày cố gắng, thầm lặng mà cao cả.

  • Nguyễn Thảo