Cho rằng thanh niên Việt Nam bắt đầu tự lực và lập nghiệp muộn so với thanh niên thế giới, ông Đàm Quang Minh, Giám đốc FPT Polytechnic Việt Nam ủng hộ chủ trương “đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở”.
•Thanh niên nên rút ngắn thời gian lập nghiệp
Do đâu mà ông cho rằng thanh niên Việt Nam bắt đầu tự lực và lập nghiệp muộn so với thanh niên thế giới?
-Theo hệ thống giáo dục đào tạo Việt Nam hiện nay, đa phần học hết bậc phổ thông ở độ tuổi 18 và chưa thể làm được việc gì theo hướng nghề nghiệp.
Sau đó mất 4 năm đại học hoặc 2-3 năm theo các hệ nghề nghiệp.
Việc không được phân luồng đã khiến cả xã hội đi theo một hướng chật chội. Từ đó dẫn tới việc sinh viên ra trường vẫn thiếu việc làm, trong khi đó nhiều ngành công nghiệp lại không đủ người đáp ứng.
Cộng thêm với việc các gia đình ngày nay đủ điều kiện hỗ trợ nhiều hơn cho con cái và các bạn trẻ cũng dựa dẫm gia đình nhiều hơn.
Với đà phát triển như vậy, đang có nguy cơ hình thành một tầng lớp “người lớn” chưa trưởng thành, tức là lớn về mặt sinh học, nhưng không đủ kỹ năng để tự sống và lo cho người khác, biến bản thân mình thành một nỗi lo cho phụ huynh và xã hội. Đối với tôi, người trưởng thành phải là người tự quyết định được cuộc sống của mình.
Hiện nay tại nhiều quốc gia phát triển, học sinh được phân luồng từ 14-15 tuổi để lựa chọn hướng nghề nghiệp cho tương lai. Chúng tôi tin rằng học sinh Việt Nam cũng nên như vậy.
Tuy nhiên, việc bắt đầu tính việc kiếm sống đối với trẻ 14 tuổi có phải là hơi sớm không, khi các em còn cả một quãng đường rất dài phía trước?
-Rất nhiều người hiện nay cho rằng chương trình học quá nặng, tuổi thơ phải được tự do vui chơi nhiều hơn.
Điều này đúng nhưng chưa đủ ở chỗ: Trẻ con ở các nước phát triển phải học khá nhiều, khối lượng kiến thức thậm chí nhiều hơn ở Việt Nam. Nhưng học sinh Việt Nam học lệch hơn là nặng. Ví dụ các môn thẩm mỹ, nghệ thuật, quản lý tài chính cá nhân, kinh tế… học rất ít hoặc không được học. Đó là những môn mang tính giáo dục nhân văn cao và giúp một đứa trẻ có thể có kỹ năng và trưởng thành.
Trẻ em Việt Nam thường phải học ba lần để hiểu một thứ. Ví dụ như một bài toán cô giảng trên lớp, phải đi học thêm để biết bài kiểm tra là gì và cuối cùng về nhà gia sư giảng lại lần nữa để hiểu bài. Lẽ ra, chỉ cần học một lần là đã phải biết xong.
Có những cái học không biết để làm gì hoặc quá máy móc. Ví dụ đạo hàm, tích phân, hình không gian các em làm nhoay nhoáy, nhưng hỏi bản chất của các phép toán đó là gì, học để làm gì thì chịu.
Nhưng có lợi ích gì cho các em, cho xã hội khi rút gọn thời gian học phổ thông để đi học nghề, rồi sớm đi làm?
-Việc này tốt cho gia đình, tốt cho xã hội khi có thêm lực lượng lao động trẻ được đào tạo, tốt khi tiết kiệm được chi phí xã hội cho lực lượng “người lớn” chưa trưởng thành, tốt cho cá nhân khi sớmđ ược thể hiện và gánh vác vai trò của mình.
Thay vì mất 2,3 năm học những thứ không dùng được, các em để thời gian học những điều hữu ích hơn cho tương lai.
Cuộc đời là một hành trình dài, mà sức mang của mỗi người luôn hữu hạn. Thay vì mang lỉnh kỉnh đủ thứ, ta có thể lựa chọn chỉ mang những thứ cần thiết nhất.
Phân luồng ở Việt Nam bị biến dạng
Việc phân luồng sau THCS ở nước ta cũng đã triển khai từ lâu, nhưng chưa hiệu quả, đa số học sinh hết THCS đi học nghề thường là những học sinh có sức học yếu. Hơn nữa, hầu hết phụ huynh đều muốn cho con tốt nghiệp 12 năm phổ thông. Vì vậy, ông có cho rằng quan điểm này sẽ tiếp tục khó nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh?
-Chúng ta cần phải thay đổi quan niệm, học nghề từ sau năm lớp 9 không phải là hệ vớt nữa. Để như tình trạng hiện nay, học sinh không thể đi học ở đâu nữa mới đi học nghề là quan điểm biến dạng trong việc phân luồng. Tỷ lệ phân luồng này phải ít nhất đạt 20-40% mới đúng. Nhưng hiện nay con số này rất khiêm tốn ở mức khoảng 1%.
