- "+10 like cho cô giáo!", -0 cho hệ thống thi cử". Quá đồng cảm, nhiều bạn đọc đã chấm điểm như vậy cho những tâm sự thật lòng của cô giáo có thâm niêm 30 năm đào tạo học sinh giỏi.

Sau khi chia sẻ của người giáo viên tâm huyết với nghề được lên trang, những thông tin mà cô đưa ra đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của phụ huynh và đồng nghiệp. Phản hồi của độc giả gặp nhau ở một điểm, họ cũng như cô giáo, hi vọng ý kiến của mình được lắng nghe.

Một tâm trạng chung của xã hội trong suốt bao nhiêu năm qua là luôn hi vọng vào sự đổi mới tích cực của ngành giáo dục. Như một chu kỳ lặp đi lặp lại, giáo dục bao nhiêu lần đưa ra những thay đổi, cải cách là bấy nhiêu lần dấy lên những phản biện xã hội.
{keywords}

Điều đó cho thấy giáo dục là vấn đề thiết thân với mỗi gia đình. Mỗi người đều dành thời gian tâm huyết để lắng nghe, chia sẻ, góp ý với những người có trách nhiệm đầu ngành. Thế nhưng, người dân càng nhiệt tình bao nhiêu thì kết quả sau mỗi lần cải cách càng khiến họ thất vọng bấy nhiêu. Đến nỗi mà, bây giờ mỗi lần giáo dục chuẩn bị có kế hoạch thay đổi là lại thấy một “hội chứng lắc đầu chán nản” xuất hiện.

Thế nhưng người dân chưa bao giờ ngừng quan tâm đến giáo dục. Vì thế, những thông tin người giáo viên dạy toán ở Hà Nội đưa ra đã nhận đươc rất nhiều ý kiến chia sẻ của bạn đọc.

Rất nhiều phụ huynh cùng cảnh ngộ với cô giáo đã kể những câu chuyện tương tự xảy đến với con cái và gia đình mình.

Độc giả Tâm Nguyễn chia sẻ về kết quả học trường chuyên lớp chọn của con mình: “Cô giáo nói thật đúng. Con của tôi cũng học ở trường chuyên của tỉnh nhưng áp lực thật nhiều. Thời gian cháu ngồi ở bàn học nhiều hơn cả thời gian bố mẹ đi làm.Nhiều lúc thấy con đi học về mệt rã rời thế là bố mẹ, bà làm hết cho mọi việc. Cũng may là con của tôi cũng đỗ đại học nhưng kỹ năng sống thật kém, việc nhà cháu chẳng biết làm gì cả.”

Độc giả Như Tùng nói: “Tôi tâm đắc với bài viết này. Bởi đây là 1 thực tế của bệnh thành tích, mà chính nó không mang lại hiệu quả so với món tiền lớn của cả xã hội bỏ ra, trong đó, có cả tiền của ngành giáo dục. Các học sinh đạt học sinh giỏi cấp quốc gia, có ai quan tâm sau khi rời ghế nhà trường? Và nếu có, hiện giờ họ đang làm gì?

Anh chia sẻ trải nghiệm thi học sinh giỏi của mình: “ Tôi cũng có vinh dự được tham gia 1 cuộc thi như thế cấp quốc gia vào năm 1981. Đúng là đầu tư bài bản, để hy vọng mang lai thành tích giáo dục cho địa phương mình. Họ làm điều đó không phải vì sự phát triển mà chính là vì thành tích cục bộ.”

Là một giáo viên, độc giả Mạnh Hùng thể hiện sự đồng tình mạnh mẽ với đồng nghiệp: “Bài viết rất sâu sắc và phản ánh đúng thực trạng giáo dục mũi nhon hiên nay ở Việt Nam. Từng là một giáo viên bồi dưỡng HS giỏi, tôi rất thấm thía và chia sẻ với tác giả.”

Đồng nghiệp Bùi Thị Kim Chi mạnh mẽ hơn: “Bỏ kỳ thi học sinh giỏi, tôi tin là những bạn bè đồng nghiệp của tôi, những người đang ngày đêm miệt mài cùng học sinh để lấy giải này giải nọ, sẽ đồng ý. Bởi vì hơn ai hết, họ biết thực chất của những kỳ thi ấy là gì kể cả thi cấp quốc gia. Rất nhiều chuyện vui mà không cười nổi xung quanh cuộc thi này.

Đi qua những sự thật và hệ lụy về các kì thi đang làm hỏng nền giáo dục, độc giả lại tiếp tục tha thiết mong chờ ý kiến của người giáo viên và chính họ được lắng nghe. Trải qua bao nhiêu lần hụt hẫng, niềm hi vọng của người dân chưa bao giờ giảm.

