- Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" của Đài Truyền hình Việt Nam (phát sóng tối 24/11) đã đưa những bài toán được lan truyền trên mạng tới Bộ trưởng Bộ GD- ĐT. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, trong tài liệu chính thống không có những bài toán này. Có thể đây là biểu hiện của tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào giáo dục.
Mở đầu chương trình, phóng viên của chương trình Thời sự dẫn dắt:
Một phụ huynh có con đang học lớp 1 đưa câu hỏi: “Thưa Bộ trưởng, con tôi mới vào lớp 1 nhưng phải khoác trên vai những chồng sách vở ngày càng dày lên mỗi ngày. Tôi bắt đầu tìm hiểu cặn kẽ hơn về cách thức dạy và học và rất phẫn nộ khi có bài toán như thế này: Nam năm nay 4 tuổi, bố Nam gấp 3 lần tuổi của Nam. Hỏi bố Nam năm nay bao nhiêu tuổi?. Đáp án được đưa ra là bố Nam 12 tuổi. Hay bài toán khác rất ghê rợn khác: Em có 5 ngón tay, em chặt bớt 2 ngón, hỏi còn mấy ngón? Tôi thật sự lo sợ trước tương lai con cái mình khi đứng trước đề toán phi giáo dục, phi nhân tính như thế này. Xin mời Bộ trưởng trả lời?".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời" phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam tối 24/11 |
Hai bài toán "tảo hôn" và "cắt ngón tay" đã ồn ào trên mạng mấy tháng nay nhưng không ai dẫn được nguồn gốc (sách, trường học hoặc thầy cô nào sử dụng).
Một cư dân mạng bình luận: Nếu không xác định được nguồn gốc thì không loại trừ đây là một chuyện "sáng tác" để thu hút sự quan tâm của người xem của các trang mạng giải trí.
Trong trường hợp"có nguồn gốc"; nghĩa là đã được đưa vào nhà trường thì ngành giáo dục không thể vô can ở lỗi này.
Trước câu hỏi trên, người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng đây biểu hiện của tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào giáo dục. "Rất may là tài liệu được lưu hành chính thống trong nhà trường thì không có sai sót như thế".
Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đã chủ động triển khai biên soạn, ban hành quy phạm văn bản quy phạm kỹ thuật, dựng lên hàng rào kỹ thuật nhằm đưa vào tài liệu tham khảo vào nhà trường với liều lượng thích hợp, chặn đứng tài liệu, cuốn sách phản giáo dục không khoa học, không phù hợp với thực tiễn lứa tuổi. Những quy phạm này sẽ giúp nhà trường có cơ chế lựa chọn sách, tài liệu phù hợp.
Đồng thời, còn phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành văn bản xác định trách nhiệm của nhà xuất bản trong việc phát hành những tài liệu liên quan đến giáo dục ngoài thị trường-khu vực mà Bộ GD&ĐT không có thẩm quyền quản lý trực tiếp.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng khuyến khích phụ huynh nên thẩm định kỹ các tài liệu tham khảo trước khi mua.
Cũng trong chương trình, trước đề xuất "nói ngắn gọn về cụm từ đổi mới căn bản giáo dục", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sẽ thay đổi cả về nhận thức cũng như hành động trong tổ chức giáo dục, cả về quan điểm, mục tiêu nguyên tắc, phương pháp.Theo đó, thay vì dạy học sinh thành nhà văn, nhà tin học, nhạc sĩ, sẽ chuyển mục tiêu giáo dục các em thành những người có năng lực cảm thụ cái hay, cái đẹp bài thơ, bài văn, xúc động trước bản nhạc, bức tranh. Học sinh cũng sẽ được giáo dục để có năng lực từ chối những sản phẩm độc hại không có lợi cho quá trình hình thành nhân cách và phẩm chất của mình.
"Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo" là tên thường gọi của một Nghị quyết do Hội nghị Trung ương 8, khóa XI Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa thông qua hồi tháng 10. Với ngành giáo dục, đây là cơ sở văn bản quan trọng để thực hiện nhiều thay đổi trong thời gian tới.
Xem nội dung chi tiết tại đây:
Ngành giáo dục từ bỏ cách nghĩ cách làm 'máu thịt' |
- Nguyễn Thảo