Có rất nhiều vị trí tuyển dụng mà trình độ nhân lực không cần đến đại học. Tại sao phải lừa dối nhau học những môn không bao giờ cần đến?
Mong muốn đích thực của phụ huynh là con cái ra trường có việc làm. Phụ huynh cần nhận ra giá trị thật của xã hội, nhận ra đâu là điều tốt đẹp cho con em, để mà lựa chọn.
“Giá trị thật” mà ông nhắc đến ở đây là gì?
-Câu “Thực học - Thực nghiệp” mà chúng tôi dùng làm tiêu chí thực tế đã có từ cách đây hơn 100 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Chúng ta vẫn quá nặng hình thức, bằng cấp.
Một người bạn tôi làm ở ngân hàng có kể, khi ngân hàng đó tuyển 6 vị trí giao dịch viên đã nhận được tới hơn 700 hồ sơ. Và kết quả là ngân hàng này đã tuyển 6 thạc sĩ, đại học tốt nghiệp loại giỏi cho loại công việc chỉ cần dùng đến trình độ trung cấp, vì “tội gì mà không tuyển” – như anh bạn chia sẻ.
Vào lúc 16h30 ngày 28/11, mời bạn đọc tham gia thảo luận trực tuyến về chủ đề phát triển nguồn nhân lực Việt Nam với các khách mời: 1. Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT 2. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại VN 3. Ông Christian Bodewig, Tác giả chính của báo cáo Phát triển Việt Nam 2014 của Ngân hàng Thế giới Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi bằng cách bấm vào đây. |
Tuy nhiên, hậu quả của việc này là bản thân những người có bằng thạc sĩ làm việc ở vị trí này rồi cũng sẽ chán, khi khó khăn dễ bị thay thế vì công việc chỉ yêu cầu ở mức thấp.
Hiện nay chúng ta thấy rõ việc các ngân hàng đang sa thải nhân viên cao cấp để tuyển thấp cấp hơn. Đây thực sự là lãng phí xã hội vì người giỏi không được sử dụng đúng cách. Sau vài năm cống hiến, đáng ra phải có được vị trí xứng đáng thì nay có nguy cơ đi xin việc từ đầu với sức cạnh tranh rất thấp.
Người dân đang đổ xô học đại học nhưng hiện có một làn sóng ngầm mạnh mẽ không kém là nhu cầu xin được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Việc thay đổi quan niệm về học tập có thể nhanh, có thể chậm, nhưng ít nhất là đã có luồng ý nghĩ như vậy là đúng.
Là một người có thời gian theo đuổi việc học tập không ngắn, ông nhận ra “giá trị thật” từ khi nào?-Có lẽ từ năm 24 tuổi, khi tôi ra nước ngoài học tiến sĩ. Mặc dù khi học tập trong nước tôi cũng được tiếng là năng động và tự lập từ rất sớm, nhưng phải đến khi ra nước ngoài tôi mới thấy mình thật sự được mở mang.
Nhiều người cho rằng cái được nhất của tôi khi ra nước ngoài là tấm bằng tiến sĩ. Nhưng tôi thì lại cho rằng đó là điều nhỏ nhất trong những điều tôi có được. Tầm nhìn cuộc sống, cách tư duy, nghiên cứu, làm việc… mới là những thứ đáng kể.
Tôi mong muốn thay đổi cho học sinh sinh viên trong nước, sớm hơn khi tôi được thay đổi.
Một xu hướng đang được cổ vũ là đi chậm lại để tận hưởng cuộc sống thay vì lao vào kiếm tiền, nhưng dường như ông muốn thúc mọi người đi nhanh hơn?
-Hiện nay ở Việt Nam tồn tại không ít những “người lớn” 30 tuổi vẫn xin tiền bố mẹ để… nuôi con mình. Nhiều bậc phụ huynh con tốt nghiệp đại học vẫn coi như con nít. Nhiều bạn trẻ được bố mẹ dẫn đi xin việc. Đó là sự chậm tiến.
Thanh niên cần tự lập càng sớm càng tốt. Có thể va vấp nhiều, nhưng vấp xong sẽ trưởng thành. Thanh niên nên ra đời sớm. Ổn định rồi, lúc đó bạn có thể chậm lại, nếu muốn.
Xin cảm ơn ông.
- Chi Mai thực hiện
Tiến sĩ Đàm Quang Minh - Giám đốc FPT Polytechnic Việt Nam, Viện phó Viện đào tạo quốc tế FPT - Đại học FPT: Học lớp chuyên Toán – Tin của trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội). Lên đại học theo học ngành địa chất, lớp cử nhân tài năng trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Bằng tiến sĩ địa chất loại giỏi của trường ĐHTH Greifswald (CHLB Đức). Khi về nước, ông từng công tác tại vị trí Trợ lý TGĐ FPT và Giám đốc chương trình hợp tác quốc tế giữa ĐH FPT và Đại học Greenwich (Vương quốc Anh). Ông đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện về các vấn đề giáo dục - xã hội trên các tạp chí của Việt Nam. |