Rất nhiều độc giả thể hiện một niềm mong mỏi những ý kiến xuất phát từ cơ sở như thế này sẽ đến tay những lãnh đạo ngành giáo dục. Độc giả Minh Tuyết hi vọng: “Mong rằng lãnh đạo của Bộ GDĐT đọc được bài viết này và giảm áp cho các học sinh.”

Độc giả Đỗ Thành Duyên chia sẻ với người giáo viên một điều sâu sắc hơn: “Một giáo viên viên đã từng lăn lộn với công việc bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng học sinh thi vào PTTH bỗng nhận ra rằng: Mình góp phần vào việc làm cho học sinh không phát triển toàn diện. Chua chát cho một cơ thể giáo dục. Không biết nỗi niềm của cô giáo có được lãnh đạo ngành biết đến không.Hy vọng cô và Nhà giáo tâm huyết không phải mãi:"cô đơn"!.”

Hi vọng dồi dào là thế nhưng trong phản hồi của mình, độc giả Đỗ Thành Duyên đã ẩn chứa sự bi quan. Bởi vì hàng nghìn ý kiến về giáo dục đã từng bị lãng quên hoặc bị đối xử lạnh lung. Trong khi đó, giáo dục vẫn chưa thể hiện được sự chuyển mình. Vì thế, không ít độc giả, dù rất tâm đắc với những chia sẻ của một giáo viên như thế này, cũng thẳng thắn thừa nhận mình không mấy hi vọng nó được lắng nghe và hồi đáp.

Độc giả Trần Thanh cũng nói lên điều này: “Rất nhiều giáo viên, và học sinh, kể cả phụ huynh ủng hộ tư tưởng ấy. Khổ nỗi đôi tai của những nhà hoạch định chính sách đã đề kháng với tiếng nói của giáo viên.”

Và các giáo viên cũng thừa nhận điều ấy: “Tôi cũng là một giáo viên giỏi suốt 20 năm qua. Nhưng bao nhiêu lần cải cách, đổi mới chỉ nghe các vị lãnh đạo tranh cãi đâu đâu thôi chứ không ai hỏi chúng tôi nên làm thế nào.”

Tâm trạng của độc giả phức tạp là thế nhưng trong những suy nghĩ ngổn ngang của xã hội, đã có không ít tư tưởng vẫn vận động đi lên. Đó là những phụ huynh chọn cách hành động, dù thực tế không như mong muốn.

Độc giả Lương Cao Đông đã làm: “Cũng chính vì những gì cô giáo đã viết mà năm học vừa qua tôi đã chuyển cho con gái tôi từ trường chuyên, lớp chọn sang trường tư thục. Học sinh cần được giáo dục toàn diện, đặc biệt là kỹ năng sống vì lứa tuổi các cháu là lứa tuổi đang hình thành nhân cách.”

Độc giả đã định hướng: Những phụ huynh như chúng tôi vẫn sẽ thay đổi việc học cho con em mình dù cuộc cải cách sắp tới có kết quả hay không.

Độc giả Phạm Văn Hiển phản biện với mong muốn bỏ kì thi học sinh giỏi:

Mình không đồng tình với bài viết.

1) Tư duy phát triển là do sự luyện tập những bài toán nâng cao có khả năng phát triển tư duy, trẻ nhỏ rất tốt.

2) Một trong những nguyên nhân của giáo dục giảm sút những năm gần đây cá nhân tôi cho là bỏ khối trường chuyên cấp 2 nó làm giảm sự phát triển kiểu mũi nhọn đánh đồng các học sinh cũng giống như sống trong xã hội bao cấp.

3) Mọi người phải thừa nhận rằng thế giới càng phát triển thì thế hệ trẻ càng phải cố gắng hơn làm tốt hơn thế hệ trước đó. Có chăng là ở những người thầy, thay vì nhồi sọ thì phải thay đổi phương pháp dạy để cuốn hút học sinh, kích thích sự ham muốn khám phá thế giới xung quang. Khi trẻ có đam mê chúng sẽ tự tìm đọc những kiến thức nâng cao mà không cảm thấy nặng nề. Bỏ kỳ thì học sinh giỏi thì chẳng mấy Việt Nam ngang với châu phi. Những nước Mỹ- Singaphore họ cũng vẫn khuyến khích thi học sinh giỏi, các cuộc thi tìm kiếm tài năng. Thay vì bỏ học sinh giỏi thì nên thay đổi lại cách cuốn hút học sinh.


  • Hường Nguyễn (tổng hợp)